Trong phim và truyện tranh X-men, Wolverine là một trong những nhân vật rất mạnh, nhờ khả năng tự phục hồi dù có bị đạn bắn vào đầu.
Tuy rằng, nhân loại chưa thể áp dụng khả năng này vào người thực, nhưng các khoa học gia mới đây đã thành công khi tạo ra một loại vật liệu có công dụng giống như vậy. Đó là loại vật liệu với khả năng tự phục hồi dù có dùng kéo cắt đứt.
Cụ thể, vật liệu này mềm và co giãn được tới 50 lần như cao su. Khi dùng kéo cắt, nó sẽ tự lành lại sau 24h. Và sau khi cắt khoảng 5 phút, nó vẫn có thể kéo giãn gấp 2 lần mà không bị đứt rời.
Chưa hết! Vật liệu này còn là một vật dẫn điện qua dòng chảy ion (ionic conductor), và đây là lần đầu tiên các chuyên gia có thể kết hợp 2 tính năng này với nhau.
Đội nghiên cứu từ ĐH California, Riverside và ĐH Colorado (Mỹ) – tác giả của phát minh cho biết vật liệu này có thể áp dụng trong chế tạo robot, đồ điện tử, thậm chí là các cảm biến sinh học.
“Tạo ra một loại vật liệu có đầy đủ những tính năng như thế đã khiến nhân loại phải đau đầu trong nhiều năm. Chúng tôi đã làm được, và hiện đang nghiên cứu ứng dụng chúng.” – Chao Wang, chuyên gia từ ĐH California, đồng thời cũng là một “fan cứng” của Wolverine cho biết.
Wang chia sẻ, chính sở thích của anh dành cho Wolverine đã truyền cảm hứng để tạo ra loại vật liệu này, với khả năng mô phỏng lại vật liệu trong tự nhiên là cao su, có tuổi thọ cao hơn, và giá trị lại rẻ.
Trên thực tế, việc tạo ra một vật liệu kết hợp được khả năng co giãn và dẫn diện bằng ion không khó, nhưng đưa thêm khả năng “siêu phàm” kia vào thì không đơn giản. Vì để tạo ra vật liệu tự liền, các liên kết trong phân tử cần không đồng hóa trị, tức là không thể chia sẻ electron.
Nhưng cuối cùng Wang cũng tìm ra giải pháp. Bằng cách sử dụng các ion lưỡng cực để giữ các phân tử lại với nhau, vật liệu của họ đã có thể dẫn được điện.
Ngoài ra, họ cũng đã thử nghiệm ứng dụng đầu tiên của vật liệu này. Sau khi đưa thêm các thụ thể sinh học, các chuyên gia tạo ra được một phiên bản cơ bắp nhân tạo, phản ứng được với các tín hiệu điện từ giống như cách cơ bắp cử động nhờ sóng não bộ.
Tuy rằng vẫn còn sơ khởi, nhưng vật liệu này được đánh giá là rất tiềm năng, có thể tạo ra một thế hệ thiết bị điện tử mới.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advanced Materials.