Dù được hy vọng tạo nên con đường mới cho các nhà phát triển game sau này, thế nhưng Epic Game đã thực sự thất bại trong cuộc chiến pháp lý với Apple, đồng nghĩa với việc Fornite sẽ không thể được trở lại trên kho ứng dụng.
Mối quan hệ làm ăn giữa Epic Games và Apple đã thực sự tan vỡ khi Epic Games kiên quyết kiện Apple sau khi Apple chủ động gỡ Fortnite ra khỏi iOS App Store vì lý do Epic Games đã phát hành bản cập nhật cho Fortnite cho phép người chơi bỏ qua hệ thống thanh toán trong ứng dụng của App Store để mua V-bucks trong game miễn phí, và vì vậy vi phạm các điều khoản dịch vụ của Apple. Apple còn cắt mọi mối quan hệ khác với Epic Games khi thông báo rằng tất cả tài khoản nhà phát triển và quyền truy cập vào các công cụ phát triển iOS và Mac sẽ chính thức bị chấm dứt vào ngày 28.8.
Vụ kiện trên xảy ra trong bối cảnh Apple đang siết chặt các chính sách đối với thị trường trực tuyến của mình. Apple đã bảo vệ khoản phí giao dịch 30%, nhấn mạnh rằng khoản tiền này nhằm trang trải chi phí quản lý kho ứng dụng App Store và bảo vệ an ninh của người dùng, tuy nhiên nhiều dư luận lại cho rằng “Trái táo cắn dở” đang lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường trực tuyến.
Ngày 13/8, Apple đã xóa tên Fortnite trên kho ứng dụng di động App Store, nhằm đáp trả việc Epic Games đã triển khai hệ thống thanh toán mới thông qua máy chủ của công ty, cho phép game thủ mua hàng trực tiếp trong Fortnite, nhằm “qua mặt” hệ thống mua hàng trong ứng dụng của Apple để không phải trả mức phí 30%.
Về phần mình, công ty Epic đã đệ đơn kiện Apple lên tòa án liên bang khu vực Bắc California để yêu cầu tập đoàn này chấm dứt “hành vi phản cạnh tranh” cũng như quy định yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng trả 30% phí giao dịch khi thực hiện trên kho ứng dụng App Store.
Có thể bạn muốn xem: Epic Games kiện Apple độc tài, Apple cáo buộc lỗi hoàn toàn từ phía Epic
Epic Games đã đệ đơn kiện và tìm cách ngăn Apple thực hiện các hành động như vậy vì lý do chúng sẽ có tác động “tàn phá” đối với công ty. Và đáp trả, Apple cũng đã đệ đơn phản đối yêu cầu của Epic và cho rằng những rắc rối của Epic là kết quả của những hành động của chính họ và mọi thứ sẽ biến mất nếu Epic gỡ bỏ bản cập nhật vi phạm của mình.
Việc làm của Epic Games, dù nhận được rất nhiều ủng hộ từ các nhà phát triển game khác nhưng lại hoàn toàn không hợp lệ mấy trong mắt các thẩm phán. Và vừa qua, một toà án California (Mỹ) đã từ chối đề nghị của Epic Games nhằm yêu cầu tập đoàn Apple khôi phục Fortnite trên ứng dụng App Store.
Theo Thẩm phán tòa án – bà Yvonne Gonzalez-Rogers, việc Fortnite bị Apple loại khỏi App Store là “do chính hãng này (Epic Games) tự gây ra“. Bà cũng đề xuất rằng để có thể khôi phục vị trí của Fortnite trên App Store, Epic Games chỉ cần thực hiện bước đi đơn giản là tắt mã mà hãng này đã cài trong ứng dụng Fortnite nhằm “lách” qua hệ thống thanh toán của Apple.
Phát biểu với báo giới, đại diện tập đoàn Apple nhấn mạnh: “Chúng tôi cảm ơn tòa án đã công nhận rằng vấn đề của Epic hoàn toàn là do họ tự gây ra và họ có khả năng giải quyết vấn đề này”. Trong khi đó, hãng Epic Games đã từ chối bình luận về phán quyết trên.
Những phán quyết chống lại Epic Games là đòn mở đầu trong trận chiến về việc liệu sự kiểm soát chặt chẽ của Apple đối với kho dữ liệu App Store và việc thu phí trung gian ở mức 30% doanh thu của doanh nghiệp có được tính là hành vi độc quyền hay không. Về phương diện này, phán quyết của Thẩm phán Tòa án – bà Yvonne Gonzalez-Rogers cũng đã yêu cầu Apple chấm dứt việc giới hạn quyền cung cấp Unreal Engine – một công nghệ đồ họa quan trọng – mà Epic Games muốn dành cho các chương trình ứng dụng khác.
Theo Epic, không chỉ riêng Fortnite, công nghệ đồ họa Unreal Engine còn hỗ trợ nhiều trò chơi điện tử phổ biến khác, cũng như các ứng dụng như đào tạo thực tế ảo cho phi hành gia và hiệu ứng hình ảnh cho các chương trình truyền hình như “The Mandalorian”.
Ngoài ra, thẩm phán Yvonne Gonzalez-Rogers cũng thừa nhận rằng trò chơi điện tử Fortnite có những người hâm mộ cuồng nhiệt và chính trò chơi này đã góp phần giữ chân mọi người ở trong nhà khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát. Mặc dù vậy, bà cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần phải tuân thủ những thỏa thuận đã nêu trong hợp đồng, hoặc giải quyết các mâu thuẫn tại tòa án.