Hệ thống giải đấu VCS, VCSB và vòng thăng hạng đã có những lùm xùm, vấn đề trong và sau chuyển giao vẫn chưa được giải quyết.
Quá trình chuyển giao nhà phát hành của LMHT và ĐTCL tại Việt Nam phần nào đó đã hoàn tất. Tính đến nay cũng đã hơn 3 tuần và mọi hoạt động đều đã dần đi vào ổn định. Chỉ trừ ping của người chơi LMHT khi luôn ở mức cao và nhảy liên tục, cộng thêm việc các nhà mạng, đặc biệt là nhà mạng 4 chữ với những hoạt động giật lag, người hâm mộ vẫn chưa thể bình yên chơi game. Mức ping khi chơi game dao động từ 30-200ms tùy thuộc vào khu vực và độ may rủi của người chơi.
Cùng với việc chuyển đổi NPH game, các hoạt động của giải đấu VCS, VCS B, Vòng thăng hạng và nhiều các vấn để xung quanh LMHT chuyên nghiệp cũng chưa thể hoàn tất. Giải đấu của chúng ta vẫn chưa công bố ngày thi đấu chính thức tuy nhiên nhiều gương mặt quen thuộc với LMHT Việt Nam trong một khoảng thời gian dài như BLV Hoàng Luân đã chính thức xác nhận sẽ không góp mặt tại giải đấu VCS khiến người hâm mộ không khỏi thất vọng.
Rất nhiều người hâm mộ chờ đợi giải đấu quốc nội, các tuyển thủ cũng muốn được thi đấu khi tất cả các giải đấu LMHT lớn trên thế giới đều đã khởi tranh. Và mới đây, League Of Legends Insight, một fanpage có “gián điệp” tại ban tổ chức của VCS đã tiết lộ về những khó khăn, lùm xùm của giải đấu VCS, VCS B và Vòng thăng hạng trước và sau quá trình chuyển giao khiến người hâm mộ không khỏi bất ngờ.
Những sự kiện quan trọng bắt đầu từ thời điểm CKTG 2022 khởi tranh vào khoảng tháng 10. Thời điểm này, khi 2 đại diện của khu vực VCS đã hoàn tất visa và bắt đầu thi đấu tại CKTG 2022 thì tại VCS tồn tại 2 vấn đề khá lớn cần giải quyết. Đầu tiên chính là giải đấu VCS B – giải hạng 2 của VCS diễn ra trong thời gian đánh CKTG, Vòng Thăng Hạng và vấn đề thứ 2 là vụ việc kiện tụng của ASE sau khi giải mùa hè kết thúc.
Quá trình chuyển giao đã bắt đầu từ thời điểm này, đại diện Riot Games muốn chuyển giao giải đấu sớm với 8 đội tuyển cuối cùng sẽ thi đấu để có thể bắt đầu VCS Mùa Xuân 2023 một cách nhanh chóng và thuận lợi. Hai bên đã thương thảo và Garena sẽ đảm nhiệm hoạt động và triển khai sớm. Còn vấn đề kiện tụng của ASE, các tuyển thủ tố đội tuyển nợ lương trong khi chủ đội tuyển tố ngược các tuyển thủ thi đấu không hết sức, bán độ…
Kết quả cuối cùng được Riot Games và Garena quyết định là chia đôi số tiền mà ASE nhận được khi tham dự VCS Mùa Hè 2022, một nửa cho các tuyển thủ và một nửa cho đội chủ quản. Drama này coi như chấm dứt và khả năng cao team sẽ disband hoặc bán slot sau đó. Lúc này, bên đại diện của Riot Games tại Việt Nam là I được đồn đoán là đơn vị tổ chức LPL Vietnam thời gian trước đó muốn đứng ra đảm nhiệm giải đấu VCS, muốn vận hành một giải đấu nhỏ trước khi chính thức tổ chức giải đấu VCS Mùa Xuân 2023 và được chấp thuận.
Tháng 11 là thời điểm CKTG 2022 kết thúc và mở đầu với giai đoạn Tiền Mùa Giải 2023. LMHT thay đổi 180 độ và rất nhiều vấn đề phát sinh trong giai đoạn này. Đầu tiên phải kể tới việc máy chủ giải đấu bảo trì cuối mùa và chưa thể sử dụng cho VCS B, vòng thăng hạng. Máy chủ thay thế ở phiên bản Tiền Mùa Giải khác biệt hoàn toàn so với trước đây và không đủ ổn định để dùng trong các giải đấu có tính chất quan trọng. Thêm vào đó, các tuyển thủ lần lượt hết hạn hợp đồng vào tháng 11, khiến các đội tuyển không đủ nhân sự để thi đấu.
Các vấn đề vẫn chưa thể giải quyết trong tháng 12 và lại có thêm vấn đề mới liên quan đến quá trình chuyển giao LMHT, giải đấu VCS. Từ việc chuyển đổi tài khoản, sửa lỗi, đồng bộ dữ liệu và đương nhiên là cả hệ thống giải đấu.
Các vấn đề đã được phần nào đó khắc phục tại tháng 1 sau khi quá trình chuyển giao hoàn tất và mùa giải mới bắt đầu. Lúc này, các đội tuyển đã bổ sung nhân sự mới nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất xảy ra đó chính là server của giải đấu (nơi các tuyển thủ VCS thi đấu) đã bay màu. Máy chủ live lại được đặt tại Hong Kong theo một đại diện từ Riot Games và đương nhiên các tuyển thủ không thể thi đấu với mức ping 80.
Đến thời điểm hiện tại, những vấn đề kể trên vẫn còn nguyên và chúng ta vừa trải qua một giải đấu Kick-Off được đơn vị I, đại diện Riot Games tổ chức và có lẽ đó cũng là giải đấu “cẩu thả” nhất từng được tổ chức. Về lý do cho những vấn đề này, LOL Insight cũng đưa ra những lý giải nhanh, trong đó có cả việc xác nhận VCS B khả năng cao sẽ bị hủy bỏ như sau:
- Đại diện I của Riot tại Việt Nam có biết về việc chuyển giao LMHT không?: CÓ. Có tham gia vào quá trình chuyển giao không?: KHÔNG.
- Việc chuyển giao quá gấp gáp đúng không: KHÔNG (cách đây 3 năm đã có tin đồn về việc hết hợp đồng và không tiếp tục gia hạn của Riot Games và Garena)
- Tại sao không tổ chức giải B vào tháng 10: @GG Stadium
- Tại sao không tổ chức sớm mà delay đến tháng 2: Đơn vị tổ chức giải và đơn vị phát hành game khác nhau (Đại diện I, Riot Games và VNG)
- Tại sao không cho 1 bên thầu hết như Garena: Vấn đề năng lực và lợi ích.
- Tại sao không tổ chức VCS B lại gây ảnh hưởng lớn: Nhiều bên nuôi đội để lấy suất VCS, trong đó các đội VCS A cũng nuôi đội để bán suất nếu thành công.
Xem thêm: ShowMaker “khó thở” khi T1 thiết lập giao tranh quá tốt, quyết tâm trả thù tại lượt về
Cuối cùng là dự đoán tương lai của LMHT Việt Nam trong tháng 2 và 3 sắp tới. VCS B khả năng cao sẽ không được tổ chức nhưng sẽ có vòng thăng hạng trước khi VCS diễn ra. Tuy nhiên Vòng Thăng Hạng lại được lựa chọn theo điều kiện của ban tổ chức thay vì vòng loại như trước. Và giải đấu VCS sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Các đội tuyển sẽ phải thi đấu 5 ngày/tuần để bắt kịp lịch trình chung của các khu vực trên thế giới.