Trang chủ » eSports » Liên Minh Huyền Thoại » Liên Minh Huyền Thoại: Từ 1 trò chơi điện tử lên sóng truyền hình TV (Phần 3 – RIOT)

Liên Minh Huyền Thoại: Từ 1 trò chơi điện tử lên sóng truyền hình TV (Phần 3 – RIOT)

Team XemGame | 21/11/2016 17:53

Hãy
ủng hộ bọn mình để xem nhiều clip game mới hơn nhé!
Cùng đón đọc phần 3 trong loạt bài viết về trò chơi Liên Minh Huyền Thoại của trang báo thể thao nổi tiếng tại Mỹ – For The Win.

RIOT

Whalen Rozelle đi xuyên qua Madison Square Garden, sải bước qua những đường hầm với bức tường gạch xỉ than nối phòng thay đồ với sân chính. Anh cười với bảo vệ, người vẫy tay cho anh qua. Phía trên anh là tiếng hò reo của 15.000 con người, và rồi anh bước ra ánh sáng.

Anh nhìn lên đám đông và nở một nụ cười rạng rỡ. “Không tệ, phải không?” anh nói.

riot-1.jpg (600×400)

Rozelle là giám đốc ban eSports tại Riot Games, người đàn ông đã nhìn thấy trước sự phát triển của Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp và sứ mệnh trở thành hiện tượng toàn cầu mới của nó. Những người khác ở Riot tạo nên trò chơi, nhưng Rozelle là người biến nó thành ngôi nhà chung của chúng ta. Tại trận bán kết CKTG, được tổ chức tại New York một đêm thứ 6 tháng 10, anh có gương mặt của một người đàn ông đã tạo dựng một thứ gì đó vững chắc và to lớn.

Rozelle đẹp trai, với một đường quai hàm góc cạnh và đôi mắt sáng. Anh dường như luôn cười, và nói theo kiểu cách công nghệ lạc quan vui vẻ bạn có thể nhận ra ngay lập tức nếu dành ra vài ngày ở Silicon Valley. (Anh tốt nghiệp Đại Học Stanford năm 2005 và trước khi tham gia vào thế giới thể thao điện tử đã từng là phân tích viên tài chính của Google.) Anh là người đàn ông mang trọng trách phát triển Liên Minh Huyền Thoại thành một thứ gì đó thu hút một lượng lớn khán giả đại chúng, và anh nói với sự sôi nổi của một người được tái sinh.

Khi anh nói về giấc mơ của mình với Liên Minh và eSports, anh không hướng đến những mục tiêu đơn giản như tìm kiếm thành công trong một môn thể thao không phổ biến. Anh muốn những thứ như NBA, như NFL. Anh thậm chí còn chú ý tới bóng đá, môn thể thao toàn cầu.

“Bóng đá là nguồn cảm hứng cho cấu trúc giải đấu của chúng tôi. Hãy nhìn vào CKTG,” anh nói, ra hiệu với đám đông đang hò reo phía trên anh. “Thể thức của CKTG sẽ rất quen thuộc với bạn vì nó giống với World Cup. Chúng tôi mong mỏi điều này sẽ là World Cup của mình.”

riot-2.jpg (600×399)

Rất dễ bị thu hút bởi sức quyến rũ của Rozelle, để tin tưởng vào sự lạc quan ấy. Ngồi trên sàn của Madison Square Garden, thảm cỏ của nó, nhìn lên 15.000 người hâm mộ đang hô vang tên những tuyển thủ khi SK Telecom T1 giành chiến thắng quan trọng trong trận đấu thứ 4 để kéo ROX Tigers đến trận thứ 5 quyết định, tất cả đều hớp hồn. Nó tuyệt đẹp. Bạn cảm thấy mình là một phần của một điều gì đó. Bước ra cùng với Rozelle, tôi nhớ tới một cảnh trong phim Almost Famous khi William trẻ tuổi đi theo ban nhạc Stillwater ra sân khấu và nghe họ chơi những hợp âm đầu tiên của bản “Fever Dog”. Tất cả những điều này đang xảy ra.

Hiểu được khía cạnh thương mại của Liên Minh Huyền Thoại và thể thao điện tử nói chung sẽ giúp bạn hiểu cách mọi thứ được sắp đặt. Riot Games là người tạo ra trò chơi điện tử Liên Minh Huyền Thoại. Họ cũng là tổ chức đứng đằng sau LCS, giải đấu chuyên nghiệp được vận hành bởi bộ phận Thể thao điện tử của công ty. Bộ phận này vừa là người tổ chức giải đấu vừa là nơi sắp xếp mọi thứ – đặt địa điểm thi đấu, thiết kế ánh sáng, nghe nhìn và âm nhạc, bán hàng lưu niệm, vân vân… Nó cũng tổ chức CKTG, giải đấu kết thúc mùa giải hàng năm, mà tôi đang trực tiếp theo dõi tại đây cùng 15.000 người bạn chơi game mới.

Ngoài việc tạo dựng trò chơi, tổ chức các sự kiện và vận hành khâu sản xuất, Riot giờ còn là một công ty truyền thông. Họ tạo ra và stream những trận đấu này toàn thế giới tới hàng triệu người xem. Với một môn thể thao gồm 10 người chơi rải rác trên một bản đồ lớn, họ buộc phải đưa tin trực tiếp về những pha hành động, nơi nào trên bản đồ cần phải nhấn mạnh, cần phải đưa camera tới đường nào, tất cả được thực hiện trên sóng trực tiếp hoặc với chỉ một khoảng trì hoãn rất ngắn.

riot-3.jpg (600×399)

Để đạt được điều này, họ tìm sự hướng dẫn từ những môn thể thao có tiếng.

“Tôi tới từ Bay Arena. Tôi yêu đội Giants, Niners, Warriors. Rất nhiều người chúng tôi lớn lên với thể thao truyền thống và đồng thời cũng là game thủ,” Rozelle nói. “Chúng tôi biết mình có thể cải thiện buổi phát sóng của mình, nhưng phải làm thế nào? Vậy là cuối cùng chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của những người đã từng tham gia vào những buổi phát sóng thể thao truyền thống… Họ là những người có kinh nghiệm phát sóng Olympic, bản tin thể thao NBC, NFL, và họ có đưa tin về vài sự kiện thể thao điện tử.”

Những chuyên gia có uy tín này được bao vây bởi những người chơi tâm huyết, những người biết người hâm mộ muốn gì, và cứ như vậy, giải đấu chuyên nghiệp trở thành phát thanh viên của chính nó.

Riot, lẽ tự nhiên, không chỉ là người kiến trúc mà còn là người ủy quyền và phát thanh viên của trò chơi. Đối với Liên Minh Huyền Thoại, một trong những trò chơi phổ biến nhất thế giới, công ty này vừa là James Naismith, Adam Silver và ESPN cùng lúc.

riot-4.jpg (600×400)

Riot kiếm tiền từ trò chơi này. Rất nhiều tiền. Công ty, giờ thuộc sở hữu bởi công ty cổ phần Tencent của Trung Quốc, có lợi nhuận khoảng 1,6 tỉ $ trong năm 2015. Họ kiếm tiền từ những giao dịch trong trò chơi, một lệ phí nhỏ người chơi bỏ ra để nâng cấp phụ kiện hoặc để chơi một nhân vật mới. Trong tháng 1/2014, có trung bình 27 triệu người chơi game hàng ngày, và kể cả khi những người đó chỉ bỏ ra vài đô chỗ này chỗ nọ, những con số này cộng dồn rất nhanh chóng.

Thứ không rõ ràng là lợi nhuận mảng eSports đem lại. Trong khi Chung Kết Thế Giới có nhà tài trợ (tên của công ty điện tử Acer xuất hiện khắp mọi nơi đêm bán kết), phần lớn các buổi phát sóng Liên Minh Huyền Thoại được stream hoàn toàn miễn phí trên mạng. Bạn có thể nhìn ra chiến thuật ở đây – với lợi nhuận khổng lồ từ các giao dịch trong trò chơi, mảng eSports được thoải mái hi sinh thu nhập để toàn tâm với nhiệm vụ thu hút nhiều khán giả nhất có thể.

Riot cung cấp một mức lương sàn cho mỗi đội tuyển để trả lương cho các tuyển thủ. Bất kì mức lương thêm vào nào khác đều phụ thuộc vào từng đội tuyển, những người chịu trách nhiệm xây dựng một đội hình có thể cạnh tranh ở cấp cao nhất. Liên quan đến hợp đồng của các tuyển thủ, chà, khá là hóc búa. Riot vừa có vừa không dính dáng đến họ.

riot-5.jpg (600×400)

“Chúng tôi có đọc vài phần hợp đồng,” Rozelle nói. “Nhưng chúng tôi cũng cần phải tôn trọng sự thật rằng đây là những đội tuyển chuyên nghiệp đang làm công việc của họ. Chúng tôi có đọc hợp đồng trong trường hợp có tranh cãi, chứ chúng tôi không nghiên cứu chi tiết chúng.”

Khi tiếp tục được hỏi về vấn đề này – làm thế nào để Riot có thể giám sát hợp đồng của các tuyển thủ nếu như họ không đọc những bản hợp đồng đó? – một lần nữa Rozelle có câu trả lời.

“Chúng tôi có làm việc với các đội tuyển để hình thành một ranh giới thỏa thuận về hợp đồng, bởi chúng tôi có những giới hạn hợp đồng nhất định. Ví dụ, một hợp đồng không được phép kéo dài quá 3 năm,” anh nói.“Về cơ bản những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện là đưa ra một đường lối hướng dẫn để giúp điều chỉnh tình hình hiện tại. Chúng tôi đã từng thấy những bản hợp đồng kéo dài 2 tuần. Hoặc họ đưa ra những bản hợp đồng kết thúc ngay cuối mùa giải để bạn không có nhiều lựa chọn. Chúng tôi đã thực sự làm việc để đưa ra những luật lệ để dọn dẹp rất nhiều những thứ như vậy.”

(còn tiếp…)

Theo For The Win/Dịch lienminh360

Liên Minh Huyền Thoại

Liên Minh Huyền Thoại

▪ Đánh giá: 7.5 sao (2777 lượt)

▪ HĐH: PC

▪ Thể loại: MOBA

▪ Nhà phát hành: VNG

GAME HOT TRONG TUẦN
GAME HOT TRONG THÁNG

Clip hot trong ngày