Cờ lục sắc được xem là biểu tượng của cộng đồng LGBT, nhưng lại ít người biết được sự ra đời của lá cờ lục sắc và ý nghĩa của nó.
Lá cờ lục sắc ra đời 37 năm trước, được thiết kế bởi nghệ nhân Gilbert Baker người Mỹ. Ông sinh năm 1951, nhiều người cho rằng ông lấy cảm hứng để thiết kế là cờ từ bài hát kinh điển Over the Rainbow của Judy Garland thể hiện trong bộ phim The Wizard of Oz.
Năm 1939, nữ diễn viên Judy Garland (1922-1969) sau khi tham gia bộ phimThe Wizard of Oz đã trở thành ngôi sao hàng đầu và được nhiều người hâm mộ. Bà được xem là “biểu tượng đồng tính” đầu tiên trong lịch sử. Nghệ nhân Gilbert Baker chia sẻ rằng, ông đã chịu nhiều ảnh hưởng từ phong trào hippie và nhiều nhóm người vận đồng quyền lợi cho người da màu vào những năm 70 nên ông mới có ý tưởng cho lá cờ “kinh điển” này.
Lần đầu tiên, lá cờ cầu vồng xuất hiện gồm 8 màu do chính Gilbert Baker cùng với 30 tình nguyện viên đã nhuộm và may thành một lá cờ. Mỗi màu sắc đều mang những ý nghĩa riêng biệt của cộng đồng LGBT. Ví như: Màu hồng là tượng trưng của tình dục; đỏ là sự sống; cam là tượng trưng của sự hàn gắn; vàng là hình ảnh của mặt trời; xanh lá cây là của thiên nhiên hay lam là nghệ thuật; chàm là sự hòa hợp, còn tím chính là nghị lực sống.
Ngày 25/6/1978, là Ngày diễu hành tự do Đồng tính tại thành phố San Francisco, nơi đây được xem là “thủ đô” của cộng đồng LGBT ngày ấy và lá cờ 8 màu này đã xuất hiện lần đầu tiên tại đó. Sau đó, Gilbert Baker quyết định sẽ sản xuất một loạt cờ để kinh doanh, nhưng do công ty nhuộm không có sẵn vải màu hồng nên lá cờ 8 màu ngày đó được “cắt giảm” đi một màu còn 7 màu. Vào ngày 27/11/1978, người đồng tính Mỹ đầu tiên được bầu vào chính quyền Mỹ – Harvey Milk bị sát hại. Việc này đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng LGBT Mỹ và trở thành một cuộc biểu tình lớn xảy ra trên khắp mọi nơi.
Năm 1979, Ủy ban Diễu hành Tự hào đồng tính đã quyết định sử dụng lá cờ củaGilbert Baker để thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh và thống nhất. Nhưng lần này, lá cờ lại thêm 1 lần nữa thay đổi, họ quyết định bỏ đi màu lam, chuyển màu chàm thành màu xanh hoàng gia để tránh bị quá chìm vào màu tím. Vào ngày 16/7/2011, tại Việt Nam lá cờ lục sắc đã được giới thiệu trong buổi giao lưu “I love”. Hình ảnh lá cờ lục sắc hay những đồ dùng có màu sắc tương tự thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện của cộng đồng LGBT.
Ngoài ra, trước đó tại Vương quốc Anh thì màu xanh lá chính là biểu tượng của đồng tính. Cho đến cuối những năm 60 thì màu tím được phổ biến là tượng trưng cho người đồng tính, với khẩu hiệu “Purple Power – Sức mạnh tím”. Hay tại một số nơi thì tam giác hồng cũng được xem là biểu tượng đồng tính khá phổ biến. Cũng có vài biểu tượng khác như Lambra, Bàn tay tím hay Labrys,… nhưng được phổ biến rộng rãi và nhiều người biết đến nhất vẫn là lá cờ lục sắc.
Dù ngày nay, ý nghĩa của lá cờ không còn mang riêng biệt từng màu sắc như lúc mới được “khai sinh” nữa, mà chỉ đơn giản là đề cao sự đa dạng của cộng đồng LGBT.