Trong bộ máy của “gã khổng lồ” Riot Games không thiếu những góc khuất, những sự việc đen tối đằng sau đó.
Khoảng 1 tháng trước, một bài viết đăng tải trên Kotaku đã bất ngờ tố cáo Riot Games về vấn đề “phân biệt giới tính và xâm hại tình dục” diễn ra với những nhân viên nữ đã và đang làm việc tại đây.
Ở thời điểm đó, đây bị coi là một vết nhơ trong lịch sử phát triển của cha đẻ LMHT. Riot Games chọn cách im lặng trước cơn bão nghi vấn, trong khi một số nhân viên của họ bắt đầu lên tiếng phản bác mạnh mẽ và thậm chí yêu cầu những người tố cáo trong danh sách của Kotaku ra mặt đối chứng.
Một thời gian sau đó, một cựu nhân viên khác từng đảm nhiệm vai trò thiết kế và chỉnh sửa phần mềm tại Riot Games – Barry Hawkins tiếp tục đăng đàn tố cáo vấn nạn này. Nhưng khác với nội dung bài viết của Kotaku nói rằng vấn nạn này chỉ xuất hiện ở một bộ phận nhân viên nam trong công ty, Hawkins đã chỉ đích danh nhà đồng sáng lập Riot Games – Brandon “Ryze” Beck, là người đi đầu và dung túng cho những hành vi kỳ thị phụ nữ.
Hawkins cho biết, Ryze thường có biểu hiện khích lệ ngấm ngầm đối với những hành vi, cử chỉ, lời nói mang tính miệt thị nữ giới, trong khi một vài hành vi kinh khủng hơn (ám chỉ vấn đề quấy rối tình dục) của một số nhân viên nam thì được bao biện rằng “chỉ là trò đùa” và luôn bị lờ đi.
Barry Hawkins cũng cho biết mình đã từng 2 lần viết Email để phản hồi về hành vi “không chuẩn mực” của Brandon Beck, cũng như có những cuộc nói chuyện với Marc “Tryndamere” Merllin – người đồng sáng lập Riot Games cùng với Brandon, và kết quả là anh ta bị đuổi việc khỏi Riot mà không có một lý do xác đáng nào.
Trước những lời cáo buộc của Barry Hawkins, Riot Games cuối cùng cũng đã phải lên tiếng thừa nhận rằng hành vị “kỳ thị giới tính” có tồn tại trong nội bộ công ty, và hứa hẹn sẽ sớm chỉnh đốn lại tư tưởng của đội ngũ nhân viên để xóa bỏ vấn nạn này.
Tuy nhiên, điều đó cũng không khiến cho cộng đồng phương Tây ngừng phẫn nộ và chỉ trích Riot Games, khi cho rằng họ đã có những sự xâm phạm nghiêm trọng về vấn đề “quyền con người” đối với chính những nhân viên (nữ) của mình.