“Xem thường” không đồng nghĩa với yếu ớt, ngược lại, đôi khi những vị tướng bị xem thường thật ra có khả năng gây đột biến cao và dễ dàng làm gỏi cả team nếu không cẩn thận
Trong Liên Minh Huyền Thoại, độ đa dạng về tướng là rất lớn nhờ vào số lượng tướng phong phú (126 tướng thời điểm hiện tại). Thế nhưng, lại có những tướng bị đánh giá khá thấp mỗi khi xuất hiện, hoặc rất ít khi xuất hiện trên đấu trường công lý bởi cách chơi khó, cũng như giảm sức mạnh khá nhiều lần. Tuy nhiên, nếu chơi đúng cách, những vị tướng này lại không hề thua kém bất cứ vị tướng nào khác. Cùng Liên Minh 360 điểm qua những tướng bị đánh giá thấp trong Liên Minh, nhưng sức mạnh lại rất đáng gờm này.
Akali
Có thể nói Akali là một vị tướng sát thủ cực mạnh ở mọi thời điểm, kể cả khi cô đã bị giảm sức mạnh đi rất nhiều. Điển hình là việc xóa bỏ tác dụng kích hoạt Dấu Ấn Sát Thủ (Q) bằng Múa Liềm (E), giảm tầm sử dụng của Vũ Điệu Bóng Đêm (R), khiến cho cô gần như biến mất khỏi đấu trường công lí.
Mặc dù vậy, lượng sát thương “siêu khủng khiếp” của cô thì vẫn tồn tại. Vốn dĩ là một sát thủ đánh gần, do đó Akali thường xuyên bị đối phương “bắt nạt” ở những giai đoạn đầu trận. Tuy nhiên khi Akali cán mốc cấp 6, có lẽ không một kẻ nào có thể ló mặt ra để nhìn cô, thậm chí là “siêu sát thủ” Zed. Sát thương của Akali gây ra chủ yếu là từ việc kích hoạt Dấu Ấn Sát Thủ (Q). Chỉ cần Akali kích hoạt được 2 lần, thêm một vài sát thương và thiêu đốt, gần như kẻ đó sẽ phải lên bảng đếm số. Với việc các trang bị như máy quét nâng cấp hoặc mắt tím, Akali có thể bị mất đi khả năng tàng hình, nhưng điều đó không hề quan trọng, bởi cô sẽ không việc gì phải “chui rúc” trong đám khói đó nữa, nhờ sự kết hợp giữa 2 trang bị “Móng vuốt Sterek” và “Song kiếm tai ương”.
Heimerdinger
Một vị tướng khác cũng khá mạnh, đó là Heimerdinger. Nhà Phát Minh này có sức mạnh vô cùng lớn, nhưng lại được rất ít người chú ý tới. Khả năng ép đường của Heimerdinger rất tốt, nhờ vào kỹ năng Ụ Súng Tân Tiến H-28G cho phép ông ta đặt tới 3 cái ụ súng. Mặc dù 1 ụ súng trông có vẻ yếu, nhưng 3 ụ súng sẽ tạo nên sự khác biệt. Chính vì có nhiều kẻ không biết đến điều đó, liều mạng lao lên và nhận được những kết quả như đã dự đoán. Thậm chí những ụ súng này giúp Heimerdinger chống bị gank, tức khả năng 1vs2 của ông là rất tốt.
Sức mạnh của Heimerdinger không chỉ nằm ở đó, mà còn ở các kỹ năng khác như Tên Lửa Hextech Cở Nhỏ (W) và Lựu Đạn Bão Điện Từ CH-2 (E) khi nâng cấp sẽ có sát thương và hiệu ứng khống chế vô cùng lớn trong giao tranh. Với 3 kỹ năng gây sát thương như vậy, đương nhiên Heimerdinger sẽ mất đi sự cơ động của mình và không thể chạy thoát mỗi khi bị gank ngoài tầm các ụ súng của mình. Đặc biệt hơn, khi Heimerdinger đối đầu với các vị tướng có khả năng phá ụ súng như Syndra hay “tay” dài hơn như Xerath thì đó sẽ là một cơn ác mộng.
Vel’Koz
Vel’Koz trước khi mới ra mắt là 1 vị tướng được chú ý đến khá nhiều, nhờ bộ kỹ năng gây sát thương chuẩn vô cùng lớn. Ở giai đoạn đi đường, Phân Hạch Plasma (Q) là một kỹ năng tương đối khó chịu khi Vel’Koz nằm trong tay những người chơi lâu năm, sự cấu rỉa đến từ những góc mà đối phương không bao giờ có thể ngờ đến. Tuy nhiên, lý do mà Vel’Koz không được lựa chọn nhiều có lẽ bởi bộ chiêu thức hoàn toàn là kỹ năng định hướng và khá khó để sử dụng hiệu quả.
Vel’Koz có những yếu tố quan trọng để làm 1 pháp sư đường giữa, trong đó gồm khả năng cấu rỉa, đẩy lính nhanh, kỹ năng khống chế và chiêu cuối diện rộng dồn sát thương vô cùng mạnh. Tuy nhiên, Vel’Koz không có những kỹ năng để chạy trốn khi bị “hỏi thăm”, vì vậy cần phải đẩy lính thật nhanh bằng Vết Rách Hư Không (W) để giữ vị trí an toàn. Tuy nhiên, với việc những kỹ năng toàn định hướng, nếu gặp phải những sát thủ biến ảo như Zed, Leblanc thì Vel’Koz sẽ không thể ngóc đầu lên được.
Nocturne
Vị tướng tiếp theo được nhắc tới trong danh sách này đó là Nocturne. Trang bị đi rừng mới mang tên Phù Phép No Nê có vẻ khá phù hợp với vị tướng này. Khả năng farm rừng ở những giai đoạn đầu của Nocturne là rất tốt, có kỹ năng gây sát thương diện rộng kèm theo khả năng hồi phục tương đối ổn. Tuy nhiên, sức mạnh của Nocturne mới bắt đầu thực sự bộc lộ sau cấp độ 6.
Khả năng phản gank của Nocturne là vô cùng hiệu quả, bởi chiêu cuối của hắn có tầm sử dụng lên tới 2500 ở cấp 1 và 4000 ở cấp 3, khoảng 1/3 bản đồ. Bên cạnh đó, Nocturne có rất nhiều kỹ năng thú vị hỗ trợ hắn trong việc gank, như hiệu ứng sợ hãi đến từ Nỗi Kinh Hoàng Tột Độ (E) và khiên phép đến từ Bóng Đen Bao Phủ (W). Nocturne không cần phải lộ mặt quá nhiều, chỉ cần di chuyển trong rừng, khi đồng đội có nguy hiểm, hắn chỉ việc bật chiêu cuối và lao thẳng đến mục tiêu cần tiếp cận. Ngoài ra, Hoang Tưởng (R) của Nocturne có thể gây hỗn loạn trong giao tranh vô cùng tốt khi giảm tầm nhìn của mọi kẻ địch. Trang bị đi rừng Phù Phép Chiến Binh giúp Nocturne gây áp lực vô cùng mạnh ở giai đoạn đầu trận, ngược lại Phù Phép No Nê sẽ phù hợp hơn cho giai đoạn giữa và cuối trận đấu.
Malzahar
Một vị tướng khác cũng bị đánh giá khá thấp trong trò chơi đó là Malzahar – Nhà Tiên Tri Hư Không. Lượng sát thương mà Malzahar có thể gây ra là ngoài sức tưởng tượng, có lẽ chỉ sau 1 vài vị tướng pháp sư dồn sát thương mạnh như Leblanc hoặc Viktor. Vấn đề ở đây, sức mạnh của Malzahar không phải nằm ở lượng sát thương phép thuật, mà những hiệu ứng khống chế vô cùng khủng khiếp. Hãy tưởng tượng trong một đội hình 5 người thì 3 người bị câm lặng tới 3 giây thì còn làm được trò trống gì?
Giai đoạn đi đường của Malzahar cũng vô cùng mạnh nhờ khả năng đẩy lính tuyệt vời từ Ám Ảnh Kinh Hoàng (E) và nội tại Triệu Hồi Bọ Hư Không. Cứ mỗi 4 kỹ năng, 1 con bọ sẽ được triệu hồi và tấn công trực tiếp vào những mục tiêu bị dính E. Sau này, chỉ với 1 trang bị như “Gậy bùng nổ”, Malzahar thậm chí còn không phải nhìn mặt các con lính mà chỉ cần đứng bám trụ an toàn vẫn có thể hứng kinh nghiệm và tiền. Trong giao tranh, kỹ năng Tiếng Gọi Hư Không có tầm sử dụng 900, và chiều rộng của kỹ năng là 400, do đó nếu sử dụng chuẩn xác từ 2 đến 3 kẻ địch, gần như giao tranh đó sẽ thắng lợi. Chiêu cuối Âm Ti Trói Buộc (R) kèm theo Vùng Hư Vô (W) sẽ khiến mọi kẻ địch kể cả tướng đỡ đòn cũng sẽ bốc hơi trong đó ngay lập tức. Vì vậy việc cần làm ở đây đó là giữ vị trí cho cẩn thận, tránh các hiệu ứng khống chế an toàn và sử dụng toàn bộ kỹ năng lên mục tiêu gần nhất. Malzahar đặc biệt khắc chế những vị tướng sát thủ như Ahri hay Zed, nhưng vị tướng này lại được đánh giá vô cùng thấp bởi bộ kỹ năng gây sát thương theo thời gian và tầm ảnh hưởng đến trận đấu ở giai đoạn đầu trận là không được tốt.