Nếu đã tiếp xúc với những tựa game di động trong một thời gian dài, thì chắc hẳn ai ai cũng đã biết tới chức năng mà trong hầu hết mọi trường hợp đều bị người chơi “lên án” này. Cửa hàng vật phẩm ảo trong game nhưng lại mua được bằng tiền thật là phương pháp để nhà phát triển thu tiền một cách trực tiếp nhất.
Bản thân phương thức này cũng chẳng có tính chất “làm tiền” quá đáng, thậm chí nó còn là một lợi thế lớn cho tựa game của họ nếu nhà phát triển chịu khai thác một cách chừng mực. Lúc này tựa game sẽ có giá trị chơi lại cao hơn, cũng như người chơi sẽ thấy được những nội dung và trải nghiệm thú vị mà chỉ khi nạp tiền thật ở một mức độ nào đấy mới mang lại được.
Thế nhưng thật đáng buồn, không nhiều nhà phát triển thực hiện được “lý tưởng” cao đẹp bên trên. Hiện tại, không riêng gì những tựa mobile game miễn phí, mà ngay cả những game có giá bán gốc, cũng bị lệ thuộc vào cửa hàng ảo một cách quá độ. Liệu bạn còn muốn chơi một tựa game khi mà nhìn đâu cũng chỉ toàn thấy tiền là tiên? Liệu bạn còn muốn cày kéo chăm chỉ để được một món đồ mà trong khi người khác chẳng cần nỗ lực gì cũng có thể sở hữu được bằng cách dùng tiền thật để mua đứt dễ dàng?
Bên cạnh đó khi tham gia vào chơi một tựa game trực tuyến (MMO) nói chung chứ không riêng gì trên hệ điện thoại, thì hẳn người ta sẽ luôn chú trọng vào yếu tố cộng đồng, mang lại cảm giác như được sống một cuộc sống khác, một cuộc đời khác. Vì vậy mà cứ đến một dịp lễ tết đặc biệt nào đó, những nhà phát hành luôn chộp thời cơ để tung ra những sự kiện để mọi người chơi cùng chung vui, từ đó gắn bó với cuộc sống trong game hơn.
Nhưng bạn nghĩ sao nếu ở trong một số tựa game, mỗi một sự kiện lại yêu cầu người chơi phải mua một loại vật phẩm nào đó bằng tiền mặt thì mới được tham gia. Nếu chẳng may hôm đó ví tiền của bạn trống rỗng, thì liệu người chơi có cảm thấy tủi thân khi phải đứng nhìn những người chơi khác tham gia săn boss, vật phẩm sự kiện đặc biệt?
Lạm dụng quảng cáo
Đặt quảng cáo là hình thức kiếm tiền qua mạng phổ biến nhất hiện nay trên Internet. Ở giới game di động cũng vậy, không trực tiếp thu tiền của người chơi, nhưng hình thức đặt quảng cáo vẫn đủ sức khiến nhà phát triển kiếm bộn tiền nếu như game đó nổi tiếng, kể cả khi đó có là game được phát hành miễn phí và không có cửa hàng ảo đi chăng nữa.
Nhưng, việc gì cũng phải có một giới hạn nào đó của nó, việc các hãng sản xuất lợi dụng triệt để và có phần quá đà hình thức quảng cáo thông qua game này, lại trở thành một yếu tố “cắn trả” lại chính tựa game của họ.
Mua thêm nội dung
So với hai cách “hút máu” game thủ bên trên, thì việc nhà phát hành cho tải game về miễn phí như một bản chơi thử, sau đó nếu thích, người chơi có thể bỏ tiền ra mua thêm các chương cốt truyện và nội dung mới, vẫn là cách kiếm lời tử tế và được lòng người hơn cả.
Tuy nhiên, hình thức này lại không phù hợp với phần lớn những người chơi game đại trà, khi mà họ chỉ thường chi ra khoảng vài USD cho một tựa game nhỏ thông thường hoặc tìm đến những game miễn phí trên nền di động. Trong khi game được phát hành theo dạng mua nội dung này thường là những game có chi phí phát triển cùng giá thành rất cao, với đối tượng nhắm đến là những người chơi game chuyên nghiệp.