Ở phần này, chúng ta sẽ đến với cơ chế vận động của nền công nghiệp Thể thao điện tử Hàn Quốc và lý do vì sao Faker được xem như là tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại xuất sắc nhất Thế giới.
>>LMHT: Hành trình trở thành siêu sao của game thủ 19 tuổi – Faker (Phần 1)
>>LMHT: Hành trình trở thành siêu sao của game thủ 19 tuổi – Faker (Phần 2)
Doa và Montecristo là hai bình luận viên tôi có dịp tiếp xúc tại Hàn Quốc đều sống ở Kyunglidan, một khu vực thời thượng với những quán cà phê bé xíu. Chúng tôi có hẹn ăn trưa tại một quán nổi tiếng với món jaeyook bokeum (thịt ba chỉ heo xào) với Susie Kim, một phiên dịch viên và là cựu bình luận viên bộ môn StarCraft. Khi tôi hỏi mọi người vì sao Faker lại được xem là game thủ xuất sắc nhất thế giới, MonteCristo (chúng tôi thường gọi tắt là Monte) hỏi lại tôi: “Vậy cô đánh giá một vận động viên chuyên nghiệp như thế nào? Như kiểu, LeBron (một vận động viên bóng rổ nổi tiếng) có điểm gì vượt trội?”.
Tôi ấp úng một vài từ: sức mạnh, kỹ năng, sự quyết đoán.
“Đúng vậy. Chúng tôi cũng đánh giá game thủ với những tiêu chí tương tự”, Susie nói.
“Trong Liên Minh, sức mạnh chính là kỹ thuật, hay cụ thể hơn là khả năng điều khiển chuột và bàn phím của người chơi để phản ứng nhanh, ví dụ như khi tránh chiêu thức của đối thủ. Về mặt này thì Faker có kỹ thuật điêu luyện“, Monte nói. Anh cho tôi xem một đoạn phim được cho là hay nhất trong lịch sử Liên Minh, ghi lại trận đấu năm 2013 giữa SK Telecom và KT Bullets. Faker đối đầu với Ryu và cả hai cùng chọn một vị tướng ninja tên Zed. Sau một cuộc đụng độ ngắn, Zed của Faker dường như sắp chết và anh đã lùi về. Thế nhưng, chỉ ngay khi Ryu nghĩ anh ta sắp phân định thắng bại, Faker tung ra một bộ kỹ năng rồi đốn ngã đối thủ bằng chiêu cuối của mình. Khán giả như phát cuồng vì diễn biến này. “Cậu ấy đã dùng 6 kỹ năng khác nhau chỉ trong 2 giây ngắn ngủi”, Monte nói.
Ấn tượng hơn nữa, DoA bổ sung, là sự đa dạng trong danh sách tướng của Faker. Điều này giúp anh dễ dàng thích ứng với những phiên bản mới của trò chơi, hay còn gọi là meta theo ngôn ngữ eSports. Mỗi vài tuần, Riot sẽ nâng cấp Liên Minh một lần nên các game thủ luôn phải lo sợ vị tướng yêu thích của mình bị giảm sức mạnh. Hãy thử tưởng tượng nếu NFL (giải bóng bầu dục của Mỹ) bất ngờ tuyên bố cú chạy chạm sân (touchdown) chỉ còn được 5 điểm (bình thường là 6 điểm), hay nếu FIFA giảm khoảng cách cú sút phạt penalty. Mặc dù việc thay đổi meta thường xuyên giúp trò chơi luôn hấp dẫn, nhưng những game thủ chuyên nghiệp sẽ cảm thấy phiền toái về điều này. Một số người thậm chí không thể thi đấu tiếp khi tướng tủ của mình bị giảm sức mạnh.
Đó là một trong những lý do khiến tuổi nghề trung bình của các tuyển thủ Thể Thao Điện Tử khá ngắn. Những vận động viên chuyên nghiệp thường từ giã sự nghiệp của mình trước 25 tuổi. Giống như những vận động viên trượt ván, game thủ đạt đến đỉnh cao sự nghiệp từ lúc họ còn rất trẻ. Những game thủ quá tuổi thường khó có lợi thế với khả năng phản xạ chậm cũng như chấn thương vùng cổ và cổ tay. Monte nói: “Đối với một cậu bé tuổi teen thì chơi game suốt 16 giờ lúc nào cũng dễ dàng hơn”.
Hầu hết các game thủ Hàn Quốc không học đại học nên cơ hội nghề nghiệp của họ sau khi ngừng thi đấu như một khung cửa hẹp. Susie nói: “Hầu hết game thủ chuyên nghiệp không xuất thân từ gia đình khá giả. Rất nhiều trong số họ thi đấu để phụ giúp gia đình”. Cô nói thêm: “Càng ngày, game thủ càng nhận thức rõ quỹ thời gian có hạn của mình, và điều này khiến họ rời bỏ quốc gia”. Mặc dù hầu hết game thủ chuyên nghiệp tại Hàn Quốc nhận mức lương lên đến năm con số, và một vài siêu sao nhận được trên 100.000 USD (Monte nói rằng có thể Faker còn nhận được gấp đôi con số này, tuy nhiên, SK Telecom từ chối tiết lộ mức lương cụ thể), các đội Trung Quốc còn hào phóng hơn rất nhiều. Invictus Gaming, đội thuộc sở hữu của Wang Sicong, con trai của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, đã chiêu mộ thêm bốn game thủ Hàn Quốc vào mùa đông này.
Những tuyển thủ chuyên nghiệp còn có thể kiếm thêm thu nhập từ việc stream, nghĩa là cho người hâm mộ xem những trận luyện tập của họ và phát kèm quảng cáo. Một cựu tuyển thủ Trung Quốc là Wei “Caomei” Han-Dong đã bật mí anh thu nhập trên 800.000 USD một năm từ stream. Các đội Hàn Quốc đã manh nha bắt đầu stream, nhưng nhìn chung, “họ nghĩ việc này không hiệu quả”, Lee “CloudTemplar” Hyun-woo, một cựu tuyển thủ nói. “Tại Hàn Quốc, để kiếm được tiền, bạn phải cam kết về hiệu quả. Stream chỉ là một trong số các kênh quảng bá thương hiệu và các nhà tài trợ sẽ cân nhắc về số lợi nhuận họ thu được từ kênh truyền thông này”. Tuy nhiên, nhu cầu được xem stream của người hâm mộ vẫn rất lớn. Tháng 2 vừa qua, một người dùng trên trang Twitch đã dấy lên một vụ scandal nhỏ khi người này stream trái phép stream của Faker.
(Còn tiếp)