Sự phân chia thị trường này biểu hiện bằng việc game thủ đổ bộ hầu như phần lớn tại một hay hai sản phẩm cố định.
Cho dù những tựa game khác vẫn có người chơi nhưng con số quả thật nhỏ hẹp và rút đi nhanh chóng theo thời gian. Tình huống trên có thể ví von như sự độc tôn chiếm lĩnh tạo nên lợi ích cho một đơn vị và gây khó khăn cho nhiều đối thủ. Như vậy kết quả này phải chăng là một xu thế tất yếu và ảnh hưởng của nó sẽ theo chiều hướng tốt hay xấu?.
Không khó để nhận ra những địa chỉ game quen thuộc hiện tại đang thu hút hầu hết cộng đồng mạng thuộc về thể loại MOBA với cái tên như DOTA, Liên Minh Huyền Thoại. Ngay cả bạn là người ngoài ngành và chưa bao giờ chơi game thì cũng không khó để nghe phong phanh thông tin về chúng qua những từ lóng như LOL, đi rừng, hero…xuất phát từ cuộc trò chuyện của các bạn trẻ. Như vậy sự nổi tiếng của game MOBA đã không cần thiết quảng cáo pr nhiều.
Game hấp dẫn hay vẫn cần mang tính xu thế?
Nếu hỏi một fan trung thành của thể loại game MOBA là tại sao bạn lại thích chơi nó thì chắc chắn câu trả lời sẽ giống như một bản tường trình về những điểm hay, điểm đẹp của game khiến cho chúng ta dễ dàng bị chóng mặt. Tóm lược một cách đơn giản theo dân nghiệp dư thì game MOBA không cần đầu tư nhiều, đồ họa đẹp, đề cao lối chơi chiến thuật sáng tạo và mang tính cộng đồng cao khi chơi theo nhóm…Do đó ở đây bài viết sẽ không tiếp tục đào sâu về tính thuyết phục của game nữa mà trực tiếp thừa nhận rằng chúng hấp dẫn.
Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là chẳng lẽ sức hút mạnh mẽ như hiện tại của Dota, LMHT chỉ đơn thuần dựa vào chính khả năng của nó giống như kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”?. Đứng theo góc độ của gam thủ thì chắc chắn bạn sẽ không ngần ngại khẳng định điều đó nhưng khi xét theo con mắt chuyên môn của người làm kinh doanh thì mọi chuyện không đơn giản như vậy. Bài viết trước đây cũng từng nói qua về việc cách mở rộng cộng đồng cho game đánh vào tính trào lưu và đến lúc này xin tạm gọi nó thành xu thế. Game thể loại MOBA đang nhờ có trào lưu mà tăng tiến bản thân lên xu thế.
Xuất phát ban đầu thì sản phẩm nào cũng chỉ là những kẻ chân ướt chân ráo thôi. Ăn thua nhau khi có sự nâng đỡ của NSX, NPH tiềm lực dồi dào để quảng cáo ca ngợi khiến chúng trở nên bóng bẩy đẹp đẽ. Đến thời điểm thích hợp tới tay game thủ thì game mới bắt đầu dựa vào thực lực của chính nó. Ví dụ không có cơ sở bệ đỡ vững chắc thì thử hỏi làm sao các tựa game trên có cơ hội tiếp cận cộng đồng mạng và chứng minh tính chất lượng của mình. Như vậy cái gì cũng đều có chiến thuật của nó cả chứ chắc chắn chẳng thể tự nhiên mà trở nên nổi tiếng. Làm một cuộc điều tra ý kiến đơn giản, không khó để thu được câu trả lời lý do gam thủ tiếp cận MOBA là do thấy thiên hạ chơi nên cũng bắt chước theo. Nếu khẳng định ngay từ lần đầu tiên chơi đã thấy nó hay và mê say thì quả thật là lừa mình dối người bởi game Dota, LMHT rất khó nắm bắt nên bắt buộc các thành viên phải tìm hiểu dần dần mới thích nghi được. Tóm lại sự hấp dẫn của game phải luôn song hành với trào lưu, xu thế mới mong tồn tại lâu dài và mở rộng thế lực.
Ảnh hưởng
Chuyện game thủ cày kéo những tựa game khác theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” rồi sẵn sàng “quất ngựa truy phong” hay luôn tranh thủ giờ treo máy để làm ván LOL đã không còn mới lạ. Hình dung theo lối hoa mỹ thì thân thể còn tại nhưng hồn thì ở chốn khác là cách miêu tả khá phù hợp với cộng đồng game MOBA. Họ đã xác định địa bàn của mình và vô ý thức trung thành với nó theo thời gian. Các NPH đối thủ cạnh tranh nghĩ sao về tình trạng này?. Im hơi lặng tiếng và mặc kệ, chỉ lo thu vén được đồng nào hay đồng đó. Mặc dù đứng trên vị trí công ty vừa và nhỏ thì chuyện mơ ước mình có thị trường, thị phần riêng quá khó khăn cũng như xa xôi. Tuy nhiên trước tình hình bản thân chưa kịp tiến lên bước nào mà đã bị dìm xuống thì cũng chẳng thể chấp nhận được.
Nhiều đơn vị kinh doanh đang rơi vào tình trạng khó khăn và không biết xoay xở theo hướng nào. Họ không có đủ vốn để làm cuộc đua liều mạng như mua về game nổi tiếng. Cho dù có mua được cũng bị đem ra bàn cân so sánh với Dota, LMHT bởi việc thay đổi suy nghĩ của game thủ và khiến họ thoáng hơn khi đánh giá là điều không tưởng. Thực chất không chỉ riêng NPH khốn đốn mà ngay cả người chơi cũng chịu ảnh hưởng. Game thủ không biết rằng hành động cố bám víu lấy một cái cây mà bỏ qua cả rừng cây đang làm thu hẹp và từ bỏ quyền lựa chọn của chính họ. Một bức tranh miêu tả về làng game với một nửa là sôi động và một nửa thì u ám quả thật không thể hài hòa được. Cho dù ngành công nghệ ảo này vẫn tiếp tục tiến bước nhưng nó đã không còn được hoàn hảo nữa khi các miếng ghép mạnh yếu không đều nhau. Bây giờ nếu tất cả cộng đồng mạng, NPH, các trang tin…cứ tiếp tục chạy theo xu thế mà không lo nhìn xa trong hướng phát triển đồng đều thì họ đã tự giới hạn mình trong việc chỉ có thể tồn tại ở một thể loại, một lĩnh vực.