Bạn đã bao giờ nghĩ rằng những bộ truyện tranh đỉnh cao như Dragon Ball hay Death Note lại bị cấm cửa ở một số quốc gia hay chưa? Hãy cùng tìm hiểu về sự thật thú vị qua bài viết này nhé.
7, Ultraman: The Ultra Power (Malaysia)
Vào cuối năm ngoái, Malaysia đã quyết định cấm phát hành bộ truyện tranh Ultraman: The Ultra Power do truyện có sử dụng từ “Allah”, vốn là một từ chỉ đấng toàn năng mà bất cứ người Hồi Giáo nào cũng hết mực tôn thờ theo cách không phù hợp.
Bộ Nội Vụ của Malaysia cho biết, Ultraman là một biểu tượng đối với trẻ em, thế nhưng việc đánh đồng hình tượng của siêu nhân này với vị thánh Allah của người Hồi Giáo là không phù hợp và sẽ khiến những trẻ em Hồi Giáo nhỏ tuổi bị nhầm lẫn.
6, Pokémon (Ả Rập Saudi)
Bộ truyện tranh Pokemon đã bị cấm một cách hoàn toàn tại Ả Rập Saudi vào năm 2001 sau khi khi giáo hội nước này ban hành một lệnh cấm Fatwa do cho rằng truyện có tính cổ súy cờ bạc và thậm chí còn mang hình ảnh của một số tôn giáo khác mà họ cho là không phù hợp.
5, Death Note (Trung Quốc)
Chính phủ Trung Quốc đã cho rằng bộ manga Death Note kể về việc anh chàng Light Yagami giết người bằng phương pháp siêu nhiên (cụ thể là dùng sổ tử thần) là bất hợp pháp và gây hoang mang cho cộng đồng. Do đó một lệnh cấm phát hành dành cho Death Note và một số bộ truyện tranh kinh dị khác đã được ban ra nhằm bảo vệ tư tưởng của giới học sinh sinh viên.
4, Barefoot Gen (Một số trường học tại Nhật Bản)
Từng là một phương tiện giáo dục cho trẻ em về sự đáng sợ của Thế Chiến Thứ 2, thế nhưng bộ truyện tranh Barefoot Gen đã bị gỡ khỏi một số thư viện do có những từ ngữ không phù hợp khi nói về người nghèo. Truyện sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi thư viện của trường Izumisano, Matsue…
3, Dragon Ball (Trường công Wicomico – Bang Maryland)
Một số thành viên của hội đồng thành phố đã cố gắng tìm cách loại bỏ bộ truyện tranh hành động hài hước Dragon Ball khỏi các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Maryland vào năm 2009 vì cho rằng bộ truyện này có chứa những nội dung “khiêu dâm”, “khỏa thân”…
Vào năm 1999, một phụ huynh sau khi mua cho đứa con của mình bộ truyện tranh Dragon Ball đã cho rằng đây là một bộ truyện tranh “khiêu dâm nhẹ” và sau đó truyện đã bị gỡ bỏ khỏi tất cả các hiệu sách ở Mỹ. Hãng Viz đã phải che đi các nội dung nhạy cảm trong bộ manga sau vụ việc này.
2, Manga, 60 Years Of Japanese Comics (San Bernardino – California)
Là một bản tóm tắt lại lịch sử phát triển của manga do Paul Gravett biên soạn và sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi thư viện thành phố San Bernardino sau khi một vài phụ huynh phàn nàn rằng nội dung cuốn sách có một vài chỗ miêu tả cảnh “quan hệ” của một con chuột khổng lồ và điều này thực sự không thể chấp nhận được.
1, Welcome to Sugar Pot (Nhật Bản)
Bộ manga này đã bị cấm sau khi Sắc Lệnh Phát Triển Thanh Niên Lành Mạnh được thông qua và đưa những tác phẩm bị cho là gây nguy hại cho cộng đồng vào diện cấm phát hành. Một vài tác phẩm khác cũng bị đưa vào tầm ngắm của sắc lệnh này bao gồm Oku-sama wa Shōgakusei (Vợ Tôi Là Học Sinh) hay bộ truyện tranh chứa yếu tố loạn luân như Aki Sora.
Cả hai bộ truyện tranh trên đều đã bị dừng in ấn xuất bản sau khi sắc lệnh được thông qua. Thậm chí ngay cả To Love-Ru -Trouble- Darkness và Yosuga no Sora cũng bị đưa vào diện phải xem xét. Từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ còn một số bộ manga khác bị dừng xuất bản theo sắc lệnh này.