Theo dõi những bộ anime và manga học đường, chắc không ít lần bạn đã từng mong mỏi mình được sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản nhỉ?!
Những mong ước đấy đều là do những quy tắc, cách quản lý cũng như cách vận hành của các ngôi trường Nhật được thể hiện qua anime và manga quá khác biệt so với những ngôi trường ở Việt Nam. Vậy những điều được thể hiện ở trong anime và manga có thật sự đúng như ngoài đời thực của các ngôi trường Nhật không? Cùng mình tìm hiểu nhé!
Chuyên tâm tập luyện và chơi thể thao quên luôn việc học nhưng không hề bị trách mắng
Mới nghe chắc những ai lười học mà đam mê thể thao, đặc biệt là các bạn nam chắc hẳn đều rất thích thú và mơ ước bản thân mình được như trong anime và manga, có thể tha hồ chơi những môn thể thao mình yêu thích mà không cần lo lắng về việc bị phụ huynh trách mắng và bắt ép phải bù đầu vào đống sách vở dày cộm. Tuy nhiên, chắc cũng sẽ có những người cho rằng, điều này chỉ có trong thế giới ảo tưởng như anime và manga thôi, nhưng sự thật việc bỏ học để chơi thể thao ở Nhật lại hoàn toàn không hề phi thực tế. Bởi mỗi người sẽ có một điểm mạnh khác nhau, và nếu như bạn là một người có năng khiếu về thể thao hay các bộ môn văn hoá, bạn có thể sẽ được tuyển thẳng vào các trường cấp 3, trường đại học chuyên về thể thao mà không cần phải xét nét tới điểm số của những bộ môn khác.
Điều này ở trong một số bộ anime hay manga nói về chủ đề Sport cũng đã từng nói đến, khi các nhân vật chính trong phim tuy rất giỏi về những môn thể thao như bóng rổ, bóng đá nhưng lại yếu về mấy môn xã hội ở trên trường học, họ vẫn được xét duyệt trực tiếp vào những trường cấp 3 nổi tiếng về thể thao với diện đặc biệt là học sinh có tài về bộ môn thể thao đó. Mục đích của việc này ở Nhật nhằm cho các học sinh yếu về bộ môn xã hội nhưng lại có tài về thể chất có thêm một cơ hội để tốt nghiệp, cũng như tận dụng tài năng để đào tạo họ trở thành các tuyển thủ chuyên nghiệp phục vụ cho nước nhà. Vậy nên, chơi thể thao mà quên cả việc học trong Sport anime và manga hoàn toàn là hợp lý. Nghe tới đây, chắc hẳn nhiều anh chàng và cậu nhóc ao ước được sinh ra ở Nhật rồi nhỉ?!
Quyền lực của hội học sinh trong trường
Khi coi các bộ anime và manga về học đường, chắc hẳn các bạn sẽ thấy uy quyền của hội học sinh quá lớn mạnh, lấn áp luôn cả giáo viên và ước chi mình cũng được trở thành một thành viên trong hội học sinh để không còn phải lo lắng hay run sợ khi mỗi ngày lên lớp toàn bị giáo viên đè đầu ra kiểm tra miệng. Tuy nhiên, đó sẽ mãi mãi là một giấc mộng đẹp trong lòng bạn thôi, bởi thật sự thì hội học sinh không hề quyền lực như trong những bộ anime/manga đã thể hiện.
Đúng là các trường học ở Nhật sẽ có hội học sinh, nhưng nhiệm vụ của mỗi người trong hội chỉ có trách nhiệm là đại diện hoặc thay mặt những học sinh khác để đề xuất những ý kiến của họ lên nhà trường, giống như các ban cán sự lớp ở Việt Nam sẽ thay mặt lớp của họ lên họp riêng với giáo viên, chứ thực sự hội học sinh không hề quyền lực đến mức có thể ngồi luôn lên đầu hiệu trưởng như trong anime và manga đã thể hiện như bộ Sket Dance hay bộ Love Is War. Vì vậy, các bạn đừng có mơ tưởng về hội học sinh nữa nhé! Có khi hội học sinh bên Nhật còn không đáng sợ bằng “hội sao đỏ” của Việt Nam mình đâu!
Tầng thượng ở các trường Nhật Bản
Các bộ anime/manga học đường luôn sẽ có những phân cảnh học sinh được lên tầng thượng ăn trưa, ngủ nghỉ, ngắm phong cảnh thậm chí là đánh nhau trên tầng thượng mà không sợ bị giáo viên bắt gặp và cho ăn cái bảng kiểm điểm. Nhiêu đó thôi chắc hẳn học sinh nào cũng muốn được chuyển qua học ở Nhật, bởi ở Việt Nam, tầng thượng trường học như một lãnh địa cấm, không ai được phép bước lên, thậm chí có những trường không có tầng thượng để học sinh có thể trốn học mà leo lên đó chill với thiên nhiên và nắng gió.
Tuy nhiên, sự thật thì trường ở Nhật với Việt Nam đều giống nhau. Tầng thượng ở các ngôi trường Nhật cũng đều được khoá lại nghiêm ngặt và không cho phép bất cứ ai, kể cả là giáo viên được đi lên trên đó. Bởi họ cho rằng, tầng thượng là nơi quá nguy hiểm, thậm chí họ sợ học sinh của mình có thể nhảy lầu tự tử ở trên tầng thượng – điều mà không một ngôi trường nào mong muốn. Vì vậy, dù cho có chuyển qua Nhật thì bạn cũng sẽ không được lên tầng thượng của trường đâu.
Có thể bạn muốn xem thêm: Lý do anime season 1 luôn hay hơn các season sau này
Màu và kiểu tóc của học sinh
Trong anime và manga, các nhân vật đều sở hữu cho mình một màu tóc cũng như kiểu tóc riêng. Điều này trong anime/manga thực chất chỉ là để giúp cho các nhân vật của họ được lung linh và đẹp hơn hơn trong mắt khán giả, còn trên thực tế thì các trường học ở Nhật đều có những quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề đó.
Nếu ở Việt Nam học sinh nam phải cắt tóc thật ngắn và màu tóc phải là màu đen, nữ sinh thì có thể để kiểu tóc nào cũng được miễn là không nhuộm tóc. Còn ở Nhật, quy định đó nghiêm ngặt hơn, không chỉ bắt buộc học sinh phải có màu tóc đen mà ngay cả độ dài của tóc cũng bị quản lý từ nam cho tới nữ. Và đặc biệt, các nữ sinh không được buộc tóc đuôi gà để lộ cả gáy. Nghe thôi cũng thấy quá nghiêm ngặt và đáng sợ rồi đúng không?
Độ dài của váy đồng phục
Trong anime và manga, những nữ sinh thường được tác giả vẽ cho bộ đồng phục với chiếc váy rất ư là ngắn, khiến bao anh chàng mê mẩn mong muốn được qua Nhật học. Thế nhưng, trên thực tế thì không như là mơ, các nữ sinh ở Nhật không được mặc váy ngắn như trong các bộ anime và manga. Váy của họ bắt buộc phải luôn dài ngang gối, nếu quá ngắn thì sẽ bị phạt một cách nghiêm ngặt. Điều này thì ở các trường tư lập luôn cho nữ sinh mặc đồng phục là váy ở Việt Nam cũng quy định như vậy. Luật này đặt ra nhằm mục đích bảo vệ an toàn cho các nữ sinh tránh bị quấy rối và xâm hại tình dục khi mặc đồ quá hở hang.
Tuy nhiên, nhiều nữ sinh lại không thích điều đó. Họ luôn theo đuổi cái đẹp và phong cách hợp thời trang, nên việc mặc váy dài khiến nhiều cô gái cảm thấy bản thân trông rất quê mùa nên thường ăn gian độ dài của váy bằng cách kéo cạp váy cao hơn một chút. Bởi chỉ cần không cắt sửa thì giáo viên sẽ không phạt được họ, vì chiều dài váy đúng như quy định, chỉ là được các cô nàng ma lanh này mặc cao lên thôi.
Nhiêu đây thôi cũng đủ thấy, luật ở các trường học Nhật cũng không khác mấy so với trường ở Việt Nam, có khi còn nghiêm ngặt hơn là nước ta. Vậy liệu những bạn otaku là học sinh có còn mơ ước được chuyển qua Nhật để học nữa không nhỉ?!