Trong vòng chưa tới 100 năm nữa, sẽ có những loài vật tuyệt chủng mà bạn chỉ có thể thấy được trong sách đỏ.
Con người ngày nay đã ý thức được hậu quả mình đã gây cho tự nhiên sau hàng ngàn năm phát triển, thể hiện bằng những nỗ lực bảo tồn động thực vật quý hiếm hiện nay.
Thế nhưng, những cố gắng của con người đến nay dường như là chưa đủ, khi các nhà khoa học mới đây đã đưa ra một lời cảnh báo… rợn người. Đó là tính đến năm 2100, các loài vật to lớn của Trái đất sẽ chính thức đi vào dĩ vãng.
Nghĩa là chưa đầy 100 năm nữa, các loài thú như báo, voi, hổ, sư tử, thậm chí cả… cá mập trắng cũng sẽ chỉ tồn tại trên sách vở thôi.
Đây là kết luận từ một báo cáo được công bố trên tạp chí BioScience. Theo đó, các loài động vật trên Trái đất đang trải qua một thảm họa tuyệt chủng với quy mô rất lớn. Ước tính, 59% động vật ăn thịt và 60% thú ăn cỏ lớn nhất sẽ tuyệt chủng.
Các chuyên gia cho biết khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ là vùng cận sa mạc Sahara và Đông Nam Á – những nơi có mật độ các loài thú nhiều nhất hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là vì môi trường sống bị thu hẹp, và do mật độ các loài thú suy giảm.
Theo William Ripple – giáo sư sinh thái học tại ĐH bang Oregon: “Càng nhìn vào xu hướng của các loài vật lớn hiện nay, tôi càng thấy lo hơn. Chúng ta có thể mất đi những loài vật cực kỳ quan trọng với hệ sinh thái trên Trái đất. Đây là lúc cần phải nghiêm túc nghĩ ra cách bảo tồn hiệu quả hơn, vì số lượng của chúng đang giảm nhanh chóng”.
Thậm chí, tiến sĩ Peter Lindsey – đồng tác giả nghiên cứu còn cho rằng sự tuyệt chủng của các loài thú này còn nghiêm trọng hơn cả hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Ông chia sẻ: “Sự biến mất của chúng cũng sẽ khiến ngành dịch vụ du lịch sinh thái bị sụp đổ”.
Cả 2 chuyên gia sau đó cũng đưa ra một số giải pháp hợp lý như sau. Đầu tiên, quy mô bảo tồn phải được mở rộng, hướng đến chính xác loài vật nào cần được bảo tồn và mở rộng môi trường sống của chúng.
Tiếp theo, chính sách của các quốc gia phải thay đổi, siết chặt hơn quy định về nạn săn trộm, đồng thời có chế độ hỗ trợ tài chính
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BioScience.