Những game thủ chuyên nghiệp đam mê DOTA 2 tại Việt Nam vẫn còn vô cùng khó khăn.
Trong giải đấu vô địch DOTA 2 thế giới The International 4 vừa kết thúc, có lẽ những người vui mừng nhất không ai khác chính là những người Trung Quốc. Trong top 8 đội mạnh nhất, đã có tới 5 đội tham gia đến từ Trung Quốc.
Đối với nền DOTA Trung Quốc, đó là kết quả nhãn tiền của việc tập luyện không ngừng nghỉ cũng như những sự tập trung đầu tư từ nhiều đơn vị lớn tại quốc gia tỷ dân.
Quay trở lại với làng game Việt. Chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng những game thủ chuyên nghiệp đam mê DOTA 2 tại Việt Nam vẫn còn vô cùng khó khăn. Những giải đấu quốc tế có mặt những team DOTA 2 Việt Nam thì hầu hết đều không có kết quả tốt, kể cả khi đối đầu với những đối thủ trong khu vực.
Vậy câu hỏi được đặt ra là, DOTA 2 Việt Nam cần làm gì để đạt thành công như Trung Quốc?
Có bản Việt hóa
Dĩ nhiên, để tiếp cận một cách thực sự nghiêm túc với DOTA 2, chúng ta vẫn cần tới bản Việt hóa của tựa game MOBA đình đám này. Việc ra mắt phiên bản tiếng Việt sẽ cho phép game thủ có thể tìm hiểu một cách cặn kẽ cách chơi cũng như những chiến thuật của game, thay vì mày mò trên những trang web hướng dẫn chơi như hiện nay.
Tuy nhiên đây không phải công việc dễ dàng. Trong khoảng thời gian gần 2 năm vừa qua, tựa game MOBA thu hút được sự chú ý lớn nhất của cộng đồng game thủ nước ta chính là Liên Minh Huyền Thoại. Sở hữu không ít những ưu điểm chiều lòng đại bộ phận game thủ như dễ tiếp cận, yêu cầu cấu hình nhẹ nhàng…
Chính vì lẽ đó, khi đưa DotA 2 về Việt Nam, bất kỳ NPH nào cũng phải đứng trước nhiều thách thức như thu hút cộng đồng game thủ đến với tựa game, nhằm phổ biến MOBA đình đám này tại thị trường trong nước.
Ấy là chưa kể, để đạt được thỏa thuận với Valve, sức mạnh tài chính cũng như khả năng hoạt động của những doanh nghiệp này cũng là điều vô cùng cần thiết, vì một trong những nhà phát triển game hàng đầu thế giới chẳng dễ dàng gì trao con cưng của họ vào tay một NPH không đủ thực lực cả.
Đầu tư một cách chuyên nghiệp
Đối với những game thủ hâm mộ DOTA 2, việc được theo dõi chặng hành trình của những thần tượng trên khắp mọi nơi trên thế giới vươn tay chạm tới phần thưởng triệu Đô, con số lớn chưa từng có tại một giải đấu thể thao điện tử luôn là điều cực kỳ tuyệt vời và đầy háo hức. Tại Việt Nam thì khác.
Có một thực trạng từ trước tới nay vẫn còn là một vấn đề nan giải chưa có cách giải quyết một cách cụ thể, chính là việc không ít game thủ chuyên nghiệp đã và đang từng ngày, từng giờ tập luyện cùng đồng đội, những mong một ngày có thể thay mặt cả một đất nước tranh tài tại những giải đấu đỉnh cao của thế giới.
Tuy nhiên những game thủ này lại chưa hề nhận được bất kỳ những sự quan tâm, theo dõi hay chí ít là được cung cấp điều kiện tập luyện đúng nghĩa và phần nào xóa bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đó chính là lý do khiến họ khó lòng có thể toàn tâm toàn ý training cùng tựa game mà mình yêu thích. Những thế hệ game thủ chuyên nghiệp cũng vì vậy mà dần thui chột.
Thật may mắn là, thời gian gần đây không ít những tựa game chưa có nhà phát hành ở Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm đầu tư từ nhiều doanh nghiệp cũng như từ chính cộng đồng game thủ.
Điển hình chính là giải đấu DOTA 2 Vietnam Champions League cũng như giải đấu Tt eSports CS:GO Championship mới chỉ kết thúc ít ngày trước đây đã khiến cộng đồng game thủ phải nhìn nhận lại, có những cộng đồng còn phát triển rất vững mạnh, tuy nhiên đơn giản chỉ vì họ chưa được quan tâm đúng mức mà thôi.
Tổ chức những giải đấu trong nước
Một trong những điều kiện thiết yếu để những đội tuyển thi đấu tựa game eSports như DOTA 2 có được thành tích cao nằm ở việc cọ sát, học hỏi và những giải đấu mà họ đã tham gia để tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Đó là thứ vẫn còn thiếu ở làng DOTA 2 Việt Nam.
Đếm lại, chúng ta chỉ có thể thấy được hai giải đấu lớn kể từ đầu năm nay, bên cạnh đó dĩ nhiên là còn rất nhiều những giải đấu quy mô nhỏ, thế nhưng chừng đó chắc chắn không thể nào đủ để cộng đồng DOTA 2 Việt Nam có thể thỏa mãn.
Nếu có được một NPH đứng ra quản lý DOTA 2 tại Việt Nam, thì những giải đấu cũng như cộng đồng caster chuyên nghiệp tại nước nhà cũng sẽ có cơ hội nhiều hơn. Những caster chuyên nghiệp tuy sẽ khó có thể làm việc tự do như trước, nhưng tiến trình chuyên nghiệp hóa sẽ diễn ra trơn tru hơn, tránh được những bất đồng khi các team caster tự do nảy sinh mâu thuẫn, hay những người hâm mộ bị… đuổi ra đường như một scandal dở khóc dở cười mới diễn ra gần đây.