Không giống như LMHT đòi hỏi bạn phải có phản xạ trong 1 nốt nhạc mà Đấu Trường Chân Lý cần những sự toan tính và chiến thuật lâu dài.
Đấu Trường Chân Lý đã ra mắt được vài ngày rồi, tuy nhiên với một dòng game có độ phức tạp và nhiều “não” như ĐTCL, có vẻ như vài ngày vẫn là chưa thể đủ để mọi người trong chúng ta đều nắm bắt hoàn toàn cách chơi của trò chơi này, và thường rơi vào tình trạng “không biết làm gì cho đúng”. Do đó, hãy tìm hiểu cẩm nang “khá nâng cao” sau để hiểu rõ hơn về trò chơi cũng như cách chơi đúng đắn hơn nhé!
Tích Tiền
Một cơ chế khá xa lạ đối với những ai chưa từng chơi dòng game chiến đấu tự động đó là cơ chế “lãi suất”. Sau mỗi vòng đấu, bạn sẽ nhận được thêm số vàng bằng 10% số vàng hiện tại bạn đang có (làm tròn xuống), tối đa đến 5 vàng.
Những người chơi mới thường hay có xu hướng dùng tất cả số vàng mình kiếm được để nâng cấp đội hình nhằm kiếm được vài chiến thắng đầu trận, mà không hề biết rằng việc làm đó sẽ khiến họ không có đủ tiềm lực tài chính khi trận đấu kéo về sau. Trừ khi có được những chuỗi thắng liên tục, vàng thưởng từ vài trận thắng đơn lẻ ở đầu trận sẽ không thể nào bằng được số tiền mà bạn nhận được khi tích được 40-50 vàng cả.
Tiêu Tiền…
Nghe có vẻ ngược với điều trên, nhưng tích tiền và tiêu tiền là hai việc làm mà bạn sẽ luôn muốn cân bằng khi chơi Đấu Trường Chân Lý. Người xưa đã nói rằng chết đi thì cũng không ôm tiền theo được, và trong đây cũng vậy… Tích lên 50 vàng là một điều nên làm, nhưng chết mà vẫn ôm khư khư 50 vàng thì quả là một điều không nên chút nào. Lẽ ra lượng tiền đó nên được sử dụng để nâng cấp đội hình hoặc làm mới cửa hàng để tăng sức mạnh nhằm chống trả lại đối thủ.
Nếu cảm thấy rối về việc lúc nào lúc nào nên tiêu tiền, và tiêu đến bao nhiêu, thì bạn có thể tham khảo nguyên tắc sau đây mà mình thường hay áp dụng: Số tiền bạn sở hữu nên luôn ít hơn số máu còn lại của Linh Thú của bạn, và hãy tiêu hết tiền khi máu bạn tụt xuống dưới 20 (Bạn còn 40 máu thì nên tiêu vàng xuống 40, 30 máu thì nên tiêu xuống 30,…). Dù vậy, khi muốn nâng cấp đội hình, bạn vẫn nên chờ đợi cho đến khi bạn đủ tiền để lên cấp luôn. Trong một số trường hợp, bạn có thể tiêu sạch tiền chỉ để lấy lại chuỗi thắng nếu cần, dù điều này cũng sẽ có phần mạo hiểm một chút, và chỉ nên được sử dụng khi bạn đã bị dồn vào thế chân tường.
Sử Dụng Nút “Đổi Lại” Hợp Lý
Tôi biết nút “Đổi Lại” đấy rất dễ gây nghiện, đôi khi chúng sẽ liên tục bơm cho bạn những vị tướng cần thiết để nâng cấp đội hình, nhưng đôi khi, tất cả những gì chúng bày ra trước mắt bạn lại là một đống phế thải không hơn không kém. Vậy điều đó toàn là do nhân phẩm quyết định ư?
Sai rồi! Dù việc đổi lại cửa hàng trong một lần là vấn đề nhân phẩm, nhưng việc đổi lại hàng chục lần mà vẫn không được thì có nghĩa là bạn đang làm sai… (hoặc là bạn cực kì xui xẻo). Những vị tướng ở các bậc khác nhau sẽ có tỉ lệ xuất hiện khác nhau ở từng cấp độ, và đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi số lượng đơn vị mà các đối thủ của bạn đã sở hữu. Bạn không thể bấm nút liên tục ở cấp 5-6 mà mong chờ một con Kayle xuất hiện được, và bạn cũng khó có thể chờ đợi những đơn vị 1 tiền cuối cùng khi đã lên cấp 8-9 được.
Mỗi đội hình cũng sẽ có một thời điểm nên dùng đổi lại khác nhau. Ví dụ: Quý Tộc sẽ cần bạn dùng “đổi lại” từ sớm (khoảng cấp 4-5) để nâng cấp đội hình vì họ toàn những đơn vị 1 tiền, sau đó cố gắng nâng kinh nghiệm liên tục qua cấp 6,7 để tìm kiếm Kayle ở những cấp độ 8-9. Một ví dụ khác: Băng Quốc không có đơn vị 1 tiền, do đó bạn sẽ không cần phải nán lại quá lâu ở các cấp độ đầu tiên. Hãy cố gắng lên khoảng cấp 6-7 càng sớm càng tốt vì đây sẽ là khoảng tốt nhất để tìm kiếm các đơn vị 2-3-4 tiền, đồng thời là đạt đủ số tướng yêu cầu để kích Tộc-Hệ trong đội hình.
Nhớ Quan Sát Đội Hình Đối Phương
Biết người biết ta trăm trận trăm thắng… dĩ nhiên rồi, sắp xếp đội hình là một điều cực kì quan trọng trong dòng game chiến đấu tự động. Đôi khi chỉ cần một đơn vị thay đổi vị trí thôi là đủ để bạn thay đổi cục diện của cả ván cờ, và một trong những điều cần lưu tâm nhất khi sắp xếp đội hình đó chính là quan sát đội hình của các đối thủ mà bạn sẽ phải đối đầu.
Quan sát đội hình đối thủ không chỉ ngừng lại ở việc kéo những quân bài có chiêu thức quan trọng tránh xa khỏi CON &#%$* KASSADIN kia, mà còn là quan sát chiến thuật mà đối phương đang sử dụng, cách mà đối phương xếp bài để tính toán phương án khắc chế.
Linh Hoạt Trong Việc Xây Dựng Đội Hình
Thông thường, để làm quen với trò chơi, bạn sẽ chọn ra một đội hình nào đó “theo bạn” (hoặc theo một bài báo nào đấy) là tối ưu và chỉ chạy theo duy nhất một đội hình đấy, mặc cho vị tướng gì xuất hiện trong cửa hàng đi chăng nữa.
Việc làm này có thể giúp bạn làm quen với trò chơi một cách dễ dàng và đỡ gặp phải nhiều thất bại nặng nề trong giai đoạn đầu, tuy nhiên đây không phải là là một cách chơi ổn về lâu về dài. Bạn sẽ cần phải hiểu biết dần về các đội hình có thể được xây dựng trong trò chơi, và lựa chọn một đội hình phù hợp nhất với bản thân trong từng ván đấu. Đó có thể là dựa trên lượng tướng mà bạn được cung cấp, khắc chế đội hình đối thủ, hoặc tránh xa những vị tướng mà đối thủ đã lựa chọn quá nhiều.
Sắp Xếp Và Ghép Trang Bị Hợp Lý
Hệ thống trang bị trong Đấu Trường Chân Lý khá đặc biệt ở chỗ bạn có thể ghép bất kì hai trang bị nhỏ nào để lên một trang bị lớn hơn. Điều này khiến sự phụ thuộc vào “nhân phẩm” khi ghép trang bị được giảm thiểu đi khá nhiều, mà thay vào đó là đầu óc nhạy bén và tinh ý của người chơi trong việc sắp xếp trang bị.
Các trang bị ghép lên từ Xẻng Vàng càng làm tính linh hoạt trong việc lắp ghép trang bị trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Quyền Lực Thiên Nhiên luôn có vẻ là một lựa chọn an toàn và luôn mạnh, nhưng nếu tinh ý, bạn có thể tạo ra những chiến thuật dị và mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần với các trang bị xẻng vàng khác. Vayne với sức mạnh của một kiếm sư? Kennen có thể nhảy thẳng ra hàng sau của đối phương như một sát thủ? Chẳng có gì là không thể với tiềm năng tối thượng của những chiếc xẻng vàng cả…