Nếu lướt qua những lời comment hay chỉ trích thể hiện phản ứng của cộng đồng mạng dành cho NPH, cho game chúng ta sẽ không khó để thấy được sự đồng nhất ở cách phê bình cũng như ném đá đủ để hiểu tinh thần đoàn kết trong game thủ là không giả.
Một khi đụng đến quyền lợi và làm méo mó đi hình ảnh tốt đẹp của game thì người chơi luôn sẵn sàng lôi bè kết phái nhằm phản đối cho bằng được. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là cộng đồng mạng lúc nào cũng chung một chiến tuyến, ủng hộ nhau bởi quan điểm và suy nghĩ đánh giá mỗi cá nhân hoàn toàn khác biệt. Chúng đôi khi mâu thuẫn đến nỗi tạo ra những cuộc chiến ngầm nội bộ.
Bàn tay có ngón ngắn ngón dài huống chi là cả một đồng lớn. Chúng ta có thể hình dung cộng đồng game thủ giống như một gia đình, khi ra ngoài xã hội thì dĩ nhiên họ sẽ bênh vực bảo vệ nhau vì là anh em. Tuy nhiên về tới nhà thì lục đục, cãi nhau là khó tránh khỏi bởi chín người thì mười ý. Nếu không có sự hòa giải, nhún nhường chắc chắn từ cãi nhau sẽ dễ dàng chuyển sang đánh lộn nằm trong dự đoán.
Mâu thuẫn giữa game yêu thích
Chuyện cộng đồng của hai game khác nhau tranh luận gây gổ không phải hiếm nhất là khi chúng cùng một thể loại và chất lượng xấp xỉ khó cân đo. Câu nói dễ tạo ra sự bùng nổ là “game này hay hơn game kia” vì nó trực tiếp động chạm đến tình yêu và sản phẩm ưa thích của người chơi. Lúc này mâu thuẫn khá giống với việc so sánh giữa các thần tượng, dĩ nhiên chẳng ai muốn chịu lép vế. Ban đầu chỉ là những bình luận dẫn chứng khá lịch sự về điểm hay của game bên mình cũng như điểm dở của phe bạn.
Theo thời gian và theo độ nóng tăng lên của cuộc so sánh thì từ “bạn” chuyển qua “mày”, từ “tớ” biến thành “tao”. Căng thẳng hơn là văng tục chửi bậy búa xua với nội dung vô cùng phong phú làm chúng ta liên tưởng đây không còn là việc tranh cãi xem game nào hay nữa mà giống như cuộc đấu võ mồm ai to miệng hơn sẽ thắng. Khi đó game thủ quên mất mục đích ban đầu mà chỉ muốn sỉ nhục, nhấn chìm kẻ thù trong sự thất bại ê chề. Cần khẳng định rằng cuộc chiến này rất mạnh mẽ và hung hãn bởi một khi đã liệt game vào danh sách ưa thích thì các thành viên có thể sống chết vì thứ mà mình đã nhận định.
Mâu thuẫn giữa tư tưởng đánh giá
Hàng ngày lướt báo game, lướt facebook đã trở thành thói quen của game thủ. Điều này giúp họ thu thập thêm thông tin mới và cập nhật những sự kiện đặc sắc khó bỏ qua. Tuy nhiên đây còn là cách truy lùng, hóng hớt những kẻ “lỡ mồm” cố ý hay vô ý nói sai để tóm gọn rồi dìm hàng. Bạn sẽ dễ dàng thấy sự xét nét và để ý của cộng đồng mạng khi có lỗi về chính tả hoặc thông tin game. Những game thủ khác giống như bắt được vàng bắt đầu lao vào xâu xé phân tích. Họ thích thể hiện sự thông minh, hiểu biết bằng cách vạch lá tìm sâu. Tuy nhiên kẻ nói sai chưa chắc chịu thừa nhận và cuộc cãi cọ sẽ nổ ra.
Ngoài ra khi gặp một vấn đề mang tính phân tích tư duy và không có một kết quả cụ thể nào thì mỗi game thủ tham gia bàn luận đại diện cho một phương án khác nhau. Họ dùng đủ mọi cách để khẳng định lập luận của mình là đúng. Nếu đã không có kết quả cụ thể thì việc phủ nhận đáp án của kẻ khác khá khó khăn. Vì thế tranh luận chửi bới có ngu cơ xảy đến.
Mâu thuẫn giữa chính và tà
Nghe thì có vẻ đậm mùi kiếm hiệp nhưng đây chắc chắn là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn trong cộng đồng mạng. Phe tà tạm gọi là trẻ trâu, là anh hùng bàn phím hay ATSM gộp chung vào phá game. Thực chất khó xác định được ai hay bên nào mới là tà vì chẳng có kẻ nào ngốc đến nỗi tự nhận mình là kẻ phá bĩnh. Những đối tượng mặt dày thừa nhận bản thân trẻ trâu đảm bảo sẽ trở thành mục tiêu của búa rìu dư luận. Phe chính tượng trưng cho các vị hiền triết, thánh nhân sẽ phân tích điểm sai của phe tà và định tội họ. Sự buộc tội này tăng dần từ khuyên can đến chửi bới ném đá. Phe tà cũng chẳng chịu kém cạnh nên mới tạo ra cuộc chiến “nước miếng” không bao giờ dứt. Tuy nhiên kết cục cuối cũng vẫn chẳng biết bên nào mới là chính hay tà bởi ai cũng có bằng chứng lập luận hùng hồn và to miệng khó lấn át.