Mùa giải thi đấu mới chuẩn bị được khởi tranh, cùng đánh giá những bản hợp đồng gây thất vọng nhất năm 2021 nhé.
G2 Rekkles
Sau khi quyết định rời G2 được thông qua, Perk đã chọn bến đỗ mới cho mình là Cloud 9 để được thi đấu tại vị trí đường giữa sở trường. G2 Esports đã ngay lập tức đưa về một bản hợp đồng không thể bùng nổ hơn trong năm 2021, đó chính là lấy siêu xạ thủ Rekkles từ Fnatic để trám vào vị trí mà Perk để lại. Dù người hâm mộ đã nhận định đây là một Super Team tại khu vực LEC nhưng vẫn còn đó những hoài nghi về tiềm năng của thương vụ này.
G2 Esports bất ngờ công bố bản hợp đồng với siêu xạ thủ Rekkles
Đúng như phỏng đoán của nhiều người, G2 2021 gần như đã thất bại trên mọi mặt trận họ tham dự. Họ để thua tan tác tại 2 mùa giải LEC với không một lần lọt vào trận chung kết. Tấm vé CKTG cũng xa vời khi để thua chính Fnatic trong loạt Bo5 tại Playoffs Mùa Hè. Dù Rekkles đã thi đấu tương đối ổn định nhưng điều đó là không đủ để giúp G2 Esports đến với giải đấu lớn nhất hành tinh.
Đó cũng là dấu chấm hết cho đội hình của G2 Esports khi các tuyển thủ lần lượt ra đi trong mùa chuyển nhượng vừa rồi. Wunder tới Fnatic, Rekkles thậm chí còn tới thi đấu tại giải hạng 2 Châu Âu – LFL và kết thúc một trong những thương vụ gây thất vọng nhất trong năm vừa rồi.
TSM SwordArt
Sau khi dành ngôi vị Á quân tại CKTG 2020 trong màu áo Suning, TSM đã quyết định chiêu mộ SwordArt với tham vọng đạt thành tích cao hơn tại đấu trường quốc tế. Đây chắc chắn là một thương vụ chuyển nhượng “khổng lồ” tại LCS với con số 6 triệu đô cho bản hợp đồng 2 năm đối với một tuyển thủ hỗ trợ không tới từ Hàn Quốc.
SwordArt gia nhập TSM với con số 6 triệu đô
Nhưng tất cả những gì người hâm mộ nhận được vẫn là sự thất vọng ê chề. TSM vẫn thể hiện sự rời rạc trong lối chơi và phải nhận liên tiếp những thất bại trong cả hai mùa giải LCS trong năm. Cuối cùng là có lần thứ ba vắng mặt tại CKTG trong bốn năm trở lại đây sau khi thất bại trong trận đấu với C9 tại Playoffs.
Với những thất bại đó, hiện tại SwordArt đã trở về đội tuyển cũ Weibo Gaming (tiền thân là Suning) để một lần nữa sát cánh cùng SofM chinh phục giải đấu LPL danh giá.
FPX Nuguri
Thực sự mà nói, xếp Nuguri vào danh sách này có hơi tội cho Nuguri nhưng với vị thế là Top Laner số 1 thế giới thì chúng ta có quyền đặt kỳ vọng cao hơn đối với anh ấy. Nuguri khá giống hoàn cảnh một người đã từng là đường trên của FPX trước đây, đó là Khan. Khan cũng được đánh giá là Đường trên số 1 khi mới gia nhập và cũng không thể hiện được nhiều, thậm chí còn không thể đưa FPX đến với CKTG.
2021 không phải là một năm quá tệ với FPX tại giải đấu quốc nội. Họ thi đấu khá áp đảo tại Vòng Bảng, kết thúc cả hai giải đấu quốc nội với hai lần về nhì liên tiếp và dành tấm vé đến CKTG cũng với vị thế là hạt giống số 2 từ khu vực LPL. Nhiều người hâm mộ và BLV còn đánh giá FPX mạnh hơn cả seed 1 LPL là EDG và là đội tuyển cạnh tranh trực tiếp chức vô địch.
Có thể bạn muốn xem thêm : HLV CES tin vào yếu tố tâm linh, xài cả pad chuột Pelu để vô địch VCS
Để rồi chúng ta thấy được một FPX thi đấu cực kỳ thiếu ổn định, chịu áp lực tâm lý nặng nề mà không thể vực dậy.“Chúng tôi không biết cách để chiến thắng. Một cơ hội, hai cơ hội và cơ hội cuối cùng trôi qua. Có lẽ nếu chúng tôi thi đấu 100, 200 trận nữa, kết quả cũng vậy, chúng tôi sẽ chẳng có được 1 chiến thắng nào.” – Chia sẻ của DoinB khi bị loại từ Vòng Bảng CKTG 2021.
Về phần Nuguri, siêu sao đường trên cũng thi đấu cực kỳ bất ổn xuyên suốt một năm tại FPX, đã có thời gian ban huấn luyện FPX phải thay Xiaolaohu – đường trên đội trẻ của họ và chờ Nuguri cải thiện vấn đề tâm lý. Chung kết thế giới như là giọt nước tràn ly với vấn đề tâm lý và bệnh tình của Nuguri. Sau khi dừng chân ngay tại Vòng Bảng, tuyển thủ sinh năm 1999 trở về Hàn Quốc, quyết định nghỉ ngơi và không gia nhập bất kỳ đội tuyển nào cho đến thời điểm hiện tại.