Có khi nào bạn thắc mắc rằng, liệu Captain American : Civil War phiên bản truyện tranh có khác gì với phim ảnh không ? Bài viết dưới sẽ đề cập đến vấn đề đó.
Captain American : Civil War có thể nói chính là cái tên hot nhất trong thời điểm hiện tại của làng điện ảnh thế giới, và hầu hết chúng ta cũng đã nắm rõ được rằng bởi nhiều lý do mà bộ phim bom tấn này mang rất nhiều nét khác biệt so với nguyên tác truyện tranh (như đa phần các bộ phim về siêu anh hùng khác của Marvel).
Sự khác biệt này chủ yếu đến từ việc Captain America: Civil War sẽ là bộ phim mở đầu cho Phase 3 của “vũ trụ điện ảnh Marvel” và cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kiện diễn ra trong Avengers: Infinity War, chính vì vậy mà mạch cốt truyện của phim gần như được phát triển một cách độc lập chứ không hoàn toàn bám sát Comic, bên cạnh đó thì việc hạn chế về bản quyền nhân vật (dành cho những ai chưa biết thì trước đây Marvel đã từng phải “bán tống bán tháo” rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của mình như Spider Man, X-Men, Fantastic Four… để thoát khỏi nguy cơ phá sản) nên Nhà sản xuất cũng đành lựa cơm gắp cá và biên tập kịch bản sao cho phù hợp với điều kiện sẵn có. Sau đây, hãy cùng tiếp tục điểm qua những nét khác biệt nổi bật nhất giữa 2 phiên bản truyện tranh và điện ảnh của Captain America: Civil War.
Lưu ý: Không giống như phần 1, phần 2 này sẽ đào sâu hơn về sự khác biệt trong nội dung của 2 tác phẩm, và vì vậy sẽ không thể tránh khỏi việc tiết lộ trước một số nội dung phim.
Baron Zemo
Trong phim, Baron Zemo được biết đến như nhân vật phản diện chính và là nguyên nhân chính gây ra cuộc nội chiến của những siêu anh hùng. Tuy nhiên thì lai lịch của hắn trong phiên bản điện ảnh này lại khá đơn giản: Là một cựu binh kỳ cựu của quân đội Sokovia và tìm cách báo thù nhóm Avengers vì lý do cuộc chiến của họ với Ultron đã gây ra cái chết của cả gia đình mình. Tuy nhiên thì với những biểu hiện của hắn khi bị bắt giữ bởi Black Panther và được giao lại cho chính phủ Mỹ thì mục đích thực sự của tên ác nhân này có vẻ như không hề đơn giản và vẫn còn là một ẩn số.
Trong truyện thì cái tên Baron Zemo thực chất là một danh hiệu được kế thừa từ đời này qua đời khác (Baron có nghĩa là Nam tước), và hai “Baron Zemo” nổi tiếng nhất là Heinrich Zemo – kẻ đối đầu với Captain American trong thời kỳ thế chiến thứ 2 (hắn cũng là nguyên nhân khiến Bucky và Captain gặp nạn, Bucky sau đó mất tích còn Captain thì bị đóng băng như đã biết) và Helmut Zemo, người kế vị cha hắn trong giai đoạn sau thế chiến, và có vẻ như cũng chính là hình mẫu nguyên bản của Baron Zemo trong phiên bản điện ảnh.
Ngoài ra thì trong truyện tranh, Baron Zemo cũng không may mắn có được vẻ ngoài “đẹp trai” như những gì mà nam tài tử Daniel Bruhl đã đem lại cho nhân vật này, cả Heinrich và Helmut đều phải mang mặt nạ do khuôn mặt đã bị hủy hoại nghiêm trọng trong quá trình thực hiện các nghiên cứu khoa học nguy hiểm. Một điều thú vị hơn nữa là trong truyện tranh, Baron Zemo sau khi kết thúc sự kiện Civil War đã lãnh đạo nhóm Thunderbolts – Một tập hợp những ác nhân đóng giả Siêu anh hùng, với mục đích chiếm lòng tin của người dân Mỹ phục vụ cho những kế hoạch xấu xa. Tuy nhiên thì không biết có phải do “diễn quá sâu” hay không mà sau đó nhóm “Siêu anh hùng” này đã thỏa thuận phục vụ cho Chính phủ Mỹ và…hoàn lương thực sự.
Spider Man
Trong phim thì Spider Man chỉ là một cậu nhóc trung học nhí nhố, và việc Peter Parker gia nhập phe Iron Man trong cuộc nội chiến cũng hết sức đơn giản: Một học bổng toàn phần của tập đoàn Stark về nghiên cứu khoa học dành cho cậu, trong thời điểm mà điều kiện kinh tế của dì May và bác Ben không thể đáp ứng được nguyện vọng này.
Còn ở phiên bản Comic thì Spider Man đã là một người trưởng thành và lý do mà anh đồng ý bộ luật Kiểm soát Siêu anh hùng cũng sâu xa và phức tạp hơn. Ban đầu thì Peter Paker cũng được Tony Stark thuyết phục rằng việc công khai danh tính sẽ giúp anh trở nên nổi tiếng và có thể gặp nhiều thuận lợi hơn cả trong cuộc sống đời thường lẫn công việc “cứu nhân độ thế” của mình, và đi kèm với lời cam kết này dĩ nhiên là một số tiền khá lớn mà Iron Man dành ra để hỗ trợ cho những Siêu anh hùng đường phố như Spider Man.
Tuy nhiên thì sau này khi chứng kiến việc Chính phủ Mỹ đối xử với những Siêu anh hùng không khác gì những công cụ biết nói để phục vụ cho những tham vọng của họ, Peter đã lựa chọn quay về với phe Captain America và anh suýt phải trả giá bằng cả mạng sống của mình cho quyết định này khi bị ám sát bởi đám lính đánh thuê của Norman Osborn.
Tony Stark
Có một thực tế là sau khi bộ phim Captain America: Civil War được công chiếu, nhân vật ăn nhiều gạch đá nhất trong phim lại chính là…Steve Rogers. Nguyên nhân sâu xa của điều này cũng đến từ việc nhân vật Tony Stark của Robert Downey Jr. nhận được khá nhiều mối thiện cảm của người xem. Nhân vật Iron Man trong phim vẫn được khắc họa với hình ảnh quen thuộc của một gã tỉ phú dân chơi phớt đời, ngạo mạn, nhưng không còn hành động tùy tiện và dựa theo cảm hứng của bản thân mình như trước đây.
Tony Stark bị ám ảnh nặng nề bởi hậu quả mà nhóm Avengers của anh gây ra đối với dân thường vô tội, và mọi hành động của anh trong phim (dù là sai lầm) đều mang một mục đích tốt là cứu vãn và khắc phục hậu quả của cả nhóm gây ra. Và Steve Rogers thì lại khiến khán giả mất thiện cảm vì cho rằng “ông cụ” quá bảo thủ và không chịu đón nhận sự thiện ý từ người bạn của mình.
Tuy nhiên thì nếu như những fan của Iron Man phiên bản điện ảnh được chứng kiến phiên bản gốc trong truyện tranh, thì có lẽ họ sẽ phải rất thất vọng. Tony Stark phiên bản Comic vẫn bị cắn rứt lương tâm bởi những thảm họa mà nhóm Avengers gây ra, tuy nhiên thì cái cách mà anh ta khắc phục những hậu quả đó lại khiến cho người đọc cảm thấy rằng gã tỉ phú này dường như đang cố “san sẻ” gánh nặng mà sự hối hận của mình mang đến lên đầu những Siêu anh hùng khác. Anh ta kiểm soát chính những đồng đội của mình theo chỉ thị của chính phủ dù biết rõ hậu quả của hành động này, chỉ để nhằm mục đích xoa dịu sự ám ảnh tội lỗi của bản thân mình, bằng mọi phương thức, thậm chí là với những thủ đoạn tàn bạo và vô tình nhất.
Dĩ nhiên là điểm khác biệt về tính cách của Tony Stark giữa hai phiên bản truyện tranh và điện ảnh đều không rõ ràng và mang nặng yếu tố cảm tính, nhưng những sự phản hồi từ khán giả về 2 nhân vật này cũng phần nào cho thấy rõ được điểm khác biệt trong việc xây dựng hình tượng nhân vật giữa điện ảnh và truyện tranh.
Cái kết của Civil War
Có lẽ nhiều fan của Marvel Comic khi nhắc đến điều này sẽ không khỏi “rủa thầm” tác giả của bộ truyện. Bởi một lẽ kết cục của cuộc nội chiến siêu anh hùng phiên bản truyện tranh không hề được giải quyết một cách êm thấm và ổn thỏa như trong phim. Nếu như trong bản điện ảnh, kẻ phản diện Crossbones dễ dàng bị hạ gục bởi nhóm Avengers (Tuy nhiên thì cái chết của hắn cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến), thì ở phiên bản truyện tranh, gã sát thủ này còn đóng một vai trò quan trọng hơn.
Trong Comic, phe Captain America vẫn là những người thắng thế trong cuộc chiến với phe Iron Man, tuy nhiên cuối cùng, nhận ra những hậu quả nặng nề mà cuộc chiến này mang lại, Steve Rogers đã quyết định đầu hàng chính phủ và đồng ý với bộ luật Siêu anh hùng. Tuy nhiên thì đúng vào giờ phút cuối cùng, người anh hùng vĩ đại của nước Mỹ đã ngã gục bởi phát đạn bắn tỉa của Crossbones. Steve Rogers hi sinh, và người bạn thân nhất của anh, Bucky Barnes, chính thức thay thế Steve để trở thành Captain America tiếp theo.
Một thời gian dài trước khi bộ phim được ra mắt, sự kiện Captain America bị ám sát cũng đã được đồn đoán sẽ xuất hiện, đúng vào thời điểm mà nhân vật Crossbones được hé lộ và anh chàng diễn viên Chris Evans cũng sắp sửa hết hạn hợp đồng với Marvel Studio, một viễn cảnh “đẫm nước mắt” về kết cục của người hùng nước Mỹ đã khiến rất nhiều fan hâm mộ lo sợ. Nhưng thật may mắn khi các Nhà làm phim đã không để kết cục này xảy ra. Sau khi hóa giải được hiểu lầm với nhau, Bucky và Steve đã nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ Black Panther, và quốc gia Wakanda tạm thời trở thành nơi trú ẩn của những thành viên phe Captain, trước khi một cuộc đại chiến mới sắp sửa được nổ ra trong The Avengers: Infinity Wars.
Nguồn : game4v