Cùng điểm lại những chiếc mặt nạ đáng sợ nhất của phim kinh dị khiến người xem ám ảnh nhất.
Gieo rắc sợ hãi đằng sau lớp vỏ bí ẩn, giết người không gớm tay nhưng biểu cảm chẳng hề thay đổi, thật dễ hiểu vì sao mặt nạ dễ dàng ám ảnh người xem. Hãy cùng điểm qua 10 chiếc mặt nạ đáng sợ nhất mà Hollywood từng “sản sinh” ra.
1. Mặt nạ heo – Series Saw
Cùng với con rối Billy và kẻ sát nhân Jigsaw, chiếc mặt nạ heo là một trong những biểu tượng hàng đầu nhắc người ta nhớ ngay đến loạt series tra tấn đẫm máu. Trong loạt phim kinh dị dài hơi và ăn khách nhất mọi thời đại này, tên sát nhân Jigsaw cùng những học trò của hắn đã đeo mặt nạ heo khi bắt cóc nạn nhân.
Theo nhà sản xuất, chiếc mặt nạ heo thể hiện cái nhìn tăm tối của Jigsaw với thế giới – quan niệm rằng xã hội đang dần “thối rữa” như chính lớp da trên mặt nạ. Một chi tiết thú vị không kém, trong phim, năm con Heo cũng là năm Jigsaw bắt đầu sáng chế những cái bẫy, vì thế chiếc mặt nạ này còn là một hình thức hắn “tôn vinh” công trình tra tấn của mình.
2. Mặt nạ Ghostface – Series Scream
Ghostface là nhân vật phản diện trung tâm và cũng là biểu tượng của series Scream, với tạo hình được lấy cảm hứng từ bức tranh Tiếng thét nổi tiếng. Theo nhà thiết kế, biểu cảm trên chiếc mặt nạ Ghostface là của một người vừa cười vừa khóc cùng một lúc, thể hiện nhiều cảm xúc: điên loạn, tiếc nuối lẫn dọa nạt.
Kể từ khi xuất hiện trong series Scream, chiếc mặt nạ chỉ với 2 sắc thái trắng – đen đơn giản nhưng hãi hùng này đã trở thành “mạch máu” của cả series và cũng là chiếc mặt nạ bán chạy nhất nước Mỹ trong mùa Halloween.
3. Mặt nạ của bác sĩ Hannibal Lecter – The Silence of the Lambs (1991)
Nếu chỉ nhìn phớt qua, chiếc mặt nạ của bác sĩ pháp y Hannibal Lecter có phần quá sơ sài và vẫn phần nào hé lộ danh tính của kẻ thủ ác. Nhưng với những fan phim kinh dị, sự khát máu của bác sĩ ăn thịt người Hannibal lại càng sống động hơn bằng chiếc mặt nạ này.
Đây là “rào cản” duy nhất ngăn tên bác sĩ bệnh hoạn ăn tươi nuốt sống gương mặt nạn nhân. Ánh mắt cuồng loạn, vô nhân tính của diễn viên gạo cội Anthony Hopkins lồ lộ qua mặt nạ, càng làm những cảnh phim trở nên căng thẳng hơn.
4. Mặt nạ hockey – Friday 13th
Điểm thú vị của chiếc mặt nạ này là sự tương phản quá lớn giữa một vật dụng thể thao rất đỗi bình thường, vô hại và “con quái vật” đeo nó – một gã sát nhân đã biến khái niệm “cắm trại bên hồ” thành một trải nghiệm kinh hoàng.
Xuất hiện lần đầu vào phần phim thứ ba ra mắt năm 1982 chiếc mặt nạ sắt này đã đồng hành cùng Jason thủ tiêu vô số nạn nhân trong hình trình tàn sát vô tận của hắn trong những tập phim về sau. Qua mỗi phần, chiếc mặt nạ cũng dần trở nên “xuống cấp”, với những vết trầy xước, vết nứt, thể hiện chiến tích giết người khủng khiếp của chính chủ nhân.
5. Mặt nạ cười – Smiley (2012)
Điểm sáng hiếm hoi cứu vãn bộ phim kinh dị kinh phí thấp Smiley (2012) chính là chiếc mặt nạ cười. Trong bộ phim, chỉ cần gõ biểu tượng cười sung sướng trên mạng 3 lần, bạn sẽ lập tức trở thành miếng mồi béo bở của kẻ sát nhân.
Vì tên giết người ám ảnh với mặt cười, nên chiếc mặt nạ cũng phần nào thể hiện điều đó – chỉ khác là chẳng có icon hài hước nào lại kinh khủng như chiếc mặt nạ này. Gương mặt người trống rỗng, chẳng có gì ngoài cặp mắt và khuôn miệng cười rộng ngoác được may vá chằng chịt làm khán giả “phát khóc” chứ chẳng thể cười nổi.
6. Mặt nạ thỏ – Donnie Darko (2001)
Luôn nằm trong danh sách những bộ phim kinh dị tâm lý khó hiểu nhất, Donnie Darko xoay quanh chủ đề một thanh niên bị ám ảnh với ngày tàn của thế giới sau khi một con thỏ khổng lồ tự xưng là Frank xuất hiện trong cuộc sống của cậu.
Con thỏ thường xuyên có mặt trong phòng riêng, rạp chiếu phim, bám theo và xúi giục Donnie làm nhiều hành động kỳ lạ. Với hàm răng nhô ra, đôi tai như một cặp sừng, hai hốc mắt trống rỗng, xuất hiện lặng lẽ nhưng không kém phần đe dọa, Frank như một con thỏ rùng rợn đến từ một hành tinh khác. Đến kết phim, xâu chuỗi lại hàng loạt chi tiết, khán giả mới hiểu được con thỏ khổng lồ này là ai và đến từ đâu.
7. Mặt nạ vải bố – Trick ‘r’ Treat (2007)
Là bộ phim kinh dị gồm bốn câu chuyện tách biệt, điều duy nhất liên kết mạch truyện là nhân vật phản diện chính của phim – Sam. Tạo hình nhỏ thó trong bộ pajama màu cam và chiếc mặt nạ vải bố, Sam thoạt đầu có vẻ vô hại và chỉ như một cậu bé yêu thích việc trick-or-treat.
Thực chất, đây chính là một con quỷ bí ngô, làm công việc của một “cảnh sát” mùa Halloween – trừng phạt đẫm máu bất kỳ ai phá vỡ những quy tắc của lễ hội này. Gương mặt thật đằng sau lớp vải bố của Sam là một sự kết hợp “xấu kinh điển” giữa bí ngô và mặt người bị thiêu cháy xém.
8. Mặt nạ trắng – series Halloween
Mặt nạ trắng của nhân vật Michael Myer trong franchise phim gây tiếng vang từ cuối những năm 70 được thiết kế dựa trên gương mặt diễn viên nổi tiếng William Shatner. Nhiều đường nét trên gương mặt William Shatner, thủ vai Captain Kirk (Star Trek), được lựa chọn để làm chiếc mặt nạ cho gã sát thủ máu lạnh của loạt phim Halloween, nhưng phải nhiều năm sau ông mới biết chuyện này.
Chiếc mặt nạ trắng vô hồn và cặp mắt đen kịt trống rỗng thể hiện đúng thần thái của Michael Myers, kẻ đã ra tay sát hại cả gia đình mình vào đúng đêm Halloween khi chỉ mới 6 tuổi.
9. Mặt nạ búp bê – Cabin in the Woods (2012)
Búp bê luôn được khai thác với nhiều tạo hình đa dạng trong phim kinh dị. Trong bộ phim kinh dị được yêu thích này, sự xuất hiện của gia đình đeo mặt nạ búp bê là một trong những cảnh đáng nhớ nhất.
Luôn xuất hiện theo nhóm, không nói một lời, giết người bằng cách thiêu sống, đeo mặt nạ búp bê trắng toát nhưng lại mặc trang phục giống hệt một gia đình công chức bình thường. chúng hẳn là những sinh vật kinh dị nhất trong căn hầm chứa đầy quái thú xuất hiện lúc gần cuối phim. Tạo hình của The Dolls cũng được cho là lấy cảm hứng từ nhóm 3 kẻ sát nhân đeo mặt nạ búp bê trong bộ phim kinh dị ăn khách The Strangers (2008).
10. Mặt nạ hề – It (1990, 2017)
Là một trong những nhân vật tà ác hấp dẫn nhất mà ông vua tiểu thuyết kinh dị Stephen King từng viết nên, It (hay chú hề Pennywise) có một tiểu sử vô cùng đặc biệt. Không chỉ là một sinh vật ngoài không gian cổ xưa đã tồn tại hàng triệu năm, It còn có khả năng biến hóa để săn đuổi trẻ em, khai thác những nỗi sợ rồi giết hại.
Theo It, thịt trẻ con khi sợ hãi ăn sẽ “sướng miệng” hơn nhiều. Đến Trái Đất, It chọn cho mình lốt của một chú hề. Chân dung của It trong bộ phim cùng tên năm 1990 chính là ác mộng đích thực của những người mắc hội chứng sợ hề: Mặt trắng bệch, môi dày đỏ cùng mớ tóc xù cũng đỏ rực.
Sau 26 năm, It hiện đang được remake dưới tay đạo diễn Mama, Andrés Mutchietti. Bộ phim vừa tung ra tạo hình đầu tiên của It – trong đó, hề Pennywise trông hết sức hiểm ác, bệnh hoạn và mang dáng vẻ của kẻ xem mọi thứ là một trò chơi.
Theo Kênh 14