Cùng hoài niệm một chút về thành viên dự bị 1 thời của SKT – Easyhoon, một cái nhìn sâu hơn về sự nghiệp của Easyhoon – Đứa con bị bỏ rơi!
Thông số trong sự nghiệp của Faker và Easyhoon (kết thúc LCK Spring 2015)
Faker – 183 games đã đấu, thắng 132 thua 51, 72% tỉ lệ thắng, 5.5 mạng hạ gục trung bình trong mỗi trận, nằm xuống 2.5 lần, hỗ trợ 6.5 lần và có KDA là 4.8.
Easyhoon – 150 games đã đấu, thắng 79 thua 71, 56% tỉ lệ thắng, 4.4 mạng hạ gục trung bình trong mỗi trận, nằm xuống 2.3 lần, hỗ trợ 6 lần và có KDA là 4.6.
Nếu chỉ đánh giá thông qua thông số, Faker và Easyhoon có rất nhiều điểm tương đồng chỉ trừ 2 phương diện – tỉ lệ thắng và số mạng hạ gục. Chiến thắng đến với Easyhoon khó khăn hơn, bởi anh khởi đầu ở một MVP Blue không mấy xuất sắc trước khi đến với SKT T1 S, nơi mà tỉ lệ thắng của anh luôn quanh quẩn ở mức 50%. Còn Faker có được một đội tuyển tin cậy cũng như một môi trường thuận lợi, anh chỉ chơi cùng một đội hình từ khi bắt đầu sự nghiệp và chỉ sát cánh cùng những người đồng đội mới vào 2015.
Xét về số mạng hạ gục, đây là yếu tố rõ ràng mà ai cũng nghĩ đến khi so sánh Faker với Easyhoon. Faker là một quái vật toàn diện, anh ấy có thể hạ gục bạn, phải nằm xuống rất ít, và giúp các đồng đội của mình có được những điểm hạ gục bằng lượng hỗ trợ rất lớn. Easyhoon thì được biết tới với phong cách rất an toàn – thứ giúp anh rất ít khi phải đếm số, và anh cũng được đánh giá là một trong những Đường giữa có phong cách Hỗ trợ đa dụng tốt nhất khi cần phải giúp những vị trí khác trong đội hình ăn mạng, nhưng Easyhoon chưa bao giờ là người đáng sợ nhất trong vai trò một người gánh đội.
Nhưng điều đó đã thay đổi, như chúng ta thấy trong trận đấu với GE Tigers. Easyhoon vẫn là một trong tuyển thủ khó chết nhất thế giới, nhưng anh đã dần dần bắt đầu thay đổi, sẵn sàng lao lên tìm kiếm mạng khi được trao cơ hội. Trước đây Easyhoon thường để con mồi chạy thoát và chỉ tập trung vào việc ăn lính, giờ đây sự thay đổi đó đã cho anh thêm một vũ khí mới.
Và bây giờ, khi Đường giữa bên đối phương bị chèn ép và ở trong trạng thái thấp máu khi đối đầu với Easyhoon, họ sẽ không thể ở lại Đường như mọi lần, hoặc ở lại và được trải nghiệm cảm giác Easyhoon tốc biến lên hay sử dụng một phép bổ trợ khác để băng trụ.
Từ năm ngoái tới năm nay, sự thay đổi của Easyhoon là rất đáng kể. Khi còn thi đấu cho SKT T1 S, anh chỉ đóng góp trung bình 3.4 mạng mỗi trận, đóng vai trò “làm nền” là chủ yếu, và quan tâm đến việc kéo dài trận đấu hơn là vươn lên dẫn trước bằng những mạng hạ gục sớm. Nhưng hiện tại khi thi đấu với những người đồng đội cũ ở đội S, Easyhoon đã thay đổi hoàn toàn, có được trung bình 4.8 mạng trong mỗi trận trong năm 2015, và giờ đây phong cách của anh đã cở mở hơn, bớt hiền lành so với trước đó.
Chỉ có một thứ khiến cho Easyhoon chưa thể đạt tới đẳng cấp của Faker, đó là khả năng gánh trận đấu trên vai, khả năng trở thành át chủ bài của cả đội. Easyhoon là người luôn giúp các đồng đội của mình giành chiến thắng, nhưng trong khi đó Faker, xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp luôn là người được đồng đội hỗ trợ để mang về chiến thắng. Faker tự đặt mình vào vị trí chủ lực vô số lần, đối mặt với Đường giữa bên phía đối thủ, giành chiến thắng và từ mạng hạ gục sớm đó lăn cầu tuyết để có được chiến thắng.
Nếu, và đó là một chữ Nếu rất lớn, rằng Easyhoon có thể trở thành một chủ lực đáng tin cậy như Faker đã thể hiện trong toàn bộ sự nghiệp, anh ấy có thể đối mặt với Faker và nói rằng 2 người ở cùng đẳng cấp. Nhưng cho tới lúc đó, Faker vẫn là chuẩn mực, những tuyển thủ khác như Cool, Pawn, Rookie và cả Easyhoon vẫn phải ngước nhìn người chơi xuất sắc nhất thế giới, tất cả họ đều mong muốn lật đổ Faker khỏi ngai vàng của mình.
Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn cho Easyhoon nếu anh lựa chọn ra đi. Anh nhận được rất nhiều lời mời khi mùa giải kết thúc để cùng với làn sóng ra đi của các tuyển thủ Hàn Quốc sang Trung Quốc thi đấu. Anh có thể ký một bản hợp đồng hấp dẫn với một đội LPL, trở thành gương mặt đại diện và không cần phải đứng sau cái bóng của ai cả.
Bắc Mỹ, Châu Âu, Đài Loan hay Brazil, Easyhoon có hàng tá sự lựa chọn để đi nếu thực sự anh muốn rời bỏ vị trí dự bị cho Faker. Còn nếu anh muốn ở lại quê hương, vẫn có những đội xếp hàng chờ Easyhoon ra điều kiện để có được sự phục vụ của mình.
Nhưng Easyhoon không chạy trốn. Anh không nhận tiền và rời đi. Cũng không chuyển tới bât kỳ một đội Hàn Quốc nào và chấp nhận từ bỏ… Anh vẫn ở lại cùng SKT T1, tập luyện chăm chỉ dưới cái bóng của Faker, sửa chữa từng sai lầm của mình trong trận đấu, và tiến bộ rất nhanh trong nửa đầu năm 2015. Giờ đây, với danh hiệu MVP của vòng Playoffs trong tay và dẫn dắt cả đội mang về chiếc cúp vô địch LCK Mùa Xuân, anh ấy… vẫn bị Faker che khuất. Và cuối cùng, Easyhoon, vẫn chỉ là sự lựa chọn số 2.
Dù vậy, tôi không nghĩ điều này sẽ làm Easyhoon buồn lòng. Anh ấy chưa bao giờ là một ngôi sao. Kể từ ngày là một tân binh và có được tên tuổi ở MVP Blue, Faker debut ở ngay mùa giải sau đó và hủy diệt Easyhoon ngay trong lần chạm trán đầu tiên.
Tới khi gia nhập SKT T1 S, Easyhoon lại một lần nữa đứng phía sau Faker ở SKT T1 K, trình diễn một lối chơi thiếu hấp dẫn và nhàm chán, trong khi đội tuyển chị em của mình có được chiếc cúp vô địch Thế giới. Easyhoon luôn làm việc chăm chỉ để hoàn thiện mình, mở rọng phong cách chơi và mong muốn bù đắp những khiếm khuyết.
Tiếp sau đây sẽ là MSI, và cũng không có gì chắc chắn rằng Easyhoon sẽ được thi đấu. Có thể SKT T1 muốn giành cho Faker cơ hội để có được chức vô địch thứ 3 liên tiếp trên đấu trường Quốc tế. Nếu điều đó xảy ra, Easyhoon sẽ lại ở lại với vị trí quen thuộc trên băng ghế dự bị, theo dõi tuyển thủ luôn dẫn trước anh trong sự nghiệp đưa đổi tuyển mà chính anh dẫn dắt lên ngôi vô địch một cách áp đảo chỉ một tuần trước.
Đứng dưới cái bóng của Faker là điều không thể tránh khỏi, và chừng nào Easyhoon còn ở lại SKT, cơ hội cho anh vượt qua Faker để trở thành Đường giữa chính thức là rất nhỏ, và để người hâm mộ chấp nhận việc Easyhoon thay thế Faker, khả năng đó còn nhỏ hơn.
(Hoài niệm cùng Easyhoon)