Từ khoảng thời gian rất lâu đến khi này, những đội tuyển DOTA 2 trong nước chưa hề được đánh giá cao khi bước chân ra đấu trường quốc tế.
Từ trước đến nay, Dota Việt Nam chỉ có duy nhất Starsboba – là đội được game thủ thế giới điểm mặt, nhớ tên. Đây cũng là điểm sáng le lói duy nhất mà đến nay chưa team nào ở Việt Nam có thể đoạt lấy được. Nhưng thực đáng buồn ở thời kỳ đó, mọi người chơi với nhau và gây tiếng vang chỉ vì niềm đam mê mạnh mẽ, thế nên trong thời buổi kim tiền như hiện tại, có nhiều thứ cản trở lớn trên con đường lên chuyên nghiệp của cộng đồng Dota 2 Việt Nam.
Giải đấu khan hiếm
Khác với nhiều tựa game, Dota 2 đòi hỏi người chơi có một cấu hình tốt, vì vậy những địa điểm cung cấp dịch vụ điện tử phải đáp ứng được điều này. Tuy nhiên, so với sự phát triển của internet, đa số đơn vị cung cấp dịch vụ điện tử vẫn còn mang tư duy của “net cỏ”, tức là sử dụng cấu hình kém đến mức game thủ Dota 2 gặp hiện tượng lag, giật, tụt FPS khi vào combat, chính điều này đã tiếp tay “giết chết” con đường phát triển của Dota 2 tại Việt Nam.
Muốn phát triển thì phong trào phải thật mạnh, như vậy đòi hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ điện tử phải thường xuyên tổ chức các giải đấu ở quy mô vừa và nhỏ, vừa kéo người chơi đến nơi của mình đồng thời tạo phong trào luyện tập cho các game thủ. Đây là một phần rất quan trọng bởi chính Starsboba gặp được nhau cũng nhờ họ thường xuyên ghé thăm Boba Net, một đơn vị tại TP HCM.
Mặc dù vậy, những năm gần đây số lượng giải đấu ở các cyber, phòng game đã xuất hiện nhiều hơn và được chăm chút hơn, nhưng từng đó vẫn là chưa đủ để game thủ chú ý đến Dota 2 và luyện tập thi đấu tựa game này nhiều hơn nữa.
Thiếu phân cấp hệ thống giải đấu
Trong bóng đá, điển hình như Ngoại Hạng Anh, các đội bóng phải thi đấu với nhau theo vòng, kết thúc thì phải có đội vô địch, và đội xuống hạng. Điều này tạo động lực thi đấu mạnh mẽ cho các đội bóng tham gia, vì ai cũng muốn vô địch (điều này không dễ) và nếu không thi đấu tốt thì ai cũng có thể xuống hạng. Chính sự xuống hạng/thăng hạng làm tăng giá trị chuyên nghiệp của giải đấu, đồng thời đưa đến tinh thần thi đấu “try hard” vì mục tiêu chung của các cầu thủ, đội bóng.
eSports cũng vậy, đại đa số các nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc hay khu vực Châu Âu đều có những hệ thống giải đấu cho riêng mình mà nơi đó, thứ bậc được phân cấp sau mỗi trận đấu. Khát khao được thi đấu chuyên nghiệp của các game thủ được chuyển thành động lực thi đấu cho các team mong muốn được lên hạng, được thi đấu ở đẳng cấp cao hơn. Với khát khao như vậy, nó giúp cho game thủ tự thúc đẩy được bản thân cho đến khi đạt được thành tích như ý. Còn về tính cần thiết và hiệu quả, thì Trung Quốc là cường quốc về Dota 2, Hàn Quốc đang bá chủ LMHT và Starcraft, còn Châu Âu thì hầu như môn nào cũng giỏi.
Dota 2 Việt Nam vẫn đang thiếu hệ thống giải đấu như thế, và Playdota Star League (PSL) ra đời.
Playdota Star League
Là giải đấu Serie A nằm trong hệ thống giải đấu đầu tiên của Việt Nam. Nhằm phân cấp về trình độ người tham gia cũng như tạo điều kiện cho các đối tượng game thủ trình độ thấp cũng có cơ hội thi đấu và nâng cao kĩ năng, hệ thống giải đấu Playdota được chia ra 3 thứ hạng. Các game thủ có trình độ chuyên nghiệp – bán chuyên và phong trào được xếp tương ứng với Serie A, Serie B và Serie C với các chức năng lên/xuống hạng được cập nhật sau mỗi giải đấu.
Theo đó, PSL mời tám đội có thực lực nhất Việt Nam cũng như có mong muốn đi lên chuyên nghiệp mạnh mẽ tham gia thi đấu. Tám đội mạnh nhất Việt Nam sẽ thi đấu và chỉ có sáu đội được ở lại thi đấu mùa sau, hai đội có số điểm thấp nhất sẽ xuống chơi tại Serie B. Dưới Serie B là Serie C – gồm những giải đấu Online/Offline được tổ chức bởi Playdota và Cộng đồng Dota 2 Việt Nam. Mỗi mùa giải PSL sẽ bắt đầu bằng thành tích mùa trước của các đội tham gia và kết thúc bằng một thứ hạng mới cho mùa giải sau.
Đây hứa hẹn là sân chơi nổi bật dành cho chính game thủ, những người luôn có khao khát thi đấu chuyên nghiệp trong môi trường đỉnh cao. PSL cũng là bước chuẩn bị hiệu quả cho một số team trước khi họ vươn mình ra biển lớn.