Song hành với quá trình phát triển thần tốc của điện thoại di động trên toàn thế giới, game mobile cũng đã trải qua 28 năm đầy thăng trầm.
Song hành với quá trình phát triển thần tốc của điện thoại di động trên toàn thế giới, game mobile cũng đã trải qua 28 năm đầy thăng trầm để biến mình từ một tiện ích giải trí đi kèm thành tiêu chí hàng đầu để định hình lại chính những chiếc smartphone.
Hãy cùng XEMGAME chúng mình điểm qua những cột mốc đáng nhớ của game mobile nhé!
- Khởi đầu với tựa game huyền thoại – Tetris (Xếp gạch)
Nguyên mẫu ban đầu của chiếc điện thoại di động ra đời vào năm 1973 dưới bàn tay của Motorola. Đúng 10 năm sau, hãng cho ra mắt DYTAC 8000x – mẫu điện thoại di động đầu tiên được thương mại hóa. Thế nhưng vào thời điểm năm 1983, không ai nghĩ rằng sẽ đưa những trò chơi điện tử vào một thiết bị có màn hình chỉ đủ để hiển thị số điện thoại với 7 ký tự.
Phải đến 11 năm sau, một trung tâm phát triển công nghệ tại Đan Mạch mang tên Hagenuk mới sản xuất chiếc điện thoại MT-2000 cùng trò chơi Tetris (Xếp gạch) được cài đặt sẵn bên trong. Năm 1994 cũng chính là dấu mốc đầu tiên trong chặng đường phát triển game mobile.
- Snake (Rắn săn mồi) gắn liền với thành công của Nokia
Trong bối cảnh mà hầu hết những chiếc điện thoại chỉ tập trung vào tối ưu việc nghe gọi, thì sự tiên phong của Hagenuk MT-2000 như đánh thức những gã khổng lồ. Chỉ 3 năm sau, vào năm 1997, ông lớn Nokia đã cho ra đời trò chơi huyền thoại của thế hệ 8x, 9x: Snake “Rắn săn mồi”.
Mẫu Nokia 6110 được cài đặt sẵn trò chơi này nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng trên khắp thế giới. Họ thi nhau “cày cuốc” xem ai là người đạt điểm số cao hơn, biến Nokia 6110 trở thành 1 trong 7 mẫu điện thoại thành công nhất mọi thời đại của tượng đài Nokia trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20.
Thật dễ hiểu khi nhiều người cho rằng nhắc đến Nokia là nhớ về tựa game Snake. Được cài đặt sẵn tại hầu hết các thiết bị di động do hãng sản xuất, Snake đã trở thành game mobile được chơi nhiều nhất vào thời điểm đó với hơn 350 triệu thiết bị toàn thế giới. Một số phiên bản còn cho phép người chơi kết nối với nhau qua cổng hồng ngoại. Snake chính là trò chơi kết nối hai người chơi đầu tiên trên điện thoại di động.
- Thời đại bùng nổ của Java Games
Cuối những năm 90 cho đến đầu thế kỷ 21, nền tảng Java trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, kéo theo hàng loạt hãng điện thoại cho phép người dùng tải về các ứng dụng từ bên thứ ba, trong đó có các tựa game mobile với định dạng “.jar” hay “.jad”
Năm 1999, NTT Docomo – nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Nhật Bản cho ra mắt I-mode, cho phép tải các trò chơi Java về các điện thoại chạy hệ điều hành tương thích, mà nổi bật nhất chính là Symbian OS, được sử dụng bởi các hãng lớn như Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson hay các dòng điện thoại nội địa Nhật bao gồm Fujitsu, Sharp và Mitsubishi.
Đến năm 2001, I-mode có 20 triệu người dùng tại Nhật Bản. Rất nhiều trò chơi đã được đưa lên I-mode, với sự tham gia tích cực từ các nhà phát triển trò chơi điện tử lâu đời như Taito, Konami, Namco và Hudson Soft, hầu hết thuộc thể loại arcade cổ điển và console 8-bit.
Hầu như để được tải về, người dùng buộc phải lựa chọn giữa 2 con đường, trả phí để tải về từ các dịch vụ chính thống, hoặc tải lậu qua các trang web crack game. Tại Việt Nam, thời kỳ này chứng kiến một cái tên khá nổi tiếng trong việc tải lậu ứng dụng và trò chơi, đó chính là “Waptrick.com”
- Thời đại của cảm ứng và cảm biến
Điện thoại di động ngày càng trở nên thông minh hơn. Bàn phím cứng dần bị lãng quên thay vào đó là những smartphone với màn hình cảm ứng, trang bị nhiều cảm biến hữu ích như vân tay, cảm biến gia tốc hay con quay hồi chuyển.
Tháng 10 năm 2018, App Store của Apple chính thức ra mắt với kho trò chơi dành cho thiết bị di động của hãng. Vào thời điểm đó, tựa game xếp hình Trism gây bão khi sử dụng cảm biến gia tốc tích hợp sẵn trên Iphone vào lối chơi quen thuộc.
Trism nhanh chóng dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng và liên tục gặt hái những giải thưởng như “Best casual game” của AppStoreApps.com, “Top 1 ứng dụng và trò chơi hay nhất” trên iLounge, “Giải Vàng” từ Pocket Gamer,…
- Cuộc đua song mã của Apple App Store và Google Play
Trước sự thành công của Apple App Store, các nhà sản xuất khác như BlackBerry và Symbian cũng mong muốn có được cửa hàng phát hành ứng dụng và trò chơi riêng trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, do thị phần không nhiều cùng sự áp đảo của iOS và Android, họ lần lượt thất bại.
Thế cục lúc này chỉ còn lại hai đối thủ cạnh tranh lớn sau khi iPhone ra mắt. Đó chính là các thiết bị chạy trên nền tảng Android sử dụng hệ điều hành do Google phát triển, và Windows Phone của Microsoft có khả năng tương tác chặt chẽ với hệ điều hành Microsoft Windows trên PC.
Cả Google và Microsoft đều có cách tiếp cận giống như Apple, giới thiệu các cửa hàng ứng dụng trên Google Play và Windows Phone Store, tương ứng với các chính sách dành cho nhà phát triển game và ứng dụng. Thế nhưng, Microsoft dần đuối sức nên đã chấp nhận buông tay, hầu ngừng phát triển Windows Phone, để lại Apple và Google trong cuộc đua song mã phát hành ứng dụng và game cho điện thoại thông minh.
- Sức hút từ game mobile online nhiều người chơi
Năm 2012, Supercell cho ra mắt tựa game Clash of Clans. Đây là trò chơi chiến lược mà cốt lõi của nó là yếu tố quản lý thành phố và phòng thủ căn cứ. Để có được tài nguyên nhằm duy trì và nâng cấp căn cứ, người chơi có thể cử lực lượng của mình tấn công căn cứ của người chơi khác. Nếu người chơi tấn công giành chiến thắng, họ sẽ đánh cắp một số tài nguyên từ người chơi thua cuộc. Để khuyến khích sự hợp tác, người chơi có thể tham gia vào các “clan” giúp tấn công hoặc phòng thủ tự động.
Đến tháng 9 năm 2014, Clash of Clans đã thu về được 5,15 triệu đô la Mỹ mỗi ngày và nhiều người chơi cho biết họ đã dành hàng nghìn giờ để cày cuốc tựa game này kể từ khi ra mắt.
- Thể thao điện tử chuyển trọng tâm sang game mobile
Một ví dụ vô cùng điển hình là Vương Giả Vinh Diệu – Liên Quân Mobile. Tại Trung Quốc, Tencent đã phát hành Vương Giả Vinh Diệu vào năm 2015. Khi nó được xuất khẩu sang Việt Nam, được đổi tên thành Liên Quân Mobile. Tựa game này được xây dựng dựa trên kiểu chơi có trong Liên Minh Huyền Thoại, một đấu trường chiến đấu trực tuyến nhiều người chơi do Riot Games, một công ty của Mỹ mà Tencent đã mua lại trước đó xây dựng dựa trên Dota 2.
Riot tin rằng Liên Minh Huyền Thoại không thể thành công trên các thiết bị di động, khiến Tencent và studio Trung Quốc TiMi Studios của họ phát triển Vương Giả Vinh Diệu. Ở Trung Quốc, trò chơi đã thành công với hơn 50 triệu người chơi hàng ngày và tổ chức giải esports đầu tiên vào năm 2016.
Tencent đã nhìn thấy tiềm năng phát hành toàn cầu của nó, nhưng thay thế thần thoại Trung Quốc ở bản gốc của trò chơi bằng các nhân vật đa truyền thống, đa văn hóa và đa sắc tộc hơn khi đổi thương hiệu thành Arena of Valor. Đạt thành công ngoài mong đợi, Vương Giả Vinh Diệu – Liên Quân Mobile vẫn là một trong những game mobile có doanh thu cao nhất nói chung, với hơn 1 tỷ đô la Mỹ doanh thu hàng năm từ 2019 đến nay.
Vào năm 2020, Riot Games đã tạo ra các phiên bản di động của Liên Minh Huyền Thoại với cái tên Wild Rift, hay được biết đến là “Liên Minh Tốc Chiến” tại Việt Nam. Tựa game battle royal hàng đầu PUBG cũng phát hành bản Mobile cho riêng mình. Thể hiện một sự chuyển hướng của thế thao điện tử từ máy tính để bàn sang thiết bị di động gọn nhẹ hơn.
Có thể bạn muốn xem thêm : Call of Duty và Warzone sẽ ra mắt phần mới trong năm 2022
- Sự bùng nổ chưa có hồi kết
Với hơn 3,24 tỷ người chơi game trên thiết bị di động (chiếm khoảng 40% dân số toàn cầu), đây là mảnh đất màu mỡ mà bất cứ nhà phát hành game nào cũng muốn nhắm đến. Nhu cầu ngày càng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh thu của thị trường trò chơi điện tử nói chung từ 9,1 tỷ đô la vào năm 2020 lên 30,7 tỷ đô la vào năm 2025, với mức tăng trưởng kép hàng năm.
Theo thống kê của Sensor Tower, năm 2021 vừa qua có 427.000 trò chơi tồn tại trên Apple Store với 46.000 tựa game hoàn toàn mới. Con số trên Google Play thậm chí còn lớn hơn khi mức độ khắt khe tương đối thấp so với đối thủ.
Điều này hứa hẹn những sự đột phá mới mẻ hơn trong thời gian sắp tới của làng game mobile. Mà những nét chấm phá trong thời gian qua có thể nhắc đến như ứng dụng định vị toàn cầu của Pokemon Go hay hỗ trợ đa nền tảng của Genshin Impact.