Chơi game không hẳn chỉ là để giải trí, và Dota 2 là game có thể mang tới mọi cung bậc cảm xúc cho người chơi. Khi vui thì khí thế ngút trời nhưng khi buồn, thậm chí tức giận thì không còn gì để nói. Vậy điều gì lại đang khiến các bạn trở nên như vậy?
Đồng đội blame, đối phương toxic
Khi mà Dota 2 ngày càng trở nên tryhard thì người chơi cũng trở nên khó tính hơn rất nhiều. Việc đổ lỗi, trách móc tới từ đồng đội, đối phương thì khiêu khích,… đang xuất hiện dần như cơm bữa. Điểm chung của điều này là nạn nhân đều phải nhận những lời lăng mạ, chửi rủa dù vô lý hay có lý đến từ 2 phía, gây mất tập trung và tinh thần, tạo hệ quả không hay tới game đấu cũng như bản thân.
Thời điểm phải nhận quá nhiều sự blame sẽ dẫn tới việc sự ức chế bị tích tụ, và thường khiến chúng ta “xả” sang 1 “nạn nhân” xấu số khác. Câu chuyện cứ thế diễn ra không hồi kết…
Đồng đội feed, throw
Họ bị người khác giành role, giành lane, tranh farm, trong khi bạn chỉ là 1 support nhỏ bé hoàn toàn vô can? Không ăn thua vì kết cục vẫn sẽ là 1 trận thua giành cho bạn khi họ đâm thẳng ra mid và feed vô tội vạ. Nghe có vẻ không công bằng nhưng đời là vậy đó. Thi thoảng lắm thì có vài game bạn và những người còn lại gánh được team tới chiến thắng, nhưng trường hợp đó khá hiếm.
Hay khi team bạn thi đấu cực kì tốt và rất gần với chiến thắng, nhưng chỉ 1 cái sẩy chân, 1 pha throw bất cẩn của đồng đội cũng có thể khiến kết cục đảo lộn. Hẳn chẳng ai muốn công sức tryhard cả tiếng đồng hồ của mình bị hủy hoại chỉ vì 1 sai lầm của người khác. Và khi đó, nỗi ám ảnh blame lại bắt đầu…
Đồng đội… tham lam
Lại là đồng đội, có vẻ Dota 2 là 1 game… khá nguy hiểm. Nhiều người không nhận thức được tầm quan trọng của teamwork và quên mất rằng đây không phải là game Solo. Vì vài lý do mà họ không thể (hay không muốn) giúp đỡ bạn, 4 người vào game liền pick core, nhưng luôn yêu cầu bạn – nạn nhân còn lại phải hỗ trợ họ tối đa, từ courier – wards – cover – roam, khi không nhận được điều họ muốn thì lập tức trở nên toxic?
“Dream team” của làng pubs game có lẽ là 3 core + 2 jungler. Thân ai người nấy lo.
Disconnect
Nỗi ám ảnh bên ngoài game chính là chất lượng đường truyền. Từng có 1 thời servers của Valve là ác mộng với mọi game thủ, cảm giác khi chỉ còn cách 25MMR vài phút nữa thôi thì đùng 1 cái disconnect, đã mất công tryhard lại còn ăn abandon, -25MMR…
Hiện tượng lag hay ping cao vẫn còn hiện hữu rất thường xuyên dù Gabe rất cố gắng cải thiện điều này, cảm giác phải chơi trong điều kiện đó là cực kì khó chịu và khiến chúng ta phản ứng tiêu cực tới game đấu.
Với tình trạng cáp quang AAG mềm như bún tại “1 số nước” như hiện nay thì các game thủ vẫn sẽ phải sống trong cảnh chơi game lag, giật dù tiền net vẫn đóng đều hàng tháng không thiếu 1 xu.
Losing streak
Trong 1 ngày đẹp trời và rảnh rỗi, bạn tập trung toàn thời gian vào trò chơi mình yêu thích, nhưng kết quả bạn nhận lại chỉ là những trận thua liên tiếp? Nhiều người tỉnh táo thì họ nghỉ ngơi chờ sang hôm khác chơi sau 4-5 game thua, nhưng có những thanh niên càng thua càng cay cú, mong muốn gỡ gạc lại 1 trận thắng danh dự trong ngày, và cứ vậy dần tới 10, 12, 15 game thua liên tiếp…
Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm tư tình cảm của bạn ngày hôm đó, có thể tới hôm sau nữa. Nhưng chưa đáng sợ bằng cái “bờ đê” dành cho những con người đầy dũng cảm và đam mê…
Chung quy thì Dota 2 là 1 trò chơi, đã là trò chơi thì giá trị chân thực nhất là mang lại sự thoải mái, giải trí cho người tham gia. Có lẽ ai trong số chúng ta cũng trải qua những điều trên rồi, và cho dù còn rất nhiều những lý do khác khiến bạn rage theo cách riêng của mình, thì cũng đừng quá khắt khe và hãy nhìn vào những mặt tích cực nhé!
Theo ESV