Chúng ta ngày nay đang quá phụ thuộc vào GPS, và nó gây ra những hệ lụy không nhỏ, kể cả về mặt sức khoẻ.
Ngày nay, hầu như tất cả mọi thứ đều trở thành có thể với công nghệ mới nhất được tung ra, mang lại nhiều lợi thế cho người dùng trên khắp thế giới. Và một trong những sản phẩm đó là hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Thế nhưng GPS có thực sự tốt như chúng ta vẫn nghĩ?
GPS ra đời như một vị cứu tinh của thế giới
Nói vậy cũng không sai đâu, vì hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hiện đang được sử dụng cho vô số các ứng dụng quân sự, cùng rất nhiều lợi thế cho người dùng trên toàn thế giới.
GPS ngày nay được tích hợp vào mọi thứ: điện thoại di động, xe cộ, thậm chí trên người – hoặc bất kỳ loại đối tượng – mà bạn muốn tìm, bảo vệ người dùng khỏi thất lạc. Thiết bị giám sát GPS là một thứ bắt buộc cho những người luôn luôn di chuyển và những người thích cập nhật công nghệ mới nhất.
Chúng ta đang biến cứu tinh thành yêu tinh của chính mình …
Bởi sẽ như thế nào nếu chúng ta nhắm mắt nhắm mũi và chăm chăm làm theo hướng mà GPS chỉ dẫn?
Kết quả sẽ như thế này đây: Ở một vùng ngoại ô Boston (Mĩ), một người phụ nữ răm rắp nghe theo GPS, để rồi lái xe của mình xuống đường ray xe lửa lúc nào không hay. Mà số cô vẫn còn may, vì lúc đó chưa có con tàu nào chạy qua cả.
Một trường hợp gây sốc khác xảy ra với một người phụ nữ Anh. Khi tài xế taxi hỏi cô ấy muốn đi đâu, cô ấy liền “úp mặt” vào dế yêu của mình và nói: “Để tôi hỏi GPS cái đã”.
Hiểm họa không còn dừng lại ở từng cá nhân…
Các hệ thống dựa trên GPS lấy tín hiệu từ 39 vệ tinh bay ở quỹ đạo rất cao, cách 20.000 km so với bề mặt Trái đất. Vậy nên rõ ràng, hệ thống rất dễ bị sai sót do tín hiệu đường truyền suy yếu. Và chỉ một sự thay đổi nhỏ trên GPS có thể gây ảnh hưởng lớn trên phạm vi… toàn cầu.
Cơn sốt trò chơi trực tuyến Pokémon gần đây chính là minh chứng cho điều đó. Những người chơi vì lười biếng nên đã sử dụng chiêu trò để can thiệp trực tiếp vào dữ liệu bản đồ nhằm mang địa điểm Pokéstop và Nhà thi đấu (Gym) tới gần mình hơn.
Cá biệt đã có người di chuyển cả một công viên về nhà, chỉ để nhận thêm PokeBall.
Quả thực, đây là một hành vi nguy hiểm, bởi dữ liệu bản đồ có vai trò cực quan trọng trong cuộc sống, hoạt động kinh doanh và an ninh.
Ngay cả Hải quân Hoa Kỳ, lực lượng công nghệ tiên tiến nhất trong lịch sử thế giới cũng phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.
Gần đây, họ phải tăng cường các khóa học khoa học hàng hải cho hải quân. Họ sợ rằng qua thời gian, việc phá hủy các mạng lưới định vị toàn cầu của sẽ là mối đe dọa lớn đối với tàu chiến, hệ thống máy bay cũng như vũ khí của họ.
Nghiện GPS còn khiến bạn “tàn tạ” nhanh hơn nghiện rượu
Con người chúng ta phát triển và tiến hóa bằng cách tìm kiếm để khám phá và thấu hiểu. Trải qua hàng triệu năm, từ việc săn bắn hái lượm, loài người tìm kiếm và di cư đến khắp mọi nẻo đường trên hành tinh này.
Để được như vậy, bộ não của chúng ta đã tiến hóa với cấu trúc thần kinh vùng đồi thị có khả năng điều hướng không gian. Bộ nhớ cũng như liên quan đến cảm xúc, đã được hoàn thiện trong quá trình này.
Nhưng đáng tiếc khả năng này của chúng ta đang bị thui chột đi chỉ vì chất gây nghiện mang tên… GPS.
Chúng ta “ăn ngủ” cùng chiếc điện thoại thông minh có hỗ trợ GPS, cho chúng ta biết chúng ta ở đâu, kéo chúng ta khỏi những thói quen suy nghĩ hàng ngày.
Khả năng nhớ đường của chúng ta dần mai một vì quen “ăn bám” GPS. Không có GPS, không có điện thoại thông minh, chúng ta tá hỏa và lo sợ tự hỏi: “Tôi bị lạc, tôi nên làm gì đây, làm thế nào để tôi về nhà bây giờ???”.
Và hậu quả của việc lạm dụng GPS quá mức này đó là những căn bệnh lão hóa về trí não, não bạn sẽ nhanh bị “teo” lại theo thời gian.
Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đã “sáng mắt” về hiểm họa khủng khiếp của GPS rồi chứ. Và những con nghiện GPS ơi, hãy tắt điện thoại đi và hòa mình khám phá thế giới sinh động ngoài kia đi nào!
Nguồn: The Daily Beast