Nếu là một fan của manga và tín đồ trung thành của bộ môn bóng đá, không ai có thể quên những cú sút thần thánh với sức mạnh và kỹ thuật độc đáo đã làm nên những phút giây nghẹt thở trong mỗi trận đấu của bộ truyện.
Trong bộ truyện tranh Đường dẫn đến khung thành, với nhân vật chính Jindo – theo nguyên tác Việt và Itto như phiên bản gốc của Nhật Bản, người đọc sẽ được chìm đắm trong bầu không khí sôi động, cuồng nhiệt cũng như được trải nghiệm về cuộc sống và phong trào bóng đá học đường Nhật Bản. Cùng đi theo Jindo và đồng đội chinh chiến với các đối thủ từ khắp mọi miền của đất nước mặt trời mọc.
Từ vùng biển mộng mơ Hokkaido, cho tới những vùng núi lạnh lẽo như Phú Sĩ, chúng ta có thể thấy, nền bóng đá học đường Nhật Bản sản sinh ra không ít cái tên quái kiệt, với những kỹ năng thành danh đã làm nên tên tuổi của họ. Ví dụ như Yara nổi danh với biệt hiệu “Máy Ủi” nhờ nền tảng thể lực cùng cú đẩy vai trứ danh của mình. Nhưng trên hết, phải kể tới những cú sút thần thánh, làm nên những bàn thắng đầy bất ngờ và đột biến – điều làm nên sự hấp dẫn cho bộ truyện này.
Cú sút phi đạn của Hiro
Có thể nói, Hiro là đối thủ xứng tầm nhất, và cũng là người đã chứng kiến cả những giọt nước mắt hạnh phúc lẫn thất vọng của Jindo. Sự nghiệp đá bóng của Jindo cũng mở đầu ở trận đấu giao hữu giữa Suya với trường Kowaki mà Hiro làm đội trưởng. Sau khi khổ chiến suốt mùa giải đầu tiên, Suya của Yara và Jindo gặp Kowaki trong trận chung kết. Và Hiro, dù gặp phải một chấn thương ở vai nhưng vẫn nhịn đau thi đấu và khiến cho cặp đôi bên phía Suya phải ôm hận.
Món nợ này chỉ được trả ở trận chung kết của mùa giải sau đó. Tuy nhiên, trong cả hai trận chung kết, Hiro luôn sở hữu một thứ vũ khí làm chao đảo hàng phòng ngự Suya – đó chính là cú sút phi đạn nổi tiếng.
Đặc điểm của cú sút này là việc bóng luôn đi với quỹ đạo rất khó lường, xoáy, nhanh và mạnh. Để có thể thực hiện cú sút, Hiro luôn đặt chân trụ cao lên trước bóng, đồng thời lê chân sút trong một khoảng thời gian đủ lâu để tụ lực. Có thể nói, đây là cú sút danh bất hư truyền, và chỉ có mình Hiro mới làm được trong suốt bộ truyện.
Tuy nhiên, ở trận chung kết thứ hai, Ken – em trai của Hiro lại chính là người đã thành công trong việc hóa giải cú sút thần sầu này của anh trai mình, mang lại chiến thắng thuyết phục cho Suya.
Cú sút vòng cung của Rasuran
Trong truyện Jindo, Rasuran cũng là một trong những nhân vật được ưa thích bậc nhất. Anh chàng lãng tử nổi tiếng với bề ngoài bắt mắt, luôn theo đuổi nữ quản lý của đội Suya và tỏ ra hài hước, khoe mẽ trong mọi trường hợp. Thế nhưng ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ ngoài hào hoa ấy, lại là một cầu thủ tài năng, một thủ lĩnh thật sự của đội Biển Xanh, đã từng gây nên không ít khó khăn cho Jindo và đồng đội trên hành trình chinh phục danh hiệu Vô địch bóng đá học đường của mình.
Cú sút vòng cung nổi tiếng của Rasuran đã tạo dựng nên tên tuổi không thể xóa nhòa của anh chàng. Trong cả bộ truyện, gần như chỉ có một mình anh chàng đủ sức thực hiện cú sút kiểu này. Cụ thể, khi sút vòng cung, Rasuran phải nghiêng cả người lẫn chân trụ một góc 35 độ so với mặt đất. Và quả thật, chi tiết này khá hư cấu, khi chẳng ai hiểu được làm sao anh chàng này có thể đi ngược lại với mọi nguyên lý của Newton để giữ cho bản thân cân bằng, mà phát được lực để tạo ra cú sút mạnh tới nhường ấy.
Nhược điểm lớn nhất của cú sút này là việc dễ bị đoán định hướng sút. Tuy nhiên, Rasuran sau này đã tìm được người đồng đội mới có chung kỹ năng nhưng khác chân thuận. Điều đó khiến cho Suya phải thật sư khổ chiến mới tìm được chiến thắng trước Biển Xanh trong trận đấu quyết định.
Cú sút tự sát của Siri Cacloba
Nếu theo dõi đầy đủ bộ truyện Jindo, người đọc chắc hẳn sẽ vô cùng bị ấn tượng khi đọc tới phần cú sút của Siri Cacloba. Với tuyệt kỹ dùng chân trụ dẫm bẹp bóng, rồi sau đó đẩy ra để sút, cú sút của Siri gần như là vô địch, không bao giờ có thể nắm bắt được hướng bóng. Lực sút khủng khiếp, quỹ đạo bóng khó lường và xoáy mạnh, chao đảo liên tục khi mà bóng bị dẫm bẹp. Điều này khiến đây luôn được coi là cú sút bá đạo nhất trong bộ truyện.
Tuy nhiên, sở dĩ nó mang tên gọi là Cú Sút Tự Sát, chính vì việc người sử dụng cũng sẽ phải nhận tổn thương không nhỏ từ cú sút này, khi mà áp lực đặt lên chân là quá lớn. Và trong trận đấu với Suya, Siri thậm chí còn sẵn sàng cưa chân, khi liên tục sử dụng cú sút này. Nhưng rất may, sau cùng Siri vẫn bình yên, chỉ có điều anh không thể đánh bại được những người bạn Jindo và Yara thôi.
Cú sút “10 được 1” của Hanyu
Lên đại học, Itto bắt cặp rất nhanh với Hanyu, và tại đây, cậu đã tận mục sở thị cú sút có uy lực mạnh nhất vũ trụ, với lực sút bá đạo, sút vỡ cả cánh mô hình máy bay trong công viên. Thế nhưng, độ chính xác của cú sút này lại chỉ là 10%, tức là sút 10 được 1. Nhưng dù sao, nó cũng là thương hiệu không bao giờ thất truyền của Hanyu.
Tổng hợp