Nếu được hỏi hai tựa game chiến thuật nào được yêu thích nhất tại Việt Nam thì gần như chắc chắn câu trả lời sẽ là DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại. Trong khi DOTA 2 được đánh giá là một game mang đậm nét chiến thuật thì Liên Minh Huyền Thoại lại đề cao kỹ năng cá nhân.
Theo nhiều người đánh giá, Liên Minh Huyền Thoại dễ để làm quen hơn so với DOTA 2 nhưng lại khó để chơi giỏi hơn. Thế nhưng, điều khiến cộng đồng Việt tự hào nhất DOTA 2 ít “trẻ trâu” hơn so với Liên Minh Huyền Thoại. Quả thực, văn hóa người chơi Liên Minh Huyền Thoại Việt luôn được đánh giá là cực tệ, tình trạng đánh thì ít mà văng tục thì nhiều diễn ra như “cơm bữa”. Chỉ cần vào game không được đi đúng vị trí mong muốn là người chơi sẵn sàng phá game, afk…
DOTA 2 được đánh giá là tựa game mà ý thức người chơi luôn ở mức cao.
Vậy lý do nào khiến DOTA 2 lại ít “trẻ trâu” hơn so với Liên Minh Huyền Thoại. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
DOTA 2 chưa chính thức về Việt Nam
Đây là lý do đầu tiên và quan trọng nhất giúp cho DOTA 2 chưa bị các thành phần “trẻ trâu” ghé thăm. Đa phần nhóm game thủ này đều có trình độ ngoại ngữ không cao, trong khi DOTA 2 tất cả đều là tiếng Anh. Do đó, việc tập chơi và thuộc hết các món đồ cũng như công dụng của các kỹ năng đã rất khó rồi chứ đừng nói là ngồi chat, chửi tục, mắng nhiếc đồng đội bằng tiếng Anh. Có chăng chỉ là mấy câu quen thuộc.
Rào cản ngôn ngữ giúp DOTA 2 loại bớt “trẻ trâu”.
Hơn thế nữa, đồng đội của họ là những người nước ngoài, họ cũng chẳng buồn đôi co với người khác và sẵn sàng “cấm chat” để tận hưởng trận đấu một cách thoải mái hơn. Dần dần, khi chat mà không ai quan tâm thì các thành phần “trẻ trâu” cũng sẽ nản và tập trung vào chơi thôi. Đây cũng có thể xem là kinh nghiệm dành cho game thủ Liên Minh Huyền Thoại Việt để đối phó với thành phần “trẻ trâu”.
DOTA 2 khó làm quen hơn Liên Minh Huyền Thoại
“Trẻ con không thể chơi DOTA 2” là câu mà cộng đồng thường truyền tai nhau. Đây là một lời nhận xét không phải không có căn cứ bởi DOTA 2 khó làm quen hơn so với Liên Minh Huyền Thoại rất nhiều.
Ngay các em nhỏ cũng có thể dễ dàng làm quen với Liên Minh Huyền Thoại.
Nếu đến một số quán game lớn tại Hà Nội, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những em nhỏ mới chỉ khoảng lớp 3, lớp 4 nhưng đã có thể tham gia thi đấu Liên Minh Huyền Thoại một cách thành thạo. Tất nhiên, ở độ tuổi của các em thì rất dễ bị nhiễm các tính xấu của anh chị chơi cùng (văng tục, chửi thề…) và áp dụng nó một cách thụ động khi chơi.
Các em vẫn chưa lường được hậu quả của việc mình làm và cho rằng đó là hay, là thú vị nên cứ tiếp diễn nó hết ngày này qua ngày khác.
Hệ thống xử phạt của DOTA 2 nghiêm khắc hơn
Mặc dù cũng áp dụng hệ thống tố cáo người chơi khi kết thúc trận đấu, nhưng rõ ràng DOTA 2 làm tốt hơn Liên Minh Huyền Thoại rất nhiều ở khoản này. Cụ thể, với Liên Minh Huyền Thoại, nếu bạn thích có thể thoải mái phá game, văng tục, chửi đồng đội… Khi đến hết trận đấu, dù cho nhận cả 4 phiếu tố cáo từ đồng đội thì cũng chẳng có gì phải sợ (rất ít trường hợp nhận xử phạt do bị tố cáo).
Tính năng tố cáo trong Liên Minh Huyền Thoại gần như chỉ để tượng trưng.
Trong khi đó, với DOTA 2 thì rất khác. Chỉ cần nhận đủ 4 phiếu tố cáo thôi là bạn sẽ lập tức bị xét vào nhóm “cầm đèn đỏ”. Hình phạt nhẹ nhất là khi tìm kiếm trận đấu, bạn sẽ chỉ được kết nối với những bạn cùng nhóm “cầm đèn đỏ” và thời gian tìm kiếm lâu hơn bình thường nhiều. Còn nặng hơn, bạn sẽ bị khóa tài khoản trong một khoảng thời gian tùy mức độ vi phạm.
Trong khi tính năng tố cáo của DOTA 2 luôn có sức răn đe nhất định.
Do đó, người chơi DOTA 2 hầu như ít dám phá game bởi hình phạt có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Liên Minh Huyền Thoại thì ngược lại, người chơi còn thậm chí sẵn sàn buông lời thách thức tố cáo, gây ức chế lớn tới tâm lý đồng đội.