Có một số dạng nhân vật xuất hiện trong anime/manga là khiến người khác phải ghét ngay lập tức vì hành vị hay lời nói của họ.
Chắc hẳn khi coi anime hay đọc 1 bộ manga nào đó bạn sẽ gặp được ít nhất 1 nhân vật khiến bạn cảm thấy khó chịu và gây ức chế, thậm chí là bạn chỉ muốn ngay lập tức có mặt trong tác phẩm để tế sống luôn nhân vật ấy.
Vậy hôm nay hãy cùng mình khám phá về những kiểu nhân vật gây khó chịu và ức chế cho người xem trong làng anime/manga này nhé!
Kiểu nhân vật “trà xanh”
Nhắc tới “trà xanh” thì chắc không chỉ trong phim mà ngay cả ngoài đời ai ai cũng đều ghét và không ưa nổi những con người có tính cách như này đúng không?! Những người có tính “trà xanh” thường sẽ rất thảo mai, tỏ ra mình rất thân thiện và hòa đồng nhưng trên thực tế thì họ có những suy nghĩ rất ích kỷ tới mức khó hiểu, luôn muốn mình là trung tâm của sự chú ý và có tài năng diễn xuất còn hơn cả các diễn viên điện ảnh Hollywood. Có lẽ không chỉ ở trong anime/manga mà ngay cả ngoài đời bạn cũng đã từng tiếp xúc hoặc gặp qua những người có tính “trà xanh” như này rồi nhỉ?!
Mà khi nói tới nhân vật “trà xanh” thì mình liền nghĩ ngay tới Kawai Miki trong Dáng Hình Thanh Âm và Myne trong Anh Hùng Khiên. Đây cũng chính là những nhân vật bị ghét nhất nhì trong làng anime/manga khi mà họ luôn tỏ ra mình là người rất tốt bụng và tử tế, tính cách thì nhẹ nhàng nhưng thực tế thì lại là 1 con người đạo đức giả, dối trá và ích kỷ. Họ luôn tỏ ra mình là nạn nhân và không bao giờ thừa nhận những khuyết điểm của bản thân và sẽ làm mọi thứ để đạt được mục đích của mình. Nếu chỉ là 2 mặt thì có lẽ sẽ không bị ghét như thế, nhưng chính vì những hành động sai trái ấy của những nhân vật này không xuất phát từ nỗi đau mà là từ lối suy nghĩ ích kỷ quá mức của họ khiến người xem không tài nào có thể đồng cảm được và càng ngày càng ghét họ hơn, tới mức muốn tế sống luôn những kiểu nhân vật “hãm” như thế này.
Kiểu nhân vật quá ngốc nghếch
Nếu chỉ ngốc ở mức độ vừa phải thì người xem còn cảm thấy nhân vật ấy thật dễ thương và hài hước, nhưng nếu ngốc ở 1 level quá cao thì sẽ trở nên hơi “ố dề” và gây khó chịu cho người xem. Những kiểu nhân vật như này thường được xây dựng với vai trò mang lại tiếng cười cho khán giả, nhưng đôi khi hành động ngốc quá mức của họ khiến người xem cảm thấy vô cùng ức chế và khó chịu vì ngay cả những vấn đề cơ bản và rất dễ giải quyết thì đối với những kiểu nhân vật này lại rất khó khăn tới mức họ phải vắt óc suy nghĩ để tìm cách xử lý. Đôi khi những hành động thiếu suy nghĩ của kiểu nhân vật này đã khiến cho những người xung quanh phải gồng gánh họ như những quả tạ. Điều này đối với người xem, đặc biệt những người kỹ tính sẽ thấy rất khó chịu và chỉ muốn lôi đầu nhân vật đó ra để mắng cho 1 trận thoả đáng.
Nếu những tình tiết ấy thường xuyên xuất hiện trong anime và manga thì sẽ khiến cho người xem cảm thấy bị vô nghĩa, thừa thãi. Ví dụ điển hình cho kiểu nhân vật này có thể là Mukai Naoya trong Kanojo Mo Kanojo, một người luôn hành động theo cảm xúc của bản thân một cách thiếu suy nghĩ, không thấu hiểu cho những người xung quanh và bắt họ phải chiều theo ý mình khiến người xem cảm thấy khó chịu và không thấm được những hành động và trò đùa kém duyên của những nhân vật này.
Kiểu nhân vật thiếu quyết đoán
Đây là kiểu nhân vật luôn khiến người xem phải bực mình vì mãi không đưa ra được quyết định cho các tình huống. Họ lúc nào cũng lo sợ, đưa đẩy, khóc lóc và trong đầu thì lúc nào cũng muốn bám vào người khác hoặc là bỏ chạy. Nếu các nhân vật chính mà có tính cách như vậy thì sẽ bị chỉ trích thậm tệ hơn, thậm chí là khán giả sẽ quay lưng không muốn theo dõi tiếp bộ anime/manga ấy nữa vì tần suất người xem phải chứng kiến cảnh những nhân vật này lưỡng lự sẽ rất nhiều, đồng nghĩa sự khó chịu của người xem cũng sẽ tăng theo.
Kiểu nhân vật này thường không xấu tính mà đa số là rất tốt bụng, thậm chí là quá tốt bụng tới mức không thể đưa ra được quyết định nào khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ điển hình cho kiểu nhân vật này có thể kể đến là Amano Yukiteru trong Mirai Nikki, một người lúc nào cũng chỉ biết khóc lóc và không thể làm được gì, không quyết định được gì khi đang ở trong 1 thế giới loạn lạc và luôn chỉ biết núp sau Yuno. Nếu ở đầu tác phẩm thì tính cách như vậy của Yukiteru có thể chấp nhận được, nhưng xuyên suốt bộ anime tính cách ấy vẫn như thế và không có gì thay đổi khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và không còn muốn xem tiếp bộ anime/manga này nữa. Cũng may Yuno và các nhân vật phụ khác đã cứu cánh cho bộ này chứ không chắc nó cũng toang và không một ai muốn xem nó nữa.
Kiểu nhân vật quá vô tới mức ích kỷ
Tuy không có bản chất xấu tính hay độc ác, mà chỉ đơn giản là họ không suy nghĩ quá nhiều, hành động thì theo bản năng và ưu tiên nhu cầu của bản thân lên hàng đầu. Nhưng nếu hành động này ít ít thì có thể gọi là vô tư và trẻ con, nhưng đôi khi những kiểu nhân vật này lại bắt người khác phải làm theo ý định của họ chỉ vì muốn phục vụ cho mục đích của bản thân. Nếu người xem dễ tính thì sẽ cho rằng kiểu nhân vật này hài hước và đáng yêu, nhưng nếu là người nhạy cảm và khó tính thì sẽ thấy đây là kiểu nhân vật vô tư tới mức vô tâm và ích kỷ.
Kiểu nhân vật này có thể kể đến là Haruhi trong Suzumiya Haruhi, một cô nàng vô tư tới mức ích kỷ và không hề quan tâm tới cảm xúc của những người xung quanh. Cô luôn bắt ép mọi người tham gia những hành động và kế hoạch của mình mặc cho họ có thích hay không, thậm chí tự ý kéo dài ngày nghỉ hè mặc kệ những ảnh hưởng to lớn của nó chỉ vì bản thân cô nàng muốn thế. Chính điều này đã khiến Haruhi được liệt kê vào top nhân vật bị ghét nhiều nhất trong làng anime/manga.
Có thể bạn muốn xem thêm: Cosplay Yor Forger của Akase Akari lại hiền đến lạ thường
Kiểu nhân vật không làm mà muốn có ăn
Đây là kiểu nhân vật ít khi bỏ công sức ra, thậm chí là không giúp ích được gì cả nhưng vẫn luôn nhận hết mọi công trạng về mình và thường hay chém gió để tâng bốc bản thân. Kiểu nhân vật này được tạo ra với mục đích gây độ hài hước và châm biếm, nhưng đôi khi lạm dụng quá và đẩy hành động “không làm mà muốn có ăn” quá đà khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và đâm ra ghét cay ghét đắng những kiểu nhân vật này.
Điển hình như nhân vật Satan trong Dragon Ball hay Buggy trong One Piece. Mới đầu xuất hiện thì người xem sẽ thấy đây là kiểu nhân vật tạo nên độ hài hước cho tác phẩm và rất thích kiểu nhân vật này, nhưng chuyện sẽ không có gì nếu tần suất xuất hiện của kiểu nhân vật này không quá nhiều. Chỉ là 1 nhân vật phụ nhưng lại được tác giả lạm dụng tới mức cho xuất hiện thường xuyên thậm chí là được nâng tầm quan trọng khiến người xem cảm thấy khó ưa và ghét cay đắng kiểu nhân vật ấy, thậm chí họ còn cảm thấy tác phẩm mình đang coi bị giảm đi độ nghiêm túc đáng có khi mà để cho 1 kẻ bất tài chỉ biết khoác lác trở nên quan trọng và mạnh mẽ theo 1 cách ảo ma và vô lý.