Không chỉ hài hước tột độ mà những bộ anime còn gửi gắm những ý nghĩa vô cùng thấm thía cho người xem.
Những phim này không chỉ đem đến cho bạn những giây phút giải trí nhất thời mà còn có nhiều lớp nghĩa ẩn chứa chờ bạn giải mã. Nào hãy cùng bắt đầu khám phá danh sách anime siêu lầy mà cũng siêu hay này nhé.
1. Naruto
Phim gồm hai phần chính truyện (Naruto và Naruto Shippuden) kể về cuộc đời của cậu bé Naruto ở thế giới ninja. Trong hoàn cảnh mồ côi, học dốt, bị xa lánh, ít bạn, tất cả bi kịch trên khi khoác lên nhân vật Naruto đều được thêm thắt rất nhiều tình huống hài hước và ngoại truyện cực kỳ tiếu lâm.
Tuy vậy, đừng để những trích đoạn hài đánh lừa. Naruto cực kỳ nổi tiếng với giới 8X-9X vì phim chứa đựng rất nhiều triết lý nhân sinh. Các nhân vật trong phim thường nói rất nhiều, nói rất dài và đôi khi còn nói ra những lời khó hiểu. Những câu thoại như “Trong rèn luyện không có đường tắt, phải tự mình từng bước tiến bộ” hay “Con người chỉ bình đẳng khi họ chết” dường như không dành cho những cô cậu bé đang chăm chú ngồi trước màn hình, những lời đó chính là dành cho họ khi đã lớn lên và trưởng thành mới thấy đủ thấm thía.
2. Ouran High School Host Club
Ouran là một bộ anime ngắn gọn gồm 26 tập phim chỉ toàn các tình huống hài hước thổi phồng nhằm đả kích giới nhà giàu thượng lưu vô công rỗi nghề.
Trong phim, cô bé Haruhi vì nhà nghèo nên đã cố gắng giành học bổng ở một trường bất kỳ, sai lầm thay đó lại là ngôi trường tư thục đắt đỏ bậc nhất. Thế là câu chuyện lọ lem ngược ngạo ra đời, khi cô nàng quá nghèo lưu lạc giữa một môi trường quá giàu, giàu đến nỗi các cậu ấm cô chiêu còn rỗi hơi lập ra một quán trà để tự… đốt thời gian của nhau. Haruhi trở thành một nam tiếp viên tại quán trà này, dần dà làm quen với những chàng thiếu gia nổi tiếng nhất tại đó.
Điều thú vị nhất của bộ phim này chính là việc “lọ lem” không tập tành bước vào thế giới sành điệu đầy xa lạ, mà nàng từng chút một lôi kéo các “hoàng tử, vương gia” xích lại gần lối sống bình dân và thân thiện cần có của xã hội.
3. One Piece
Truyện tranh ăn khách One Piece đang phát hành chương mới đều đặn nên phần anime cũng vẫn dang dở chưa hồi kết. Nhìn chung, đây vẫn là một bộ phim lấy đề tài phiêu lưu quen thuộc trong giới, nhưng One Piece ăn điểm ở mạch phim nhanh, vui và cảm động.
Chủ đề ban đầu của phim kể về quá trình đi tìm kho báu quý nhất của giới hải tặc, càng về sau này thì hình tượng nhân vật Luffy được nhấn mạnh và lý tưởng hoá để trở thành nhân vật ưa thích của hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới.
Có những lời đồn đại quanh ý nghĩa của bộ phim này. Vượt lên trên cả việc tôn vinh tình bạn, ý chí quyết tâm của con người, một số fan hâm mộ cho rằng tác giả bộ truyện muốn tuyên chiến với chủ nghĩa hoàn hảo của người Nhật hiện đại. Phong cách, ngoại hình và cả tính tình của các nhân vật trong phim đều khá cảm tính và phóng khoáng, trái ngược với hình ảnh người Nhật căng thẳng vì những lề lối, phép tắc đầy chán ngán ở ngoài đời. Hoặc đơn giản hơn là việc phần lớn thời lượng phim đề cập các hoạt động ngoài trời thay cho thói quen ở lì trong nhà của người dân nước này. Dù gì đi nữa, đây có lẽ là một sự phá cách đáng khen của một tác giả hàng đầu như Eiichiro Oda.
4. Great Teacher Onizuka
Ngay từ ý tưởng của phim đã khiến Great Teacher Onizuka gặp khá nhiều tranh cãi. Tình huống một tay đua moto quyết định rẽ ngang vào nghề dạy học với tính tình háo sắc và bặm trợn của mình đã tạo nên mâu thuẫn dở khóc dở cười của phim. Lứa học trò càng ngỗ nghịch thì Onizuka lại càng… bất trị hơn. Đến cuối phim, học trò tốt nghiệp trung học thì anh thầy giáo cũng tốt nghiệp một khoá “học làm người tốt” của mình.
Những tình huống học đường được đề cập trong phim tuy thô nhưng rất thật, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những tràng cười bất tận nhưng sẽ lập tức gợi nhớ ngay đến những giáo viên ở trường mình.
5. One Punch Man
Trong bối cảnh giả tưởng của thành phố Z, Saitama trong One Punch Man là một siêu anh hùng với tuyệt chiêu “đấm phát chết luôn”. Đúng như tên gọi, anh dễ dàng tiêu diệt các nhân vật phản diện bằng nắm đấm của mình. Để có được nội lực khủng khiếp như thế, anh chàng thất nghiệp Saitama ngày nào đã trải qua quá trình rèn luyện cực kỳ gian khổ đến nỗi tóc cũng rụng dần. Saitama bá đạo của hiện tại trở thành một siêu anh hùng đầu trọc lóc, mặc bộ quần áo cao su màu vàng quê mùa rong ruổi tìm kiếm những kẻ thù càng mạnh càng tốt.
Hình tượng One Punch Man từng nhiều lần làm dấy lên nghi vấn “fake hero” (anh hùng giả) của giới hâm mộ. Sở hữu sức mạnh vô biên, nhưng Saitama không được hiệp hội siêu anh hùng công nhận và chính anh cũng thường thấy chán với những trận đấu quá dễ thắng. Tuy vậy, anh chàng vẫn thầm lặng cống hiến cho hoà bình của thành phố và giữ vững lập trường cũng như nét mặt “bình yên” của mình.
Trong cuộc sống thực tế cũng vậy, đôi lúc chúng ta không cần những cái mác hào nhoáng xa xôi mà chỉ cần biết ơn những người thầm lặng thực hiện những trách nhiệm bình thường của xã hội này. Rốt cuộc mỗi ngày chúng ta đã bỏ quên bao nhiêu “Saitama” như vậy?
6. Slam Dunk
Slam Dunk là một huyền thoại kinh điển của dòng anime thể thao. Nét vẽ cổ điển về các nhân vật vai u thịt bắp có thể khiến nhiều người ngần ngại chọn xem, nhưng nói lời công bằng thì các bộ phim hoạt hình lấy đề tài bóng rổ ngày nay không thể nào chân thực như Slam Dunk cho được.
Hanamichi là một cậu học sinh trung học to cao có thành tích… 50 lần tỏ tình thất bại. Run rủi thế nào đến lần bày tỏ thứ 51, cậu ta quyết tâm phải theo đuổi bằng được đối tượng này mới thôi. Cô gái này tên là Haruko, người giới thiệu cậu vào đội bóng rổ của trường mình. Để đánh bóng hình tượng trong mắt bạn gái, Hanamichi chật vật hoà nhập cùng những thiên tài trong đội, dần dà về sau cậu ngày càng tiến bộ và trở thành át chủ bài của đội bóng trường mình.
Nhìn chung, nhân vật Hanamichi được xây dựng rất dung hoà giữa hai yếu tố bẩm sinh và biết nỗ lực. Cậu ta có tất cả mọi tiềm năng vật lý của một vận động viên, nhưng chỉ thật sự toả sáng sau quá trình trầy trật thua đến chai mặt. Dõi theo từng bước tiến bộ của cậu ta, khán giả sẽ cùng trải qua hơn 100 tập phim rất giàu cảm xúc và khó quên của một tượng đài anime thể thao ở Nhật.
7. Gintama
Có thể nói Gintama là đỉnh cao của dòng truyện hài nhảm (gag), là ông hoàng của xu hướng châm biếm đả kích sâu cay trong nền anime nước Nhật. Khác hẳn với các bộ phim khác chỉ xem hài hước là yếu tố phụ, mỗi phân cảnh, mỗi lời thoại của Gintama đều có yếu tố tiếu lâm xuyên suốt để bạn tự cười và cũng tự trào các yếu tố trong phim.
Gintama lấy bối cảnh nước Nhật bị người ngoài hành tinh xâm lấn. Trong đó, Gintoki là một samurai với kinh nghiệm chinh chiến bậc nhất nay đã về vườn, nép mình làm nghề tự do (freelancer, ai bảo gì làm nấy) ở cửa tiệm Vạn Năng Yorozuya. Gintoki nổi tiếng với mái tóc trắng xoăn tít thù lù, đôi mắt “cá chết” lờ đờ không sức sống, tính cách biếng nhác thích đâm bang và sở thích ăn đồ ngọt đến mức sắp mắc bệnh tiểu đường. Vậy mà một anh chàng trông có vẻ không lo nổi thân mình lại cưu mang thêm một đám trẻ con và đảm nhiệm vai chính của bộ phim xấp xỉ 8 năm tuổi.
Trong Gintama, tác giả thoả sức phê phán đủ thói hư tật xấu của người đời, sự mục rỗng của chính phủ lâm thời và cho lên thớt cả những bộ anime “đồng nghiệp” khác. Một bộ phim hư cấu từ bối cảnh cho đến nhân vật, nhưng những điều bị lên án trong đó đều thật đến mức ai nấy đều giật nảy mình. Nếu bạn đang buồn chán, hãy xem Gintama để thấy cuộc sống này còn nhiều lắm những khiếm khuyết để tiếp tục phấn đấu cải thiện.