Đó là câu nói của rất nhiều người hâm mộ khi nói về chiến thắng CKTG năm nay.
Câu nói này đang được truyền đi khắp mọi nơi, giống như những câu chuyện phiếm hàng ngày tại trường học vậy. Dù cho đây có phải là hành động làm lãng mạn hóa những đội tuyển xếp dưới, mệt mỏi vì có một kết quả cứ lặp đi lặp lại, sự ghen ghét từ những nhóm người hâm mộ khác, hay là thiếu hiểu biết về một vấn đề cụ thể, dường như có nhiều người đang không thấy được cảm hứng từ SK Telecom vì đã có những nhận thức sai lầm về đội tuyển. Những câu chuyện ngắn và những dòng tít được giật lên, như kiểu SKT là “nhân vật phản diện”, thay cho những hiểu biết đích thực về sự khó khăn của SKT trong năm vừa qua. Chúng ta đã quên đi những chiến tích anh hùng của họ.
Là những người hâm mộ, phân tích viên, nhà báo, bình luận viên tài năng, hay người tham dự, chúng ta biến các đội tuyển và tuyển thủ giống như những diễn viên, để họ làm tròn những vai phù hợp với những đánh giá khách quan, hoặc là giống với những định kiến của bản thân chúng ta. Ví dụ, một người hâm mộ bóng bầu dục tại Colorado sẽ coi Denver Broncos là đội tuyển “của họ” và cổ vũ cho họ. Khi đó, họ sẽ coi các đội tuyển khác là “kẻ địch”, cho dù đối thủ của đội có là đối thủ cạnh tranh lâu năm như Oakland Raiders, hay bất kì đội nào khác mà Broncos đối đầu.
Trong thể thao điện tử, điều này cũng không khác gì, trừ việc thiếu sự phân biệt về khu vực và tập trung vào cá nhân tuyển thủ hơn là tổ chức của họ (mặc dù, đồng cảm với một đội tuyển vì họ đại diện cho đất nước của bạn là điều có thể xảy ra trong thể thao điện tử, cũng giống như đồng cảm với một đội không từ khu vực của bạn trong thể thao truyền thống).
Không cần biết lí do tại sao, người xem trở thành người hâm mộ các đội tuyển hay tuyển thủ tại các giải đấu, và hi vọng rằng họ sẽ chiến thắng. Các đối thủ sẽ bị coi là kẻ thù mà chiến thắng của họ sẽ không phải là điều mà người hâm mộ mong muốn. Quan điểm này có nhiều mức độ: Một người có thể yêu thích cả hai đội trong trận chung kết của một giải đấu nào đó, nhưng lại muốn đội X thắng đội Y hơn. Một người có thể rất yêu quý đội X, và không hề ưa đội Y, vì thế sẽ rất không vui khi đội Y giành chiến thắng. Một người có thể chẳng quan tâm đến cả hai đội, vì đội tuyển mà người đó thích chẳng phải X lẫn Y…
Nhiều người đã chọn việc không coi SKT là đội tuyển ưa thích của mình mà là một địch thủ tối thượng. Với một nhà đương kim vô địch CKTG và là đội tuyển LMHT thành công nhất từ trước đến giờ, rất dễ để nói “họ thắng vậy đủ rồi”, và coi họ là một kẻ phản diện thành công, những đội tuyển yếu hơn sẽ phải đóng vai anh hùng và giành chiến thắng trong trận chiến cuối cùng. Nhưng một kẻ phản diện đích thực trong thể thao điện tử lại rất hiếm thấy, đặc biệt là trong LMHT. Theo đúng nghĩa đen của cụm từ đó, “kẻ phản diện” là những tên gian ác và dâng hiến mình cho sự thâm độc. Những yếu tố đó có thể kết hợp lại để tạo nên một hình tượng, như G2 Esports, bán mình thành kẻ xấu để đa dạng hóa bản thân, và chúng ta nên hoan nghênh điều đó, tuy vậy, một đội tuyển muốn vô địch một giải đấu cho dù đã thắng không biết đến bao nhiêu lần trước đó, chắc chắn không phải là hành vi của một kẻ phản diện.
Điều chúng ta đã quên mất rằng SK Telecom là người hùng với chính những câu chuyện của riêng mình, giống như tất cả các đội khác. Họ là những tuyển thủ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để đạt được những thành quả tuyệt vời. Họ cũng có những người hâm mộ của riêng mình, những người ủng hộ và khâm phục điều đó. Mọi kỳ vọng hay những cú vấp đều ẩn chứa những câu chuyện phía sau, nhưng chúng cũng chính là thứ khẳng định di sản của mình bằng cách đứng lên và giành những chiến thắng sít sao.
Đầu mùa giải 2016, SKT gặp phải hai vấn đề. Đầu tiên, họ phải đối mặt với meta tướng đi rừng gánh đội, nơi không thuộc về Bae “Bengi” Seong-woong, và sau đó phải kết hợp với tân binh đường trên – Lee “Duke” Ho-seong, gia nhập đội sau khi MVP của CKTG 2015 – Jang “MaRin” Gyeong-hwan rời đi. Giải pháp cho vấn đề đi rừng là thay Bengi bằng Kang “Blank” Sun-gu, nhưng chính cách này cũng có những vấn đề của riêng nó.
Duke cần một khoảng thời gian để kết hợp được với đội, và dù anh vẫn còn thiếu khả năng phối hợp với đồng đội trên toàn bản đồ so với những tuyển thủ đường trên Hàn Quốc khác, anh vẫn là một chỗ dựa đáng tin cậy và có thể thi đấu một cách linh hoạt. SK Telecom đã vấp ngã không ít lần trong năm 2016, nhận những thất bại không ngờ ở cả hai mùa LCK, tại vòng bảng MSI trước những đội tuyển yếu hơn, và bị lội ngược dòng trong trận bán kết mùa hè bởi KT Rolster. Những điều này đã góp phần giúp cho ROX Tigers trở thành đội tuyển được mong đợi trở thành nhà vô địch CKTG. ROX đã suýt chút nữa có cơ hội, chỉ chịu thất bại sát nút trước SKT và Lee “Faker” Sang-hyeok trong trận bán kết Bo5.
Cho dù nhìn SKT có vẻ yếu như thế nào đi chăng nữa, họ đã biết cách nắm lấy cơ hội và giành chiến thắng ngay cả khi đã ở sát bờ vực thất bại. IEM Katowice, LCK Mùa Xuân, MSI, CKTG – họ đều thi đấu rất ấn tượng, vượt qua những giây phút khó khăn, và bước lên đỉnh cao vinh quang.
Một trong những ví dụ điển hình nhất là ván thứ tư trong cặp đấu với ROX, khi Bengi sử dụng Nidalee lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Lựa chọn đó đến từ sai lầm của HLV Kim “kkOma” Jung-gyun trong giai đoạn cấm, buộc SKT phải lấy Cô Nàng Hóa Báo nếu không muốn Han “Peanut” Wang-ho sử dụng. Nhưng Bengi đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng với màn trình diễn vô cùng ấn tượng, và khán giả phải vò đầu vứt tai mà không thể hiểu nổi: Tại sao SKT lại không để anh chơi Nidalee ngay từ đầu?
Cặp đấu với ROX tại CKTG không hề thiếu những khoảnh khắc kì diệu, như khi Faker sử dụng những chiêu thức chí mạng, ép đối phương mất phép bổ trợ, hay trốn thoát một cách khó tin, chặn đứng con đường tiến tới chiến thắng của ROX. Yếu tố này không nên bị lãng quên chỉ vì SKT đã giành được chiến thắng trước một kình địch mà họ chưa từng để thua trong một cặp Bo5 trước đó.
Việc mọi người vẽ ra những câu chuyện khác cũng là điều dễ hiểu. Sức hút của ROX Tigers với tính cách náo nhiệt và lối chơi tấn công hổ báo, kết hợp cùng câu chuyện về những chàng trai lạc lõng và hành trình zero-to-hero của Song “Smeb” Kyung-ho, đã khiến cho họ trở thành một đội tuyển đầy thú vị để theo dõi.
Điều tương tự cũng đúng với Samsung: Một đội hình được xây dựng trong hai năm, khi tổ chức phải bắt đầu lại từ đống đổ nát sau cuộc đại di cư tuyển thủ Hàn Quốc cuối năm 2014. Ban đầu thì chẳng có gì đáng chú ý, nhưng càng ngày tên tuổi họ càng trở nên nổi bật khi có những thay đổi trong đội hình, đáng chú ý nhất là Kang “Ambition” Chan-yong, và một hành trình kì diệu tại CKTG, sau khi lần đầu tiên đánh bại KT Rolster ở vòng loại khu vực. Cả hai đội đều có vẻ lép vế, nhưng cũng xen lẫn những cá tính thú vị.
Nhưng SKT lại có một câu chuyện còn lớn hơn. Chỉ có tuyển thủ xuất sắc nhất mọi thời đại – Faker, mới có thể gây dựng nên một di sản như vậy. Nền thể thao điện tử trong tương lai sẽ nhìn lại sự nghiệp của Faker như một trong những cá nhân vĩ đại nhất trong suốt bề dày lịch sử. Anh là một hiện tượng, một thiên tài độc nhất vô nhị trong thế hệ này. Những điều anh đang làm chứng minh điều đó. Anh đã có thể vượt lên trên những đối thủ mới, đánh bại họ, đôi khi hoàn toàn hủy diệt, nhưng đôi khi lại rất sít sao. Thật tuyệt vời khi có một tài năng như thế tồn tại, và những chiến tích đạt được đảm bảo rằng tên của anh sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Chiến thắng của SKT không hề nhàm chán. Nó phá vỡ mọi khái niệm về giới hạn. Nó tạo nên một trang sử sẽ còn được lưu danh trong nhiều năm nữa. Điều đó là, hoặc nên là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi tuyển thủ. Sau tất cả, vượt qua cái tên xuất sắc nhất mọi thời đại sẽ luôn mang lại những ý nghĩa thật lớn lao.
Theo lienminh360