Không giống như phim ảnh hay âm nhạc, video game là loại hình giải trí có sự tương tác qua lại giữa người chơi và sản phẩm.
Để hình thành sự tương tác ấy, chúng ta bắt buộc phải đưa dữ liệu vào máy thông qua một hình thức nào đó như qua nút bấm, di chuyển chuột, đạp chân hay tiên tiến hơn là chuyển động của mắt, bằng không máy tính sẽ không có cách nào biết chúng ta đang muốn thực hiện điều gì trong thế giới ảo. Kể từ khi trò chơi điện tử bắt đầu ra đời tới nay, đây là nguyên tắc vẫn được giữ y nguyên.
Những viễn cảnh mà con người mường tượng ra trong tương lai về hệ thống giải trí thường đi theo mô típ: Nhân vật chính không còn tồn tại mà thay vào đó chúng ta sẽ trực tiếp tham gia vào thế giới game, quan sát cũng như hành động bằng chính những giác quan của mình. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến là bộ hoạt hình Sword Art Online đình đám hoặc dòng game .Hack do CyberConnect2 phát triển.
Vừa qua một nhà nghiên cứu David Schwarz thuộc trường đại học Duke, bang Carolina, Mỹ vừa giới thiệu thành quả mới nhất của mình: Đó là cho phép chơi game bằng sóng não.PsyPod – dự án mà ông Schwarz mới giới thiệu gần đây tỏ ra phức tạp hơn đôi chút so với dự án trước đó là Pong (tựa game hứng bóng bằng thanh chạy đơn giản) điều khiển bằng sóng não. Người thử nghiệm đội một chiếc mũ đặc biệt gắn các điện cực xung quanh. Nhưng đối với PsyPod, nó thuộc thể loại game thủ thành, nơi người chơi phải chống lại từng đợt tấn công của người ngoài hành tinh bằng con robot với khả năng phóng ra tia laser. Hỗ trợ 2 người chơi cùng lúc PsyPod cho người xem thấy tương lai về những trò chơi điều khiển hoàn toàn bằng trí óc là rất khả thi.
“Sử dụng một thiết bị đặc biệt, bạn sẽ ra lệnh cho robot bắn ra các tia laser theo nhiều hướng phụ thuộc vào tần số sóng não của mình. Về cơ bản, quá trình điều khiển được thực hiện hoàn toàn bằng ý nghĩ. Tôi đang cố gắng để tăng thêm độ phức tạp cho trò chơi bằng cách bổ sung thêm chủng loại kẻ thù, đồng thời căn chỉnh để các thao tác được chính xác đúng theo ý muốn hơn. Khi hoàn tất, mã nguồn dự án sẽ được công bố rộng rãi cho các trường học và hy vọng, nó sẽ giúp cho trẻ em có hứng thú với ngành thần kinh học hơn. ” – Ông Schwarz phát biểu về PsyPod.
Một khi công nghệ này được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi được, chắc chắn nó sẽ tạo nên một bước đột phá mới cho lĩnh vực phát triển trò chơi điện tử. Giống như Sword Art Online đã từng làm đối với bao thế hệ đọc giả trên toàn thế giới về viên cảnh một trò chơi có thể giúp cơ thể tương tác với thế giới game như thật