Cardcaptor Sakura là bộ anime/manga tuổi thơ của nhiều otaku, họ đã từng cày đi cày lại không biết manga và sưu tầm những thẻ bài.
Hâm mộ và cuồng nhiệt như thế, liệu bạn có nhận ra rằng anime và manga của Cardcaptor Sakura có nhiều sự khác biệt không?! Hôm nay cùng mình đi tìm hiểu về những sự khác biệt này nhé!
Số lượng thẻ bài
Một trong những điều làm nên tên tuổi cho Cardcaptor Sakura chính là những thẻ bài quyền năng của Clow. Với những năng lực đa dạng của mình, những lá bài Clow đã được xem là một bảo vật toàn năng ai cũng muốn được sở hữu. Thậm chí, 53 lá bài còn được xem là biều tượng cho quyền lực vô tận trong giới phép thuật. Tuy nhiên, bảo vật ấy chỉ thật sự quyền năng đối với anime, vì trong manga số lượng lá bài khá là khiêm tốn.
Trong suốt 6 tập truyện đầu tiên của Cardcaptor Sakura, Clamp chỉ cho ra đời 19 thẻ bài Clow. Đến khi Sakura được chuyển thể thành anime thì nhóm tác giả mới nâng con số 19 lên thành 53 lá. Thậm chí ngay cả thẻ bài mạnh nhất là Nothing cũng hoàn toàn không được nhắc tên trong manga mà chỉ xuất hiện trong phần movie ngoại truyện của tác phẩm này. sự khiêm tốn số lượng các thẻ bài trong manga cũng bởi do quá trình suy nghĩ ra những cái tên, công dụng, hình ảnh cho những thẻ bài khá là khó khăn và gian nan. Mãi cho tới khi được chuyển thể thành anime, Clamp mới quyết định nâng số lượng thẻ bài lên. Okawa phụ trách lên ý tưởng về công dụng của những thẻ bài, Mokona thì phụ trách tư vấn hình ảnh với đội ngũ họa sĩ anime. Và không uổng công sức đã bỏ ra, 53 tuyệt tác đã ra đời. Dù cho có một vài sự bất cập trong những công năng của thẻ bài Clow nhưng chúng vẫn rất được mọi người yêu thích.
Mở đầu của bộ truyện
Mở đầu đầy ma mị của anime Cardcaptor Sakura đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ đối với người xem bằng giấc mơ tiên tri về ngày phán xét cuối cùng, theo đó là một cuốn sách đầy bí ẩn khiến những ai chưa đọc manga sẽ càng thêm tò mò hơn về Cardcaptor Sakura và níu chân họ ở lại xem hết 70 tập anime. Đây có thể nói là một nước đi vô cùng thông minh của phía nhà sản xuất. Tuy nhiên, manga của tác phẩm này lại có một mở đầu hoàn toàn khác so với anime.
Trong manga, ngay từ những trang đầu tiên, người đọc đã được theo dõi trận chiến nảy lửa giữa bé Đào và lá bài Jump. Sau đó, độc giả mới được biết Kero là ai, những lá bài kia là gì, vì sao Sakura lại phải chiến đấu với những thẻ bài ấy thông qua hồi tưởng của cô bé. Mặc dù cách mở đầu này sẽ không gây tò mò cho người đọc giống như anime, nhưng điều này lại giúp Clamp tiết kiệm được tương đối thời lượng ít ỏi của manga. Đồng thời, vì một bộ manga ra đời thường sẽ được in trên các tạp chí, nên những trang truyện đầu tiên sẽ quyết định bộ manga đó có được tiếp tục sản xuất những số sau hay không. Vì vậy, nên việc đi thẳng vào vấn đề chính sẽ gây ấn tượng mạnh với độc giả hơn là lan man chỉ vì muốn gieo mầm cho các bí ẩn.
Có thể bạn muốn xem thêm : Sự thật về Tomie – người con gái luôn mang đến “thảm họa”
Vở kịch công chúa ngủ trong rừng
Bên cạnh giấc mơ tiên tri, vở kịch công chúa ngủ trong rừng của lớp Sakura cũng đã gây ấn tượng khá mạnh mẽ đối với người xem. Khi theo dõi vở kịch này, không ai là không khỏi cười ngặt nghẽo, nhất là khi trông thấy nam chính Syaoran nhà ta xuất hiện trong bộ đồ công chúa màu hường cùng với mái tóc vàng bồng bềnh và thái độ cục súc vì quá ngại của cậu nhóc khiến ai cũng cảm thấy thích thú. Ngoài ra, trong vở kịch này, anh bạn chuyên “chém gió” Takashi Yamazaki hóa thâm thành nhân vật hoàng hậu cũng đã gây ấn tượng sâu sắc không kém gì Syaoran. Nhìn khuôn mặt luôn tỉnh bơ của cậu nhóc kết hợp với màn hóa thân không thể xuất sắc hơn của Syaoran đã khiến nhiều người phải cười nghiêng ngả.
Tuy nhiên, trong manga thì lại khác hoàn toàn. Vai hoàng hậu ấy lại được giao cho cô bé dễ thương, thùy mị Rika. Còn ông nhóc chuyên chém gió thì lại được giao cho vai mụ phù thủy độc ác. Ai đã từng đọc manga thì đều sẽ rất ấn tượng với màn hóa thân này của Yamazaki, khi mà khuôn mặt tỉnh bơ trong vai nữ hoàng sẽ không còn nữa mà thay vào đó là vẻ độc ác, tàn nhẫn đúng chất một nữ phù thủy tàn độc chính hiệu. Yamazaki hóa thân xuất sắc tới nỗi những bạn trong lớp đều rất bất ngờ trước diễn xuất của cậu nhóc. Thế nhưng, khi lên anime thì vai phù thủy ấy lại do Meiling đảm nhiệm. Tuy nhiên, cô bé cũng hoàn thành vai diễn của mình một cách xuất sắc không kém gì Yamazaki.
Việc để cho Meiling đảm nhiệm vai phù thủy ở trên anime cũng bởi vì cô bé được cho là tình địch của Sakura, nên khi 2 nhân vật trong màn kịch đối đầu với nhau cũng khiến nhiều fan của Cardcaptor Sakura cảm thấy thích thú và phấn khích. Thêm một chi tiết khá thú vị là cô bé Trung Hoa Meiling hoàn toàn không có trong manga. Việc thêm nhân vật này lên anime là vì muốn thúc đẩy cũng như tạo thêm màu sắc trong chuyện tình cảm tuổi học trò của bé Đào và cậu nhóc Trung Hoa Syaoran. Nếu như Meiling có trong manga chắc hẳn vai diễn phù thủy độc ác cũng sẽ dành cho cô bé cá tính này.