Trải qua một khoảng thời gian dài đằng đẳng, DC Comic đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Năm 1938, National phát hành series “Action Comics” với một nhân vật “mới toanh” được sáng tác bởi Jerry Siegel và Joe Shuster, đó chính là Superman. Mặc dù ban đầu bị chủ biên coi là một ý tưởng “ngu ngốc”, song các báo cáo đã nhanh chóng chứng minh rằng doanh số và mức độ phổ biến của các ấn phẩm ngày càng tăng lên nhờ Superman. Siêu anh hùng này ngay lập tức trở thành một biểu tượng và không lâu sau đã xuất hiện cả tá “hàng nhái” từ cả National lẫn các nhà xuất bản khác.
Với những cái tên “không ai là không biết” trong làng comic như Superman, Batman, Wonder Woman, Green Lantern, hay Justice League …, DC Comics được cho cái nôi của thể loại siêu anh hùng tại Mỹ. DC, cùng với đối thủ truyền kiếp Marvel của mình, đã tạo nên trật tự “2 cực” trong ngành xuất bản truyện tranh của cường quốc số một thế giới này. Để hiểu rõ hơn quá trình hình thành và phát triển của “ông lớn” này, sau đây là một bài tổng hợp lịch sử về DC Comics.
Ban lãnh đạo hiện thời
– Chủ tịch: Diane Nelson
– Đồng sở hữu: Jim Lee và Dan Didio
– Tổng biên tập: Geoff Johns
– Phó giám đốc điều hành (Bán hàng, Tiếp thị, Phát triển Kinh doanh): John Rood
Lịch sử thành lập
Công ty với tên gọi DC Comics ngày nay được sáng lập vào năm 1934 bởi một doanh nhân trong ngành xuất bản – Malcolm Wheeler-Nicholson – với tên gọi “National Allied Publications”. DC hình thành sau khi “National Allied Publications” và “Detective Comics Inc” sát nhập với nhau, đồng thời liên kết với “All-American Publications”. Mặc dù “Nation Comics” mới là cái tên chính thức của công ty này, song bìa comic lại mang logo “DC”, nguyên nhân là bởi nickname “DC Comics” mà người hâm mộ đặt cho. “DC” chính là tên viết tắt của Detective Comics, series truyện tranh nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Tuy nhiên, công ty vẫn chưa chính thức đổi tên thành DC Comics cho tới năm 1977, khi Jenette Kahn lên làm chủ tịch. Hiện nay, DC Comics đặt trụ sở chính tại số 1700 Broadway, 7th, New York, New York. Random House là nhà phân phối của DC Comics tới các chợ sách, trong khi đó Diamond Comics Distributors cung cấp cho thị trường comic chuyên biệt.
Kỷ nguyên Vàng (Golden Age)
Comic đầu tiên của National Allied Publications là “New Fun: The Big Comic Magazine #1” được phát hành vào tháng 2 năm 1935 và đạt được thành công bất ngờ. Cùng năm đó, công ty tung ra phát hành thứ 2 với tên gọi “New Comics #1”. Kích cỡ và độ dài của “New Comics #1” trở thành khuôn mẫu cho nhiều comic sau này, và nó trở thành series comic có thời gian phát hành lâu nhất trong lịch sử.
Năm 1938, National phát hành series “Action Comics” với một nhân vật “mới toanh” được sáng tác bởi Jerry Siegel và Joe Shuster, đó chính là Superman. Mặc dù ban đầu bị chủ biên coi là một ý tưởng “ngu ngốc”, song các báo cáo đã nhanh chóng chứng minh rằng doanh số và mức độ phổ biến của các ấn phẩm ngày càng tăng lên nhờ Superman. Siêu anh hùng này ngay lập tức trở thành một biểu tượng và không lâu sau đã xuất hiện cả tá “hàng nhái” từ cả National lẫn các nhà xuất bản khác.
Đây cũng là thời điểm mà tác giả Bill Finger và họa sỹ Bob Kane cho Batman xuất hiện trên Detective Comics vào năm 1939. Và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, team siêu anh hùng đầu tiên lịch sử comic với tên gọi Justice Society of America được ra đời với thành viên gồm The Flash, The Sandman, Doctor Fate, Hawkman hay The Spectre, … rất nhiều cái tên trong số đó được sáng tạo nên bởi tác giả Gardner Fox huyền thoại.
Trong Kỷ nguyên Vàng, DC gần như thống trị tuyệt đối làng comic Mỹ và là đối thủ cạnh tranh chính của tất cả các công ty khác trong ngành xuất bản truyện tranh Mỹ. Tất cả mọi người đều tìm cách đấu lại “ông lớn” này, và một cái tên đã thành công là Fawcett Publications với một nhân vật toàn năng “na ná” Superman là Captain Marvel. Bên cạnh đó còn có Charlton Comics, công ty này đã phải tạo nên những thế giới hoàn toàn mới để tránh không bị DC kiện. Tiếp sau đó tới Kỷ nguyên Bạc (Silver Age), hầu hết các công ty cạnh tranh với DC đều thất bại, hoặc bị kiện cho tới phá sản như Fawcett. Rất nhiều nhân vật cũng như sáng tác của họ cuối cùng đã về dưới quyền kiểm soát của DC.
Kỷ nguyên Bạc và Đồng (Silver & Bronze Age)
Trong thời kỳ hậu Thế Chiến, sự phổ biến của thế loại siêu anh hùng gần như đã biến mất hoàn toàn, mặc dù DC và các nhà phát hành khác vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ việc “lấn sân” vào các thể loại khác như hài động vật, lãng mạn, Sci-Fi, miền Tây và kinh dị. Những nhân vật lớn như Batman, Wonder Woman và Superman tất nhiên vẫn “may mắn” được phát hành tiếp và tới giữa thập niên 50, các siêu anh hùng lại chuẩn bị cho một màn “tái xuất” ngoạn mục.
Tập Showcase #4 phát hành năm 1956 mang đến cho độc giả một Flash hoàn toàn mới – Barry Allen, với thiết kế “mượt” hơn và nội dung lấn sâu vào khoa học viễn tưởng (những siêu anh hùng thuộc Kỷ nguyên Vàng bị chuyển sang Earth Two). Những nhân vật như The Atom, Green Lantern và đội Justice Society of America được “tái sinh”, dẫn tới sự hình thành của Justice League of America không lâu sau đó, một quả bom siêu anh hùng mới lại được kích nổ.
Trong thời gian này, Đạo luật Thẩm quyền Truyện tranh (Comics Code Authority) đã đi vào hoạt động, kiểm duyệt mạnh tay nội dung trong comic, loại bỏ rất nhiều tác phẩm quá kinh dị hoặc bạo lực.
Với sự “hồi sinh” của Marvel vào thập niên 60 dưới sự lãnh đạo của hai huyền thoại khác là Stan Lee và Jack Kirby, DC đã có một đối thủ mới, “xứng tầm” hơn. Marvel đã thành công trong việc phá bỏ khuôn mẫu “hoàn hảo” của các siêu anh hùng thời bấy giờ, bằng cách mang đến những nhân vật mới, trẻ tuổi và khiếm khuyết gần gũi đời thật hơn, gây sức hút mạnh mẽ tới đông đảo công chúng. Sau khi bị đối thủ truyền kiếp vượt mặt về doanh số, cuối cùng DC cũng phải đi theo hướng của Marvel để giành lại thị phần, với việc tung ra nhóm siêu anh hùng thiếu niên Teen Titans để đối đầu với X-Men.
Kỷ nguyên Hiện đại (Morden Age) và “Crisis on Infinite Earths”
Năm 1985, DC Comics nhận thấy thực tại tiếp diễn 50 năm và vô số Trái Đất song song của nó đã trở nên quá rối rắm và cần dọn mọi thứ sang một trang giấy mới. Để làm được điều này họ đã thực hiện một trong những crossover lớn đầu tiên trong lịch sử comic, tổng hợp gần như tất cả các nhân vật được sáng tạo và phát hành bởi DC. Series này kết thúc với việc hệ thống đa Trái Đất bị xóa bỏ và tất cả hợp nhất vào một hành tinh duy nhất.
Sau đó, Batman, Superman và Wonder Woman được “tái sinh” qua bàn tay của những tác giả lớn như John Byrne, Frank Miller và George Perez. Họ đã “cập nhật” lại những siêu anh hùng từ thời kỳ đầu theo hướng hiện đại hơn để phù hợp với một thế hệ độc giả mới. Trong cùng thời kỳ này, cộng đồng người đọc comic đang trên đà tăng trưởng mạnh, thị trường mở cửa rộng rãi cho phép các nhà xuất bản thử nghiệm nhiều thể loại khác nhau.
Năm 1986, DC Comics đạt được thành công bất ngờ với “The Dark Knight Returns” của Frank Miller và “Watchmen” của Alan Moore. Tới thập niên 90, DC cũng như toàn bộ ngành công nghiệp truyện tranh đổ xô theo xu hướng “trưởng thành” hướng tới đối tượng người đọc lớn tuổi hơn, mặc dù thời gian đầu doanh số có tăng lên nhưng cuối cùng đã “sớm nở chóng tàn”.
Năm 1993, biên tập kỳ cựu Karen Berger đã thuyết phục DC để mình phát triển một dòng comic riêng cho người đọc trưởng thành với tên Vertigo, tương tự như Piranha Press và Paradox Press của DC và Epic Comics của Marvel. Phát triển dựa trên những nhân vật nổi tiếng như Animal Man, Swamp Thing, Hellblazer, The Sandman và Shade, The Changing Man và những sáng tạo mới khác, DC/Vertigo trở thành trung tâm của dòng comic “trí tuệ” trong thời kỳ này.
Năm 1999, DC đã mua lại WildStorm Productions của Jim Lee, một trong những studio thành lập nên Image Comics. Tuy nhiên dòng comic của WildStorm vẫn tiếp tục phát hành độc lập trên khu vực West Coast cho tới năm 2010 mới chịu sự kiểm soát của DC.
All Star DC Comics
Năm 2000, Marvel Comics bắt đầu một series mới mang tên “Ultimate Marvel”, trong đó xuất thân của các nhân vật được thay đổi và làm mới. Đây chính là nguyên nhân ban đầu ảnh hưởng tới quyết định phát hành dòng comic All Star của DC vào năm 2005.
Tất cả các series All-Star đều diễn ra trên thực tại của riêng mình, trừ “All-Star Batman and Robin” là một phần thuộc Earth-31.
All Star Batman and Robin the Boy Wonder
“All-Star Batman” bắt đầu phát hành vào năm 2005, được sáng tác bởi Frank Miller và phác họa bởi Jim Lee. Đây là series đầu tiên thuộc dòng All-Star, mặc dù gặp phải không ít phản hồi tiêu cực nhưng vẫn đạt doanh số vô cùng cao. Dự kiến ban đầu là phát hành 12 số, song cuối cùng series rời rạc này cũng chỉ đạt tổng 10 số (2008).
All Star Superman
Sau Batman, Superman là nhân vật lớn thứ hai của DC được phát triển theo dòng All-Star. Năm 2006, “All-Star Superman” được phát hành (tác giả Grant Morrison, họa sĩ Frank Quitley) và nhận được phần lớn phản hồi tích cực. Thành công nối tiếp thành công khi series này chiến thắng giải thưởng Eisner Award cho hạng mục series mới hay nhất năm 2006, và series tiếp nối hay nhất năm 2007 và 2009. Giống như “All-Star Batman”, series Superman cũng được phát hành khá rời rạc, kết thúc ở số thứ 12. Tổng quan, đây vẫn được coi là một trong những dòng truyện Superman hay nhất từ trước đến nay.
The New 52
Năm 2011, sau giai đoạn sa sút nặng về doanh số, DC đưa ra thông báo rằng họ sẽ hủy hết tất cả các bộ comic chính và tái khởi động lại hoàn toàn với “The New 52”, dưới sự chỉ đạo của Geoff Johns và Jim Lee. Quá trình này bắt đầu với việc phát hành Justice League #1 vào ngày 31 tháng 8 năm đó. Vào ngày 12 tháng 1 năm 2012, tiếp tục có thông báo về làn sóng thứ 2 của New 52, với 6 bộ comic nữa bị “trảm” và thay thế. DC cũng triển khai làn sóng thứ 3 vào tháng 9 năm 2012, với Talon (Calvin Rose) là comic solo đầu tiên của một nhân vật mới trong New 52. Làn sóng thứ 4 bắt đầu vào tháng 1 năm 2013 và kết thúc vào tháng 3 cùng năm, đây là đợt phát hành đầu tiên kéo dài hơn 1 tháng. Kết thúc quá trình này là làn sóng thứ 5 với những comic đình đám như The Movement, The Green Team và Superman Unchained.
The New 52 đã đạt được thành công vang dội về cả mặt phê bình, người hâm mộ và mặt thương mại, khiến cho đối thủ truyền kiếp Marvel cũng phải thực hiện quy trình tái khởi động với tên “Marvel NOW!” vào cuối năm 2012.
DC Rebirth
“DC Rebirth” là bước khởi đầu của một Vũ trụ DC mới nhất, được phát hành từ năm 2016 này. Sự kiện “tái sinh” trên xảy ra sau phần kết của “The New 52”, với cái tên “Rebirth” được lấy từ những series trước đó là “Green Lantern: Rebirth” và “The Flash: Rebirth”, đều được sáng tác bởi tác giả Geoff Johns, với nội dung tập trung vào việc đưa những nhân vật này về thời kỳ ban đầu đồng thời bổ sung nhiều chi tiết mới để thu hút độc giả hiện thời. Vũ trụ mới này được xây dựng nhằm đồng bộ và hài hòa với thực tại hậu sự kiện “Flashpoint” và hậu “Crisis on Infinite Earths”.
Theo wiki