Nhắc đến cái tên Rui Costa thì, trừ phi bạn là một cổ động viên cuồng nhiệt của tuyển Bồ Đào Nha và Serie A những năm cuối thập niên 90 đến những năm đầu thập niên 2000, hoặc là một HLV FO3, bạn sẽ lắc đầu thắc mắc: Anh ta là ai thế?
Rui Costa là một trong những tiền vệ công xuất sắc nhất mà lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha từng sản sinh. Anh sinh cùng một năm với huyền thoại Luis Figo, nhưng trái ngược với tiền đạo ồn ào nhất lịch sử bóng đá châu Âu kia, Costa là một con người vô cùng, vô cùng thầm lặng.
Người ta nói rằng mọi thiên tài đều cần đến khán giả, nhưng Rui Costa thì hoàn toàn không. Mười chín tuổi, anh giành huy chương vàng giải trẻ thế giới và lần đầu tiên được đôn lên đội 1 Benfica. Ba năm sau đó, anh đến vương quốc bóng đá Serie A với hành trang là 2 chức vô địch Primeira Liga. Ở Fiorentina thời kỳ đó, người ta chỉ nhắc đến Vua sư tử Batistuta, hoặc kiệt cùng lắm là Quái thú Edmundo đá cặp với Batis, nhưng chẳng mấy ai lại tung hô một tiền vệ số 10 phải đá lùi rất sâu như một tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 4-4-2 yêu thích của HLV Trappatoni như Costa, mặc dù công bằng mà nói, vũ điệu đầy đam mê của Rui Costa thời kỳ đó chính là chất xúc tác quan trọng, và gần như là duy nhất cho khúc hoan ca bất tận mang tên Batistuta. Những năm chín mươi của thế kỷ 20, Serie A là giải đấu khốc liệt nhất thế giới với ít nhất 7 đội bóng thừa sức tranh nhau chức vô địch C1, nhưng Fio vẫn giành được đến 2 danh hiệu Coppa Italia và 1 Siêu cup Italia chỉ nhờ vào nguồn cảm hứng số 10, mái tóc bờm sư tử số 9 và một gã điên số 11.
Rui Costa là người có thể khiến cho tất cả mọi khán giả theo dõi anh phải chìm đắm trong thứ cảm hứng mê hoặc. Không nhanh như Kaka, Messi và các số 10 hiện đại sau này khác, không đẹp mắt đầy hoang dại như Ronaldinho hay Robinho, cũng không rực lửa như Nedved, tất nhiên, cũng chẳng tự hào như Baggio, khi tấn công, anh vừa trầm lắng như một điệu Valse cổ điển, vừa tập trung say mê trong thế giới sáng tác riêng chẳng khác gì một họa sĩ đang dạt dào cảm hứng, lúc phòng ngự, anh lại hăng hái sôi nổi như một đứa trẻ. Người ta nói, các số 10 cổ điển luôn lười biếng, nhưng riêng Costa thì không. Trong những ngày tháng mở đầu cho giấc mộng đẹp đó, Costa làm chính xác nhiệm vụ của một tiền vệ trung tâm biết làm thơ: Mạnh mẽ, lăn xả, chuyền dài, và xây dựng mọi thứ bên ngoài phạm vi camera.
Nhưng những nghệ sĩ chẳng bao giờ được công nhận tài năng nếu anh ta không lập dị. Người ta nói, thiên tài tạo ra sự lập dị, nhưng người ta thực ra lại nghĩ, sự lập dị quyết định thiên tài.
Năm 2001, Fiorentina sụp đổ sau cú vô lê thần sầu và giọt nước mắt Batistuta. HLV Fatih Terim rời Fio đến Milan, mang theo Rui Costa bằng một bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử đội bóng vĩ đại nhất hành tinh AC Milan. Hơn 43 triệu Euro cho một tiền vệ trung tâm, trong khi một nửa sức mạnh của Fio thời đại trước là Batis chỉ có giá 35 triệu Euro. Một màn giới thiệu ra sân khấu sôi động kinh hoàng cho người nghệ sĩ thích làm việc với bản thân như Costa.
Nhưng rồi Costa đã nhanh chóng lách qua mọi áp lực truyền thông dành cho vụ chuyển nhượng khổng lồ để trở về với thế giới của mình: Thế giới của một nghệ sĩ đầy say mê chẳng quan tâm gì đến những tiếng động ồn ào luôn sẵn sàng làm rung chuyển SVĐ San Siro. Tất nhiên giờ đây, anh chẳng còn phải miệt mài hỗ trợ phòng ngự như trước nữa! Trong kỳ quan chiến thuật thế kỷ AC Milan, với không gian nghệ thuật do Pirlo xây dựng, sự bảo vệ của Seedorf và kỹ năng di chuyển không bóng thiên tài của Shevchenko/Inzaghi, Rui Costa có tất cả những gì mình cần để trở thành một số 10 đúng nghĩa giống như bất kỳ một số 10 nào khác trên thế giới năm đó: Di chuyển, điều khiển, chuyền bóng và sáng tạo.
Người ta nói, Milan năm đó là của Pirlo, nhưng riêng các bàn thắng của Milan lại là của Rui Costa. Anh chơi bóng hay đến nỗi một thiên tài bóng đá khác là Rivaldo, người đã chuyển đến Milan với tư cách là nhạc trưởng của đội tuyển Brazil vô địch thế giới, cũng chỉ có thể ngồi dự bị trong suốt 2 năm ở Italia. Không phải Ancelotti kỳ thị đôi chân vòng kiềng và tư duy thực dụng của chàng trai người Brazil! Mà là vì ông ta, cũng như mọi khán giả của Milan, tiếc nuối những cú chọc khe, những cú mớm bóng hay những pha ngả người của Rui Costa nếu như “chẳng may” phải để cầu thủ Bồ Đào Nha kia phải ngồi ngoài.
Vậy mà buổi tiệc nào cũng đến lúc phải tàn. Mùa hè năm 2003, Sân San Siro chào đón một người Brazil khác (lại là Brazil), chàng trai trẻ cũng có chữ R ở đầu và O ở cuối trong tên gọi giống như truyền thuyết về những siêu sao bóng đá Brazil: Ricardo Izecson dos Santos Leite, hay còn được biết đến với cái tên khác là Kaka. Mùa giải năm đó, Serie A chứng kiến một sự thay đổi chậm rãi, từ tốn, nhưng vô cùng quyết liệt của 2 thế hệ bóng đá mà rất nhiều năm sau, người ta gọi là cuộc lột xác của thế hệ số 10 cổ điển, một cách trực quan nhất trong thành trì của bóng đá hiện đại: Một Rui Costa thiên tài làm bóng chậm rãi, điềm tĩnh, thích sáng tạo hơn là ghi bàn, đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, dần dần bị thay thế bởi một Kaka tốc độ, sắc bén, thích ghi bàn, đang tràn ngập sức trẻ.
Euro 2004, Rui Costa, cùng với tuyển Bồ Đào Nha của Figo và Ronaldo, đối mặt với đội hình phòng ngự 4 tầng của Hy Lạp trong trận chung kết. Tại đây, Costa tiếp tục đóng vai trò là đại diện điển hình cho những diễn biến phức tạp của quá trình canh tân số 10. Anh vụn vỡ trước hệ thống phòng ngự điên rồ đầy cực đoan của lịch sử, cũng là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho những kẻ giết chết số 10 ở Real Madrid, Chelsea và những đội bóng điên rồ khác vào những năm cuối thập niên trước. Thất bại của Bồ Đào Nha năm đó là thất bại của thời kỳ huy hoàng của số 10 cổ điển, thất bại đã thúc đẩy sự thay đổi từ một số 10 kiểu Rui Costa sang số 10 kiểu Kaka sau này.
Thế nhưng, đó lại là một câu chuyện khác rồi!