Từ khi ra đời cho tới nay, manga và anime được xem là một hình thức giải trí phổ biến của giới trẻ hiện nay.
Tuy nhiên, một số người đặc biệt là những bậc phụ huynh và người lớn tuổi vẫn luôn nghĩ rằng manga và anime là một thứ gì đó xa lạ và không hữu ích cho trẻ em, đặc biệt là không có giá trị đạo đức. Quan điểm này xuất phát từ việc thiếu thông tin để giúp cho họ hiểu rõ về 2 hình thức giải trí này. Vì vậy, hôm nay hãy cùng mình đi tìm hiểu về nguồn gốc cũng như những sự thật về manga và anime nhé!
Nguồn gốc
Manga
Năm 1814, manga được phát minh bởi nghệ sĩ Katsushika Hokusai – một trong những thợ khắc Nhật Bản nổi tiếng nhất ở phương Tây, một bậc thầy thực sự về tranh khắc gỗ của Nhật. Ông đã vẽ một vài bản in để tạo ra bộ truyện tranh và gọi nó là manga – nghĩa là bức tranh kỳ quái hay bức tranh vui nhộn.
Những bức tranh này đã thu hút rất nhiều độc giả, đến nỗi họ bắt đầu sao chép và bắt chước Hokusai. Từ đó, thể loại manga-eiga (truyện tranh điện ảnh) đã chính thức được ra đời. Cụm từ manga-eiga đã được nhiều độc giả hâm mộ thể loại này hay sử dụng vào những thế kỷ trước. Thậm chí cho tới nay, cụm từ ấy vẫn được sử dụng bởi những otaku thế hệ cũ dù cho từ manga ngày nay được phổ biến hơn.
Anime
Anime đầu tiên ở Nhật Bản được cho là Katsudou Shashin – một tác phẩm không công khai và chưa xác định được thời gian sản xuất. Nó được cho là có từ năm 1907 hoặc có thể là trước cả khi những bộ phim hoạt hình phương Tây đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản. Người ta vẫn đang tranh luận liệu có nên xem nó là tác phẩm khởi đầu của lịch sử anime hiện đại hay không. Không rõ ai là tác giả của Katsudou Shashin, đoạn phim này được tìm thấy trong một bộ sưu tập phim ảnh và máy chiếu ở Kyoto vào năm 2005. Katsudou Shashin chỉ dài có ba giây, mô tả về một cậu bé mặc quân phục thủy thủ và đang viết vài chữ kanji, sau đó cậu nhấc chiếc mũ mình đang đội lên để chào người xem.
Tuy được xem là anime đầu tiên và có thể được ra đời sớm hơn năm 1907, nhưng Katsudou Shashin lại chỉ mới được tìm thấy và ra mắt vào năm 2005, muộn hơn gần mười năm so với phim hoạt hình múa rối tiên phong của Mỹ là Circus of the Lilliputians (1898). Chính vì vậy, anime đã bị phát triển muộn hơn so với hoạt hình phương Tây. Tuy nhiên, dù phát triển muộn hơn nhưng anime lại phát triển một cách nhanh chóng hơn hoạt hình phương Tây và được rất nhiều người yêu thích cho tới ngày nay.
Từ anime là từ viết tắt của từ tiếng Anh “animation” khi được Nhật hóa lại bằng katakana. Nhưng một vài nguồn tin lại nói rằng từ anime bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng Pháp về hoạt họa là dessin animé. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác đã cho rằng thông tin đó là không xác thực.
Trước khi thuật ngữ anime được sử dụng, Japanimation là thuật ngữ được dùng phổ biến nhất trong khoảng thời gian từ thập niên 1970 cho đến thập niên 1980 trước khi được từ anime thay thế. Tuy hiện tại từ anime được sử dụng phổ biến với mục đích ám chỉ hoạt hình Nhật, nhưng thuật ngữ Japanimation vẫn còn xuất hiện trong các tác phẩm đương đại hiện nay nhằm phân biệt các loại hoạt hình khác với hoạt hình Nhật Bản.
Sự ảnh hưởng của manga và anime tới các nước khác
Manga
Từ khi ra đời cho tới nay, manga và anime đã có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới nhiều nước trên thế giới như Hàn, Mỹ, Trung và đương nhiên trong đó có cả Việt Nam. Manga và anime đã được xuất khẩu ra nước ngoài và nhận về nhiều sự yêu thích cũng như hâm mộ của các khán giả trên toàn quốc. Cũng chính vì điều đó mà đã gây ra nhiều vụ đạo nhái, đặc biệt là đạo nhái manga Nhật thành tác phẩm nước nhà. Từ đó gây ra nhiều sự bức xúc và tranh cãi khiến Nhật Bản nhiều lần phải thắt chặt việc xuất bản các tác phẩm manga tới những nước hay đạo nhái này.
Nhiều nước khác trên thế giới cũng yêu thích các tác phẩm manga cũng như nét vẽ mượt mà, đẹp đẽ của nó nên đã nhiều độc giả học vẽ theo và muốn trở thành một mangaka chân chính. Từ đó, những người ấy đã tự tạo ra cho mình những nét vẽ riêng và sáng tác ra nhiều tác phẩm mang tính chất đặc trưng riêng của nước nhà thay vì cứ mãi bắt chước Nhật. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ thấy sức ảnh hưởng của manga tới nhiều độc giả trên thế giới như nào rồi. Vậy giờ chúng ta đi tiếp tới sức ảnh hưởng của anime nhé!
Có thể bạn muốn xem thêm: Những sự thật về cô bé loli Anya Forger trong Spy X Family
Anime
Không chỉ riêng manga là có sức ảnh hưởng ghê gớm tới nhiều fan hâm mộ trên thế giới, mà anime cũng có sức ảnh hưởng nhất định không thua kém gì anh bạn chung nhà của mình. Sự ra đời của anime khiến nhiều người, đặc biệt những thành phần “lười đọc truyện” rất là yêu thích khi họ được tận mắt chứng kiến những trận đấu nảy lửa trong manga được thể hiện một cách sống động và bắt mắt khi hình ảnh có màu sắc và âm thanh chân thực thông qua anime. Cũng nhờ vậy, họ được trải nghiệm một cách trọn vẹn về những ý nghĩa, những cảm xúc mà tác phẩm muốn mang lại cho người xem.
Khi được xuất bản ra ngoài nước, anime đã nhận được nhiều sự yêu thích cũng như đón nhận của các độc giả. Điển hình như bộ anime Spirited Away của Hayao Miyazaki, đây được xem là bộ anime có doanh thu cao nhất từ trước tới nay khi nó giúp cho hãng Ghibli thu về khoảng 275 triệu đô la trên toàn thế giới ngay sau khi được công chiếu và chung tay với anh chị em của em giúp cha đẻ của mình là Miyazaki giành được giải thưởng của Viện hàn lâm. Tại Liên hoan phim Venice lần thứ 62, Miyazaki thậm chí còn nhận được giải Sư tử vàng vì những đóng góp cho nền điện ảnh thế giới. Và cho tới ngày nay, những tác phẩm của vị đạo diễn này vẫn rất được yêu thích và không ai là không biết tới hãng phim Ghibli của ông.