“Giờ họ muốn chiến trên những cỗ máy chạy ro ro mà không hề có giật lắc, muốn là ông hoàng có kẻ hầu người hạ. Net cỏ ơi xưa rồi diễm.”
Trong thời gian vừa qua, Xemgame.com bọn mình đã thực hiện 1 vài số tâm sự về seri net cỏ được khá nhiều bạn quan tâm và ủng hộ. Bởi nó hồi tưởng về những kỷ niệm tuổi thơ một thời mà không dễ gì có thể đánh đổi được, tuy nhiên không phải ai cũng thích thú với mô hình net cỏ, thậm chí là ghét ra mặt. Điển hình là tâm sự của bạn Minh Sơn gửi về cho bọn mình với chia sẻ: “Gửi các chủ Net Cỏ – Đừng có điếc không sợ súng”.
“Nếu như cách đây chục năm, hình thức kinh doanh quán net tại Việt Nam chỉ dừng lại ở các quán net cỏ (bình dân), cơ sở hạ tầng tầm trung thì giờ đây đã là thời đại của các cyber game, gaming house với sức tải hàng trăm máy cùng một lúc. Thật kỳ lạ là cho dù đứng trước sự thay đổi của thị hiếu, sự phát triển của công nghệ thì các quán net cỏ vẫn đang tiếp tục gồng mình bám trụ, tuy nhiên tương lai có vẻ càng ngày càng mờ mịt.
“Nét cỏ 3k/h vẫn vắng khách”, “Quán net mở từ sáng đến 4 giờ chiều được mỗi 3 khách kèm 19k tiền lời”… không khó để tìm thấy những thông tin đáng suy ngẫm như thế về net cỏ hiện nay. Gaming house đầy ra đấy, sao phải chơi ở những quán cấu hình thấp giật lên giật xuống?
Cấu hình hồi xưa thế này: Pentium 166MMX, Ram 32Mb, 64Mb, hdd 6,4Gb, 10Gb hoặc cao lắm là 20Gb là Vip, khá hơn 1 chút là những con Pentium II Slot 1, Pentium III máy bộ đã là dữ dằn lắm rồi, sau đó là đến thời Halflife, Counter Strike 1.3, Red Alert 2 cho đến PUBG, LMHT, Overwatch, DOTA2, Blade & Soul như ngày nay. Yêu cầu về cấu hình máy cũng theo đó mà tăng lên chóng mặt và khiến cho các chủ quán net phải “toát mồ hôi hột” chạy theo để nâng cấp cấu hình phục vụ game thủ.
Nhưng điều đó là chuyện phải làm, và nếu không làm thì đừng hỏi vì sao càng ngày càng vắng. Game thủ chúng tôi đi chơi, bỏ tiền ra cốt là để được chơi cho sướng, việc được ngồi một cái máy cấu hình cao, bàn phím cơ với những tiếng gõ đi vào lòng người, quả tai nghe có cả chế độ rung sống động nó mới phê mới đã.
Đôi ba ngàn, thậm chí là chục ngàn chênh lệch thật ra để đổi lại cái sự sướng ấy thì tôi xin sẵn sàng. Chứ bây giờ bắt tôi chơi LMHT bằng mấy máy còn không full được màn hình 1600 rồi đến quả headphone vàng chóe huyền thoại cứng như đá, lằn cả vành tai thì thôi, cũng đến chịu. Chưa kể, tai nghe thì gáu gét đen kịt còn bàn phìm và chuột nhìn thôi đã thấy hãi bởi những lớp bụi và mồ hôi kết lại.
Thật lạ là những quán net tiết kiệm đến mức chỉ trang bị đôi cây quạt đứng hay một chiếc quạt trần cho cả một tầng máy vẫn còn tồn tại. Tôi đã từng bất chấp tất cả, điên cuồng ngồi chiến Haflife dưới cái sức nóng 38 độ và một chiếc quạt gắn tường, mồ hôi nhễ nhại nhưng không sao hết, đã máu thì đừng hỏi! Thế nhưng đó là câu chuyện của 15 năm trước, khi mà lúc đó chạm vào được cái máy tính thôi đã sướng lắm rồi chứ chẳng ai dám mơ đến điều hòa máy lạnh. Bây giờ đi net chính là tìm máy lạnh tránh cái nóng, thấy cây quạt đứng là chán chả buồn chơi rồi.
Chưa kể với nhu cầu như hiện tại thì việc một game thủ đóng đô tại quán nét nửa ngày, 1 ngày hoặc vài ngày là điều quá bình thường. Việc được phục vụ ăn uống tại chỗ cũng chính vì thế mà trở thành một trong số những yêu cầu tiên quyết. Chẳng ai muốn đang hứng chơi dở thì lại phải chạy ra ngoài tìm mua cái bánh mì gặm tạm cả. Đối với các quan nét không có dịch vụ hoặc dịch vụ quá nghèo nàn thì vắng khách hầu như là điều khó tránh khỏi.
Cứ thử tưởng tượng vừa được chơi game mình thích, chạy mượt mà đến từng chi tiết, âm thanh sống động, khát chỉ cần 3 giây sau đã có nguyên dàn menu đợi sẵn, đói một cái là nào mì, phở, xúc xích, cơm rang sẵn sàng phục vụ thì có phải là kích thích, sướng cả người không? Đôi khi quán nào dịch vụ tốt hơn là quán đó ăn, rất đơn giản và dễ hiểu. Bạn là một game thủ nhưng lại được đối đãi như một ông hoàng thì bỏ ra chút tiền phần hơn cũng chẳng đáng là bao cả.
Điều quan trọng nhất đó là đối với quán nét cỏ – nơi văn minh là thứ xa xỉ. Quan nét cỏ 10 thằng thì hết 9 thằng hút thuốc, phì phèo cả buổi đến cháy cả bàn phím mà ý thức thì hoàn toàn là con số 0 tròn trĩnh, cybergame người ta chia ra phòng hút thuốc và không hút thuốc chính là vì lý do ấy đấy!
Rồi đến bãi giữ xe “ai có xe người ấy giữ”, lâu lâu phải ngó ra xem xe còn không; rồi đến cái ghế ngồi chơi mà đứng dậy đi vệ sinh xong quay ra có khi đã không thấy đâu nữa, mà cái giống ghế đấy lâu lâu mỏi cổ muốn dựa ra sau cũng không được. Thử hỏi đi net mà đang chơi có thằng đi qua quẹt 1 cái vào ghế, đi lại quẹt 1 cái vào ghế, rồi 1 lúc lại “anh ơi tắt ứng dụng giùm em”, “anh ơi chuột hư” thì làm sao cạnh tranh cho được! Chưa kể net cỏ như một cái chợ với đủ mọi thể loại, khi ở đó các bạn có thể nghe được đầy rẫy tiếng chửi thề, thậm chí là đập bàn phím chan chát.
Có thể bạn muốn xem: Tâm sự game thủ: Mối tình “chị em” quán net và cái kết rơi nước mắt
Nói vậy thì nét cỏ không còn đường sống tại Việt Nam? Vẫn sống chứ, nhưng sẽ là sống lay sống lắt nếu cứ giữ tình trạng như hiện tại. Chưa bàn đến chuyện nâng cấp cấu hình thì việc sắm thêm đôi cái máy lạnh, cải thiện dịch vụ ăn uống là điều có thể làm ngay tức khắc thay vì ngồi nghĩ chiêu trò hạ giá để giật khách, vừa không hiệu quả mà lại còn phản cảm.
Nói ra có vẻ khắc nghiệt nhưng nghề nét hiện nay, không đủ năng lực tài chính và không chịu thấu hiểu tâm lý game thủ thì chỉ có đi vào ngũ cụt mà thôi. Thế nên mình khuyên các ông chủ đang cố gắng sống chết với nghề net cỏ là hãy tìm một mô hình kinh doanh nào đó khác thay thế hoặc chí ít là đầu tư nâng cấp dàn máy và dịch vụ lên. Có vậy mới có thể sống sót qua cơn bão cyber game như bây giờ.
Đừng có “điếc mà không sợ súng”, giờ chả ai chui rúc vào mấy quán net cỏ để ôn lại kỷ niệm tuổi thơ đâu. Họ muốn chiến trên những cỗ máy chạy ro ro mà không hề có giật lắc, họ muốn là ông hoàng có kẻ hầu người hạ. Net cỏ ơi xưa rồi diễm.”