SKT T1 vẫn trượt dài trên BXH và chưa thấy có dấu hiệu bứt phá, trong khi đó tân binh Griffin vẫn chễm chệ ở ngôi vị đầu bảng xếp hạng LCK Mùa Hè 2018.
Sau khi trận đấu cuối cùng của ngày 13/7 giữa SKT T1 và Hanwha Life Esports kết thúc, lượt đi của LCK Mùa Hè 2018 cũng chính thức khép lại. Hiện giờ, những tân binh mới chính là những người thống trị LCK. Griffin mới lên hạng đã hạ gục 4 trong số 5 “ông lớn” tại LCK và khẳng định ngôi vị đầu bảng của mình. Trong khi đó, năm đội tham dự Play-offs Mùa Xuân 2018 lại lần lượt rơi rụng với nhiều thất bại và phong độ không ổn định.
Dưới đây là những tên gây thất vọng nhất sau lượt đi LCK Mùa Hè 2018 nhé!
1. Park “Thal” Kwon-hyuk – Đường Trên – SKT T1
Kỳ vọng quá nhiều nên bản thân anh chàng này cũng “suýt” trở thành tuyển thủ gây thất vọng nhất. Đầu năm 2018, khi SKT T1 tuyên bố thêm Thal vào đội hình ở vị trí đường trên bên cạnh Untara. Nhiều người đã bày tỏ sự nghi ngờ khi trước đó anh chàng này chỉ là một tân binh vô danh thi đấu tại giải hạng hai của Châu Âu và cũng chẳng thành công cho lắm. Số ít người còn lại thì có phần tin vào quyết định của SKT và bảo vệ Thal.
Thật đáng tiếc, số đông lại có phần đúng trong trường hợp này. Thi đấu tạm chấp nhận được trong giai đoạn giải Mùa Xuân. Nhưng sang đến giai đoạn giải Mùa Hè Thal đã trở thành một nỗi thất vọng hoàn toàn. Kỹ năng không nổi bật, khả năng dịch chuyển ở mức bình thường. Thal không hề có điểm gì nổi bật so với những người đi đường trên khác. Cùng với sự đi xuống của SKT T1, chỉ trích về phong độ của Thal lại càng nhiều.
Tình trạng của anh chàng này còn có phần thê thảm hơn Huni trong năm ngoái. Vừa bị đội tuyển bỏ rơi và trở thành cái đích ngắm của đội hình đối phương. Không có chiến thuật thi đấu phù hợp cho bản thân. Đã thế lại còn không có điểm nào xuất sắc. Vẫn câu nói cũ, chừng nào SKT chưa chịu thay đổi chiến thuật cho phù hợp, Thal sẽ còn phải chật vật dài dài…
2. Lee “KaKAO” Byung-kwon – Đi rừng- Jin Air Greenwings
Là một tuyển thủ cực kỳ có số má và cũng là nhà vô địch LCK Mùa Hè 2014, KaKAO được kỳ vọng sẽ là động lực để đưa JAG từ một đội tuyển tiềm năng vươn lên thành một đối trọng thực sụ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau những ván đấu đáng thất vọng, KaKAO đã không còn được trao cơ hội.
Thật khó để đổ tại thành tích của JAG là do KaKAO nhưng sau rất nhiều kỳ vọng trước mùa giải thì KaKAO đang là nỗi thất vọng to lớn vói người hầm mộ. Hy vọng trong quãng thời gian ngồi dự bị, KaKAO sẽ tích cực luyện tập để có thể thích ứng được với LCK và sớm đem lại cho chúng ta những màn trình diễn máu lủa.
3. Kang “Blank” Sung-gu – Đi Rừng – SKT T1
Việc Blank xuống phong độ đã kéo dài kể từ cuối Mùa Hè 2017. Tuy nhiên trong giai đoạn gần đây nó đã trở nên tệ hơn rất nhiều. Sau hơn hai năm thi đấu lối đánh của Blank vẫn vô cùng nhập nhằng giữa ăn cỏ và ăn thịt. Cộng với việc không thích ứng được với meta hiện tại, nó đã tạo ra một tuyển thủ đi rừng thụ động, mắc nhiều sai lầm và thiếu quyết đoán. Trong một meta như hiện tại, với một người đi rừng như vậy. Chuyện SKT T1 thi đấu lẹt đẹt không phải là điều bất ngờ.
Blank là một trong những lý do dẫn đến trận thua mới đây trước HLE
Cho dù cố gắng đến đâu, Blank vẫn không thể thi đấu tốt và có sự ăn nhập với đội tuyển. Đến chính người hâm mộ cũng chẳng nhớ nổi đã bao lâu rồi kể từ khi anh chàng này thi đấu một trận ra trò và nhận được lời khen ngợi nữa. Kể cả khi SKT thắng đối thủ, Blank vẫn mắc sai lầm, vẫn thi đấu không đạt yêu cầu. Cách giải quyết của vấn đề này chỉ có thể là khi meta thay đổi hoặc đột nhiên Blank tìm được lối đánh phù hợp với bản thân mà thôi. Và cả hai chuyện này đều chẳng thể xảy ra trong một sớm một chiều được…
4. Go “Score” Dong-bin – Đi Rừng – kt Rolster
Bắt đầu thi đấu LMHT chuyên nghiệp từ rất sớm với hơn 6 năm kinh nghiệm và đã từng đổi vị trí từ xạ thủ sang đi rừng. Tuy nhiên Score luôn nổi danh là một trong những tuyển thủ thi đấu tốt tại LCK. Việc đổi sang đi rừng kể từ năm 2015 lại trở thành bước ngoặt lớn đối với sự nghiệp của anh chàng này. Với kinh nghiệm thi đấu lâu năm cùng kỹ năng tốt, Score nổi danh với việc đi rừng hổ báo và kiểm soát vô cùng tốt. Anh chàng này đã nhiều lần một mình đưa cả đội tuyển đến với chiến thắng.
Tuy nhiên nếu mắc sai lầm, Score sẽ trở thành thành viên thứ 6 của đối phương
Tuy nhiên anh chàng này lại có một điểm yếu cực kỳ chí mạng, đó chính là phong độ không ổn định. Score rất ít khi mắc sai lầm và mỗi lần anh chàng này mắc sai lầm đều là những sai lầm chí mạng đối với đội tuyển, thậm chí có thể dẫn tới thất bại. Ví dụ tiêu biểu nhất là trong trận đấu mới đây nhất với HLE khi Score đột nhiên bật chế độ “tân binh” và liên tục có những quyết định cùng các pha xử lý khó hiểu.
5. Kim “PraY” Jong-in – Xạ Thủ – Kingzone DragonX
Với tư cách là một trong những xạ thủ thời kỳ đầu của LCK, PraY luôn nổi tiếng vì sự ổn định cùng kỹ năng cực kỳ tốt của mình. Người hâm mộ còn thần tượng anh chàng này đến mức gần như năm nào PraY cũng có mặt trong đội hình đi All-Star của LCK. Bên cạnh đó ở giải quốc nội, anh chàng này cũng luôn được mệnh danh là một trong ba xạ thủ hàng đầu của giải đấu. Tuy nhiên từ mùa giải năm nay, điều này có vẻ như đã không còn chính xác nữa.
Phong độ của PraY đã bắt đầu đi xuống một cách khó hiểu kể từ sau MSI 2018. Khả năng đi đường, giao tranh, kỹ năng xử lý, phản xạ,…Hầu như tất cả mọi mặt đều có sự đi xuống. Mà anh chàng này cũng không phải đánh những tướng phù hợp với meta hiện tại nhiều như những xạ thủ khác. Trong số tổng cộng 22 ván đấu của KZ ở lượt đi LCK Mùa Hè 2018, PraY đã được sử dụng xạ thủ tới tận 16 trận, chiếm tới hơn 72%.
Cho dù như vậy, phong độ ở cả giải quốc tế lẫn quốc nội của PraY đều không được như trước. Đôi khi anh chàng này còn trở thành lý do KZ thua trận.