Nếu như khu vực Hàn Quốc nổi tiếng vì sản sinh ra những Pháp Sư đường giữa “ảo diệu” như Faker hay Dade, thì Trung Quốc lại là “cái nôi” của những Xạ Thủ tuyệt vời như Vasilii (LMQ) hay WeiXiao (WE). Trong lúc thế giới đang có xu hướng chuyển vai trò “gánh” đội sang vị trí đường giữa và đường trên, thì người Trung Quốc vẫn trung thành với chiến thuật “bảo kê” Xạ Thủ của mình. Vậy, bí mật đằng sau những “tay bắn tỉa” của đất nước đông dân nhất thế giới là gì?
Xạ Thủ – trung tâm của mọi đội hình
Nếu theo dõi LPL, người xem sẽ thấy được rằng các game thủ Trung Quốc luôn xây dựng đội hình lấy Xạ Thủ làm trung tâm. Ở tuần thi đấu thứ 6, trận đấu giữa StarHorn Royal Club và LGD Gaming, cả hai đội đều chọn một đội hình tập trung vào việc bảo vệ Xạ Thủ để người chơi này có thể “bắn thoải mái” trong giao tranh, liên tục gây sát thương lên đội hình địch. Về phía StarHorn Royal Club, họ chọn Leona ở vị trí Hỗ Trợ để có lượng khống chế trên diện rộng, Gragas đường trên để rút lui, và tất nhiên, không thể thiếu Lulu đường giữa với chiêu cuối Khổng Lồ Hóa của mình luôn sẵn sàng sử dụng lên Kog’Maw trong tay Uzi. Đội hình của LGD cũng không thua kém với Kayle đường trên và Bất Tử Hộ Thân, cùng Hỗ Trợ Braum, mộ trong những tướng Hỗ Trợ có khả năng “bảo kê” tốt nhất thời điểm hiện tại. Cả 2 đội đều ý thức được rằng đây là trận chiến xem Xạ Thủ của ai “sống dai” hơn, và trận đấu cũng như những pha giao tranh 5 – 5 đều diễn ra với kịch bản như vậy.
[youtube]gKCEyQP8OR8[/youtube]
Trận đấu giữa SHRC vs LGD
Tư tưởng của người Trung Quốc còn hiện hữu rõ ràng hơn khi họ trả lời phỏng vấn. Trong giai đoạn LPL mùa Xuân, khi các tướng Xạ Thủ chưa có được những thay đổi về trang bị như bây giờ và được xem là một trong những vị trí yếu nhất, thì người Trung vẫn trung thành với lối chơi của mình. Trả lời phỏng vấn của lolesports, HLV của đội OMG không ngần ngại tiết lộ: “Chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào vị trí của san (Xạ Thủ). Dù tướng đi rừng và Hỗ Trợ giờ đây có thể có được nhiều tiền hơn, nhưng họ đều có nhiệm vụ chinh là hỗ trợ Xạ Thủ farm hết mức có thể, cũng như bao bọc để người chơi này gây được nhiều sát thương nhất trong giao tranh”. Thế nên, dù cho thay đổi như thế nào thì cách chơi của người Trung Quốc vẫn không thay đổi: tạo điều kiện để đường dưới “xanh” hết mức có thể. Người chơi Xạ Thủ cũng vì thế mà cần phải luyện tập kỹ năng nhiều hơn, xử lý thông minh hơn từ khâu ăn lính đến chọn vị trí để không làm đồng đội thất vọng. Đó là lý do vì sao việc Xạ Thủ có chỉ số lính bằng hoặc vượt thời gian từ phút thứ 20 gần như là “chuyện thường ngày ở huyện”, cũng như cách họ ra vào giao tranh cũng là vô cùng tuyệt vời.
Cuộc chiến bảo vệ Xạ Thủ của 2 đội
Thực tế, các Xạ Thủ Trung Quốc còn trưởng thành từ việc đánh xếp hạng đơn/đôi, nơi mà việc di chuyển đồng đội cũng như hỗ trợ, đưa ra quyết định không thể đồng bộ và thống nhất như trong các trận đấu giải. Vai trò Xạ Thủ khá phụ thuộc vào tướng Hỗ Trợ trong giai đoạn đầu trận, trong khi đánh xếp hạng thì người chơi sẽ không rõ đồng đội của mình ở trình độ thế nào. Thêm vào đó, khi đánh xếp hạng ai cũng muốn thể hiện bản thân, và người chơi Xạ Thủ cũng không thể thuyết phục các vị trí khác chọn những tướng “phục vụ” mình như Lulu hay Kayle, nên nếu chẳng may gặp phải Hỗ Trợ “dỏm” và trong điều kiện giao tiếp bị hạn chế, người chơi Xạ Thủ càng phải đánh hay hơn để tự mình “gánh” bản thân mình qua giai đoạn đầu tiên, trước khi có thể “gánh” đội trong giai đoạn tiếp theo.
“Bật mí” những bí mật của Xạ Thủ Trung Quốc khi đi đường
Một vài phiên bản trước đây, các đội trên thế giới đều có xu hướng đổi đường để tạo lợi thế cho tướng đường trên và Xạ Thủ có khoảng trống ăn lính nhiều hơn, nhưng người Trung Quốc không nghĩ vậy. Dù cho gặp phải các “kèo” khó, họ vẫn thích 2 đấu 2 ở đường dưới hơn là quyết định đổi đường. Điều này cho thấy sự tự tin của họ vào kỹ năng đi đường “thượng thừa” và ăn lính “không sót một con nào”. Điều này khiến các trận đấu tại LPL mang tính đối đầu trực diện và đỡ nhàm chán hơn các trận đấu tại giải Châu Âu hay Bắc Mỹ, vốn quá phụ thuộc vào việc kiểm soát các mục tiêu lớn.
Bí mật trong việc đi đường của các Xạ Thủ Trung Quốc không phải là cố hết sức ăn đủ lính, mà là ngăn cản đối thủ ăn được lính. Trong LMHT không có chức năng “deny”, tiêu diệt lính của đội mình, nhưng các Xạ Thủ và Hỗ Trợ Trung Quốc lại có khả năng dồn góc (zone) rất giỏi, không cho đối thủ tiếp cận lính để chúng tự triệt tiêu. Điều này tạo tâm lý đàn áp lên đối thủ ngay từ đầu, và khiến những người chơi “yếu tim” sẽ có xu hướng lùi lại và để mất chỉ số lính. Tướng Xạ Thủ, ngược lại, có đủ thời gian và không gian căn chỉnh để đánh phát cuối cùng (last-hit) thành công. Thế nên, không phải vì người Trung Quốc ăn lính tốt hơn đối phương, mà họ biết cách để đối phương cảm thấy nao núng và ăn hụt lính nhiều hơn họ.
Uzi (đội Đỏ) đã dồn góc hoàn toàn NaMei (đội Xanh) khỏi đợt lính
NaMei và Uzi là 2 cái tên nằm trong top các Xạ Thủ tốt nhất tại Trung Quốc hiện tại, và họ cũng áp dụng lối chơi “hổ báo” này. Có những trận đấu khi có được lợi thế trong khâu cấm và chọn (dùng Lucian đối đầu với Kog’Maw chẳng hạn) họ bước hẳn lên trên đợt lính để chẳng những đối phương không ăn lính được mà thậm chí không được hưởng kinh nghiệm. Trường hợp đối phương trao đổi chiêu thức, họ cũng không ngần ngại đáp trả vì biết rằng mình có lợi thế về mặt đội hình hơn. Thông thường, họ sẽ đẩy đợt lính thật nhanh, và sau đó chủ động trao đổi chiêu thức với đối thủ để dồn lính vào trong trụ. Tất nhiên, ăn lính trong trụ sẽ khó hơn rất nhiều so với thông thường.
Trong lối chơi của người Trung Quốc, tướng đi rừng cũng rất thường xuyên ghé thăm khu vực đường dưới. Các Xạ Thủ đều có khả năng phối hợp rất tốt với người đi rừng trong mỗi pha đi săn, và điều này tạo thêm một “đặc sản” nữa của người Trung Quốc: băng trụ. Các Xạ Thủ như Uzi hay WeiXiao biết rõ số lượng phát bắn của trụ mà họ có thể chịu được, và với một tinh thần thép, họ sẵn sàng hứng sát thương để giúp người đi rừng lấy mạng đối thủ mà vẫn rút ra an toàn. Tất nhiên, lối chơi này “hổ báo” đến nỗi họ không tiếc gì các phép bổ trợ của mình để có thể nhảy thẳng vào trụ và có được mạng từ sớm. Mục đích của điều này là giúp tướng Xạ Thủ có được lợi thế về tiền từ đầu trận, lên đồ sát thương nhanh hơn và tham gia giao tranh sớm hơn. Từ phiên bản 4.10, xu hướng của các Xạ Thủ là lên 2 Kiếm Doran, rồi sau đó lên thẳng Vô Cực Kiếm. Thế nên, càng nhiều tiền ở đầu trận, tướng Xạ Thủ càng rút ngắn được thời gian lên Vô Cực Kiếm hơn so với đối thủ, và đó là lý do họ không ngại đổi mạng miễn là mạng của mình không nằm trong tay Xạ Thủ đối phương.
WeiXiao (Lucian) sẵn sàng băng trụ và chịu sát thương để lấy mạng địch
“Tuyệt chiêu” trong giao tranh
Với NaMei và WeiXiao, không khó hiểu khi Edward Gaming và World Elite là những đội có giai đoạn đi đường dài nhất trong số các trận đấu (do phải kéo dài thời gian để Xạ Thủ lên được đồ). Tuy nhiên, vẫn có một lối đánh Xạ Thủ khác không đặt nặng việc “câu giờ” mà vẫn phát huy hiệu quả. Đó là OMG cùng Xạ Thủ “san” của họ. san không được đánh giá cao như NaMei hay WeiXiao về mặt đi đường, nhưng về khoảng giao tranh thì người chơi này thật sự tuyệt vời, nhất là trong việc chọn vị trí. Những người chơi như san hay Kid luôn biết cách chọn chỗ đứng an toàn cho mình, vừa di chuyển vừa bắn và gây sát thương ở khoảng cách đủ xa mà đối thủ không thể với tới. Kỹ năng này được gọi là “thả diều” (kite) trong giao tranh. Đây cũng là lý do mà san thường sử dụng các vị tướng có tầm đánh xa như Caitlyn hay Kog’Maw, khác hẳn với Uzi, vô cùng “hổ báo” với Vayne và thường xuyên lao lên trước đội hình địch.
San (đội xanh) đứng rất xa và “xả đạn” vào đối phương
Một “tuyệt chiêu” nữa mà các Xạ Thủ Trung Quốc thường sử dụng là “ẩn mình”. Những người chơi như san thường rất nguy hiểm, vì họ có thể âm thầm lặng lẽ lấy được mạng đối phương mà không bị chú ý trong giao tranh do đứng ở những góc khuất cũng như am hiểu về mặt địa hình và kiểm soát mắt. Twitch cũng là một vị tướng các Xạ Thủ Trung Quốc rất ưa thích bởi khả năng dồn sát thương khủng khiếp cũng như tàng hình để ra vào giao tranh. Những người chơi như san luôn biết cách để giữ cự ly vừa tầm, kích hoạt Kiếm Ma Youmuu, Gươm Vô Danh và chỉ trong tíc tắc gây được hàng tấn sát thương lên đội hình địch.
NaMei (đội đỏ) dùng Twich và kích hoạt Gươm Vô Danh lên vị trí San
Gương mặt nổi bật: WeiXiao
Với một “rừng” Xạ Thủ giỏi như vậy, để chọn ra một người có thể học tập tại giải đấu GPL thật sự là rất khó. Tuy nhiên, nếu buộc phải chọn lựa, cái tên thích hợp nhất không gì khác hơn Xạ Thủ của WE: WeiXiao.
WeiXiao là điển hình của lối chơi Xạ Thủ “tự lập”, do WE thường xuyên để Hỗ Trợ Conan đảo đường và giúp các đường còn lại. Thế nên, kỹ năng đi đường của WeiXiao đã rất thượng thừa. Kỹ năng ăn lính cũng tương tự, WeiXiao từng có lần làm tất cả người xem kinh ngạc khi cân bằng chỉ số lính và thời gian ngay ở phút thứ 10, và vượt lên ở phút thứ 15. Cuối cùng, người chơi này còn có những pha băng trụ vô cùng thông minh để lấy mạng đối phương rồi sau đó thoát ra một cách an toàn. Bấy nhiên là đủ để chúng ta học tập Xạ Thủ này, nhất là những ai đang có ý định đi theo con đường “bắn tỉa” khi thi đấu xếp hạng đơn/đôi.
Do thường xuyên phải xử lý một mình, WeiXiao rất hay sử dụng những vị tướng có khả năng chạy thoát tốt như Lucian, Ezreal hay Corki, cũng như thường lên Tam Hợp Kiếm để tăng khả năng “thả diều” từ sớm. Ezeal trong tay WeiXiao được đánh giá không hề kém hơn Bebe về mặt kỹ năng xử lý, và thậm chí là Lucian, dù cho bị giảm tầm đánh trong các phiên bản gần đây, vẫn rất hiệu quả và khó chịu trong tay Xạ Thủ người Trung Quốc này. Ngoài ra, nếu không thích WeiXiao, người chơi có thể học tập san, Uzi hay thậm chí là ZhenLong của Young Glory, họ đều là những Xạ Thủ đẳng cấp không chỉ trong khu vực LPL mà đã vượt ra tầm thế giới.