Trong linh kiện của phần cứng máy tính, để hiểu rõ về các linh kiện như Main/CPU/RAM… thì người dùng chịu khó bỏ một chút thời gian ra tìm hiểu, sẽ biết những điều rất cơ bản như Main đi với CPU nào thì hợp lý, cần bao nhiêu RAM để chạy cho nhu cầu.
Tuy nhiên, có một thứ linh kiện còn lại mà 95% người dùng rất mơ hồ, không biết nên chọn linh kiện này như thế nào trong hằng hà sa số các thương hiệu trên thị trường. Đó chính là PSU – bộ nguồn máy tính.
Quay trở lại vấn đề, như rất nhiều người khi đi mua máy tính, họ không chắc chắn rằng mua một bộ nguồn bao nhiêu là đủ, cũng như thông số trên một bộ nguồn như thế nào, chuẩn Plus Bronze khác với Gold hay Platinum ra sao. Đặc biệt là điều phân vân đó càng nhân lên khi hệ thống họ sử dụng thêm card đồ họa, vốn là thứ ăn điện nhất trong một hệ thống máy tính.
Mặc dù trên website của các nhà sản xuất, đều có khuyến cáo VGA nào đi với PSU công suất bao nhiêu. Nhưng khuyến cáo này rất chung chung và chưa phản ánh đúng thực tế, vì gần như toàn bộ các linh kiện máy tính ở hiện tại chủ yếu tận dụng đường 12V của PSU. Một ví dụ các bạn sẽ thấy :
Ở trên là bảng công suất yêu cầu PSU tối thiểu là 600W của Gigabyte R9 290 đối với nguồn công suất thực. Nhưng thực tế sẽ nảy sinh ra 2 trường hợp :
- PSU có chất lượng linh kiện tốt, mức công suất tuy nhỏ hơn khuyến cáo nhưng vẫn DƯ SỨC tải cấu hình có R9 290, kể cả ép xung. Ví dụ như Seasonic S12II 520 rất nổi đình đám trên các diễn đàn công nghệ do giá phù hợp mà hiệu năng đem lại cực cao.
- PSU dán mác 600W, mặc dù là công suất thực nhưng chất lượng linh kiện không cao, đường 12V cho công suất thấp. Dẫn tới chạy lâu dài ảnh hưởng tới chất lượng và độ ổn định của các linh kiện khác như VGA, HDD, Main…
Vậy làm sao để chọn một PSU phù hơp với bản thân cả về nhu cầu lẫn túi tiền trong hằng hà sa số PSU có mặt trên thị trường?
PSU được xếp hạng như thế nào ?
Hiện tại, PSU được phân thành bảng xếp hạng với 5 thứ hạng, tương xứng với chất lượng và thiết kế của PSU :
- Tier 1 ( xuất sắc ) : Là loại PSU có chất lượng tốt nhất, cung cấp điện năng một cách đầy đủ nhất, rất rất tuyệt vời và thích hợp cho việc ép xung cao, hệ thống siêu cao cấp, và thậm chí dùng để khoe ra ngoài cho thiên hạ biết. Dòng PSU Tier 1 có thể tóm tắt ở một câu : Tốt nhất của tốt nhất.
- Tier 2a ( tốt ): Là loại PSU mang lại công suất với chất lượng tốt và độ tin cậy tuyệt vời. Khuyến khích cho người dùng sử dụng trong các hệ thống mới, sử dụng được 24/7/365 mà ngân sách ở mức phù hợp. Có thể nói đây là loại PSU hoàn hảo dành cho những hệ thống tiêu tốn năng lượng nhưng chi phí bỏ ra ở mức tốt.
- Tier 2b ( hợp lý ): Linh kiện thiết kế tương tự đối với dòng Tier 2a, nhưng điện năng đầu ra kém hơn một chút mặc dù vẫn tốt. Với PSU này thì thích hợp với các hệ thống không có nhu cầu chạy 24/7/365.
- Tier 3 ( chấp nhận được ): Là bộ nguồn đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về chất lượng điện năng đầu ra theo chuẩn ATX, nhưng so với hai dòng trên thì những bộ nguồn ở Tier 3 này kém hơn về chất lượng điện năng ở đầu ra. Các PSU này đáp ứng cho các nhu cầu không quá cao về đồ họa hoặc gaming hay ép xung, và không có lý do gì để thay thế nếu nó vẫn đáp ứng được hết cho nhu cầu sử dụng với độ ổn định tốt.
- Tier 4 ( tệ ) : Linh kiện chế tạo có thể có một số vấn đề, chẳng hạn như mất ổn định điện năng ở nhiệt độ cao, hoặc là không đáp ứng được tiêu chuẩn kĩ thuật về điện năng của chuẩn ATX. Không được khuyến khích mua ngoại trừ trong những tình huống mà kinh tế không cho phép, hoặc chỉ sử dụng trong thời gian không quá dài.
- Tier 5 ( đồ bỏ đi ) : Là những bộ nguồn được khuyên KHÔNG NÊN DÙNG. Nếu bạn đang sở hữu những bộ nguồn này thì nên xem xét thay thế ngay lập tức hoặc càng sớm càng tốt. Vì những bộ nguồn này có thể làm hỏng các linh kiện trong hệ thống máy tính của bạn.
Chuyển trang để xem thêm