Hẳn nhiều người trong chúng ta thường cảm thấy khát khô cổ họng trước khi ngủ và phải uống cốc nước to mới say giấc nồng được.
Dám cá rằng, không ít người trong chúng ta cũng từng cảm thấy khát nước hay khô cổ trước khi đi ngủ. Và rồi bạn phải uống 1 cốc nước thật to thì mới đủ để thỏa mãn cơn khát.
Nhưng bạn có thắc mắc rằng vì sao lại có hiện tượng này không nhỉ? Bởi tối bạn đã uống kha khá nước rồi mà. Vì sao lại thế?
Theo các nhà khoa học thuộc Đại học McGill, Montreal (Canada) thì sự thôi thúc khát nước trước khi đi ngủ là sự kích thích các hoạt động của đồng hồ sinh học bên trong não.
Rất có thể, việc cơ thể đòi hỏi cần bổ sung và tăng lượng nước uống trước khi đi ngủ là một cách để tự bảo vệ mình chống lại sự mất nước trong khi ngủ.
Để rút ra được kết luận này, giới chuyên gia đã tiến hành cuộc nghiên cứu trên chuột. Sau khi quan sát tập tục sinh hoạt ở loài gặm nhấm này, họ nhận thấy chúng dường như tiêu thụ nhiều nước hơn trong 2 giờ trước khi ngủ.
Vì thế, trong nghiên cứu, các chuyên gia đã ngăn 12 cá thể chuột không uống nước trước khi ngủ vài giờ. Kết quả là chúng đã bị mất nước nghiêm trọng sau khi ngủ dậy. Điều này hé lộ ra bí mật, việc uống nhiều nước trước khi ngủ là cách giúp chúng chống lại sự mất nước khi say giấc nồng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn muốn tìm hiểu kĩ hơn về cơ chế nào đã “nhắc” chúng cần phải uống nước như vậy.
Và rồi họ nhận thấy, tế bào bên trong não có loại cảm biến độ ẩm, gắn kết với 1 phần của não bộ điều khiển đồng hồ sinh học trong cơ thể.
Khi kích thích đồng hồ sinh học trong não chuột đã làm tăng sự sản sinh hormone vasopressin (hormone giúp kiểm soát sự bài tiết nước tiểu) trong cùng khu vực bộ não. Khu vực não này được gọi là hạt nhân suprachiasmatic (SCN) – một khu vực nhỏ ở vùng dưới đồi – được biết đến với nhiệm vụ điều chỉnh nhịp sinh học.
Giáo sư thần kinh học Charles Bourque đến từ ĐH McGill chia sẻ: “Mặc dù nghiên cứu này chỉ mới thực hiện trên loài chuột nhưng cũng đã giải thích nguyên nhân chúng ta thường bị khát và uống các chất lỏng như nước, sữa trước khi đi ngủ”.
Và sự khát nước là một cơ chế để bảo vệ chống lại sự mất nước nhiều hơn của cơ thể vào cuối chu kỳ giấc ngủ.
Các chuyên gia hi vọng, những phát hiện mới này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hoạt động của đồng hồ sinh học bên trong não.