Bằng công cụ chỉnh sửa ảnh tưởng chừng không liên quan nhưng đã giúp cho các FBI phá án và bắt giữ các thành phần đồi trụy ấu dâm.
Từ một chứng cứ rất nhỏ, cảnh sát cũng có thể giải quyết được một vụ án. Năm 2012, chỉ là một bức ảnh đơn giản chụp cảnh đi chơi ngày nghỉ của một người phụ nữ và một đứa bé nhưng cuối cùng, nó lại là chìa khóa để giải mã cho vụ án ấu dâm tại Mỹ.
Khung cảnh trong ảnh là một thảm cỏ xanh, cùng với một người phụ nữ và một đứa trẻ đang cầm trên tay con cá mới câu được, từng đó chứng cứ đã giúp cảnh sát tìm tới một khu cắm trại ngoài trời tại Rickville, Minesota. Ở đó, họ đã giải cứu được những nạn nhân của một đường dây hỗ trợ tình dục trẻ em và buộc tội được những bị cáo liên quan vào tháng 12 năm 2012.
Quá trình điều tra chỉ từ một bức ảnh mờ ảo
Việc đầu tiên, các nhân viên điều tra phải tìm ra địa điểm tấm ảnh này được chụp. Họ đã lấy riêng hình ảnh con cá ra và gửi tới Đại học Cornell để xác nhận giống cá. Ông Jim Cole thuộc Chương trình Xác định danh tính nạn nhân tại Lực lượng Quản lý Việc nhập cư ICE, một đơn vị trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ nhắc lại.
Những chuyên gia tại trường đại học sẽ xác định giống cá để tìm ra những vị trí địa lý mà loài cá này hay cư ngụ. Sau đó, các nhà điều tra sẽ gỡ hình ảnh của hai cá nhân trong ảnh ra rồi gửi ảnh cho giới truyền thông địa phương (nơi có loài cá kia sinh sống) để tìm người nhận ra được vị trí trong ảnh. Theo lời ông Cole nói, đó là phương pháp thu hẹp đáy bể lại để mò kim.
Đó chỉ là một ví dụ về cách thức Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cũng như bất kì cơ quan điều tra nào trên toàn thế giới sử dụng. Bằng những công cụ chỉnh sửa và tăng chất lượng hình ảnh, những đoạn phim quay lại được và những âm thanh ghi âm được, họ đã có thể triệt phá được những đường dây phạm tội. Những công cụ kể trên cũng không hề hào nhoáng như ta tưởng, nhiều khi họ chỉ dùng những công nghệ rẻ tiền sẵn có, được bán ở bất cứ đâu để phá án.
Chỉ nội trong năm 2016 vừa rồi, Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích và bị lợi dụng NCMEC, một đơn vị phi lợi nhuận thường xuyên hợp tác với các nhà chức trách về các vụ việc bắt cóc và ấu dâm, nhận được trung bình 500.000 tập tin báo cáo những hành động lạm dụng mỗi tuần.
Như lời ông Cole mô tả, đó là một lượng dữ liệu khổng lồ được tìm thấy trong quá trình điều tra phá án, được gửi tới họ thông qua những phương pháp liên lạc thông thường (thư tín hay mang tới gửi trực tiếp) hay thông qua Internet.
Đối với ông Cole, thì xem những hình ảnh rợn tóc gáy đầy ám ảnh đã trở thành một công việc hàng ngày. Dù vậy, dù đã trở nên chai sạn với chúng, ông kể rằng “vẫn còn những hình ảnh làm tôi chấn động”.
Bước đầu tiên sau khi nhận ảnh đó là xác minh xem nạn nhân trong ảnh đã được xác định danh tính trước đó chưa. Các nhà điều tra sẽ sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu hoặc so sánh sử dụng những thông tin được mã hóa của từng ảnh.
“Dù vậy, ảnh cũng không phải là nguồn đáng tin cậy 100%”, ông Cole nói. Đúng là những hình ảnh khiêu dâm có thể được truyền tay nhau từ người này sang người khác hàng nghìn lần, rất nhiều phiên bản khác nhau của nó được đăng tải trên nhiều cộng đồng chia sẻ. Chỉ với 1 pixel khác ảnh gốc là dữ liệu ảnh đã thay đổi rồi, thuật toán so sánh sẽ không còn chính xác nữa.
Thay vào đó, ông Cole sử dụng Photo DNA, một công cụ phát triển bởi Microsoft, tạo ra một “dấu vân tay” riêng cho từng ảnh, thông qua đó các nhà điều tra có thể tìm ra điểm tương đồng dễ dàng hơn, vẫn có thể phát hiện ra ảnh giống nhau cho dù ảnh đã bị sửa đổi vài chỗ. Nếu như họ phát hiện được ra rằng cơ sở dữ liệu chưa có những hình ảnh đó, họ sẽ đưa lên cho INTERPOL để tiến hành điều tra.
Trên đây mới chỉ là quá trình nhận định xem cơ sở dữ liệu có ảnh hay chưa. Để tìm những chứng cứ nằm ngay trong tấm ảnh đó, ông Cole sẽ phải sử dụng rất nhiều các công cụ khác cho những công đoạn điều tra khác nhau.
Đầu tiên, có Analyze DI được sử dụng để phân tích những phần khác nhau của tấm ảnh. Từ đó, ông có thể nhìn nhận rõ ràng xem những tấm ảnh nào có khả năng trở thành bằng chứng phục vụ công cuộc điều tra. Ảnh được chọn sẽ được chỉnh sửa bằng photoshop để tăng độ rõ.
Bên cạnh đó, ông còn sử dụng Adobe Premiere để xử lý video, Adobe Audition để xử lý các tập tin âm anh – như bạn thấy, đều là những phần mềm chỉnh sửa rất cơ bản và quen thuộc. Bên cạnh đó còn có một số phần mềm đại trà nhưng từ các công ty ít tiếng tăm hơn như Amped Five haty Forensics Image Analysis System FIAS.
“Photoshop như một con ngựa thồ thực sự vậy”, ông Cole nói về khả năng “gánh vác” được rất nhiều thứ của Adobe Photoshop như vậy. Bản thân ông cũng có mối quan hệ rất thân thiết với Adobe, ông thường xuyên nhận được những lời khuyên từ chính Adobe về việc nên sử dụng những tính năng nào và cũng thường xuyên được sử dụng sớm những công cụ mới nhất của họ.
“Chúng tôi sẽ phân tách những hình ảnh đó ra thành từng phần. Tôi sẽ quan sát kĩ từng yếu tố một và quan sát mọi thứ trong đó”, ông Cole nói. Không chỉ bản thân tấm ảnh có những chi tiết thấy được bằng mắt, từ một tấm ảnh ông cũng có thể tìm ra được loại máy ảnh đã được sử dụng để chụp.
Không phải em nào cũng gặp may mắn
Trong tấm ảnh thu được từ vụ điều tra, ta có thể thấy nghi phạm mặc chiếc áo màu xám với logo một nhãn hàng khá khó thấy nằm phía bên ngực trái. Để có thể lọc ra được chữ trên áo gồm những kí tự gì, ông Cole tăng độ sáng của ảnh lên nhưng từng đó vẫn là chưa đủ.
Ông giảm độ mờ, tăng chi tiết để ảnh có thể sắc nét hơn, chỉnh sửa màu của ảnh và qua từng đó lớp chỉnh sửa, logo áo đã hiện ra: chiếc áo đó là đồng phục của một công ty sửa điện nước tại Maryland. Họ tìm ra được rằng nghi phạm đã từng có thời gian làm việc tại đó và chỉ nhờ một logo áo mờ ảo, họ đã cứu được thêm những nạn nhân khác khỏi bàn tay của kẻ ấu dâm.
Nhưng không phải vụ án nào cũng giống vụ nào, có những vụ chỉ mất vài tiếng để các nhà điều tra tìm ra được lời giải, nhưng có những vụ vẫn còn bị bỏ ngỏ hơn một thập kỉ sau. Theo lời ông Cole nói, những nghi phạm còn sử dụng một phương pháp mà ông gọi là “kĩ năng chống nhận dạng nạn nhân”, họ sử dụng những công cụ y hệt như ông để xóa đi những dấu vết của các hành động của mình. Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, những kẻ đồi bại còn chia sẻ cho nhau những cách thức để che dấu dấu vết tốt nhất thông qua các phần mềm thông thường.
“Cứ mỗi khi tôi nghĩ rằng tôi đã chứng kiến tất cả mọi thứ, thì lại có thứ gì đó chứng minh cho tôi thấy rằng sự thực không phải thế”.
Xã hội cần gạt bỏ những kẻ đồi bại như thế
Các em nhỏ vẫn còn quá non nớt để có thể tự bảo vệ được mình khỏi bàn tay kẻ xấu. Và bản thân những kẻ xấu ấy cũng chẳng còn lương tâm khi sẵn sàng xâm hại những sinh linh nhỏ bé vô tội như vậy. Chúng cần được trừng trị và trừng trị một cách thích đáng.
Những đơn vị điều tra kể trên sẽ là những tấm chắn phòng vệ hữu hiệu cho những tâm hồn ngây thơ khỏi tay kẻ xấu nhưng dường như, từng đó vẫn là chưa đủ. Vẫn còn những vụ án bị bỏ ngỏ nhiều năm, ngoài kia vẫn còn những đứa bé đang bị giam cầm, bị tước đi tuổi thơ tươi sáng. Kể cả các nhà điều tra cũng không thể giúp được các em nếu như cộng đồng không góp sức đưa về những tấm ảnh bằng chứng quan trọng.
Từ đó, ta có thể thấy sức mạnh cộng đồng lớn như thế nào. Để ngăn chặn những điều không hay xảy đến với thế hệ tương lai của chúng ta, những nỗ lực phải được tạo ra từ những cá nhân trong xã hội. Chỉ có cách đoàn kết và trừng trị đúng người đúng tội, ta mới có thể có được một tương lai sáng lạn hơn cho con trẻ cũng như cho xã hội.