Câu hỏi lần gần nhất người ta tìm ra vùng đất mới là khi nào? Và đó là vùng đất gì? Chắc không phải ai cũng trả lời được.
Với dân số thế giới sắp sửa chạm mốc 8 tỷ người, có lẽ không sai khi nói bất kỳ nơi nào có thể sinh sống được trên Trái đất, ở đó sẽ có con người.
Và điều này sẽ càng hợp lý hơn nếu như mọi chuyện đúng theo dự đoán của các chuyên gia, rằng đến năm 2100, dân số thế giới sẽ chạm ngưỡng 11,2 tỉ.
Thực sự thì những con số trên chẳng đáng để vui mừng đâu. Đất chật, người đông! Loài người đang phải đau đầu tìm kiếm những nơi định cư mới trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt. Thiếu điều chỉ còn nước dọn lên vũ trụ ở nữa thôi.
Tuy nhiên, nếu quay trở về quá khứ thì ít ai có thể tưởng tượng được chúng ta phải lâm vào cảnh này ngày hôm nay. Trái đất đã từng vô cùng rộng lớn, với rất nhiều những vùng đất trù phú chưa được khai phá.
Vậy điều gì đã xảy ra?
Do quá trình chinh phục quả đất tròn của loài người thôi. Đầu tiên, theo kiến thức được chấp nhận nhiều nhất hiện nay thì con người hiện đại khởi nguồn từ châu Phi, vào khoảng hơn 195.000 năm trước.
Con người thời đó mất khoảng 140.000 – 160.000 năm để tìm ra vùng đất ngày nay mang tên Sudan (quốc gia thuộc Bắc Phi). Nhưng chỉ 125.000 năm trước, toàn bộ vùng Nam Phi đã được con người chinh phục. Sau đó, họ vượt biển và tìm ra những vùng đất xa xôi hơn.
70.000 năm trước, chúng ta tìm ra Ấn Độ, rồi sau đó 3000 năm là Đông Nam Á, 12.000 năm tiếp theo, con người dùng để khai phá châu Á. Cuối cùng khoảng 48.000 năm trước, chúng ta tìm thấy châu Úc.
Riêng châu Úc thì khá khác biệt. Những người đầu tiên đặt chân đến đây và cả con cháu của họ nữa, đều gần như tách biệt với thế giới, cho đến khi người Anh chiếm đóng vào năm 1770.
Khoảng 46.000 năm trước, mọi chuyện bắt đầu diễn biến với tốc độ nhanh hơn. Con người khai phá được rất nhiều vùng đất phù hợp để sinh sống. Tuy nhiên thời này làm gì có vệ tinh với GPS, nên chúng ta đã bỏ lỡ khá nhiều nơi. Ví dụ như đảo Madagascar mới chỉ được tìm thấy vào năm 500, dù nằm ngay sát châu Phi.
Hay như New Zealand – nơi được xem là địa điểm rộng lớn và “ở được” gần đây nhất được tìm thấy trên Trái đất – cũng phải đến năm 1250 – 1300 mới tìm ra. Trong khi sự thật là nó nằm rất gần với châu Úc.
Về sau này, khi khoa học kỹ thuật phát triển hơn, chẳng con nơi nào được xem là bí mật với con người nữa. Tuy nhiên nếu đứng dưới góc độ lịch sử, đâu là nơi cuối cùng loài người đặt chân đến?
Nơi gần nhất loài người phát hiện ra
Đó chính là Nam Cực – hay châu Nam Cực – lục địa còn lớn hơn cả châu Úc. Ngay cả khi đã tìm ra các châu lúc khác, Nam Cực vẫn là một vùng đất cực kỳ bí ẩn và không ai dám mò đến – đơn giản vì nó quá lạnh.
Mãi đến năm 1820, con người mới được nhìn thấy tận mắt Nam Cực là như thế nào nhờ một nhà thám hiểm người Pháp. Tuy nhiên, những nhà thám hiểm đầu tiên lại không thể chính thức đặt chân lên lục địa này vì chẳng đủ sức lực cũng như dụng cụ. Khi trở về, họ cũng từ bỏ ý định quay trở lại vì chuyến đi quá khác nghiệt.
Mãi đến năm 1895, một nhóm các nhà thám hiểm người Na-Uy đã chính thức đặt chân lên Nam Cực, qua đó lắp mảnh ghép còn thiếu vào một Trái đất toàn vẹn sau hàng trăm ngàn năm.
Tóm lại, Nam Cực chính là nơi được con người khám phá gần nhất, nhưng chẳng có gì đảm bảo đó là cuối cùng, đúng không? Tương lai sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Theo kenh14