Họ ít bạn hơn, và gần như những người thông minh đều khá lập dị.
Các nhà tâm lý học mới đây đã đưa ra lời giải vì sao người thông mình thường có ít bạn hơn người thường.
Thời đại nào cũng vậy, việc kết giao nhiều bạn bè, tăng thêm những mối quan hệ có thể nói là lợi thế vô cùng lớn. Tứ hải giai huynh đệ, ta giúp người, người giúp ta, những mối quan hệ đôi bên cùng có lợi chính là chìa khoá để xã hội phát triển được như ngày nay.
Như vậy cũng có nghĩa rằng việc có ít mối quan hệ xã hội là một thiệt thòi đáng kể. Có điều, mọi chuyện sẽ khác nếu như bạn là người thông minh, ít nhất là theo nghiên cứu này!
Đây là nghiên cứu được thực hiện để trả lời câu hỏi: Chúng ta có thực sự cần đến bạn bè và các mối quan hệ để trở nên hạnh phúc? Nghiên cứu do các nhà khoa học Anh và Singapore khởi xướng, trên 15.000 người trong độ tuổi từ 18-28.
Các chuyên gia đã đưa ra tới 3 kết luận. Đầu tiên, trái với suy nghĩ thường gặp, những người sống trong khu vực nhộn nhịp, đông đúc thường ít hạnh phúc hơn. Tiếp theo, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc nếu được trò chuyện với một người tâm đầu ý hợp.
Và cuối cùng, những người có IQ cao sẽ nằm ngoài 2 kết luận trên.
Theo 2 nhà tâm lý học Satoshi Kanazawa tại Khoa Kinh tế ĐH London (Anh), và Norman Li – ĐH quản lý Singapore, những người có IQ càng cao sẽ ít cần phải giao tiếp với người ngoài. Họ dường như bất mãn với cuộc sống nếu buộc phải giao tiếp quá nhiều. Và tất nhiên, đây cũng không phải nhân vật phù hợp để… quẩy cùng, vì thường khá lập dị.
Những người thông minh có rất ít bạn, và họ hạnh phúc với điều đó
Các chuyên gia tâm lý cho biết bộ não của những người có IQ cao hoạt động khá… dị, và cách họ giao tiếp cũng khác so với người thường. Khi giao tiếp không có sự thấu hiểu giữa 2 bên, cách duy nhất để tốt cho cả 2 là… không nói nữa.
Đối với những người có trí tuệ cao hơn người thường, họ coi hoạt động xã hội là cực hình. Bằng chứng có thể thấy ngay từ những thiên tài trong lịch sử: Albert Einstein, Isaac Newton, Leonardo da Vinci… tất cả đều là những người cô độc.
Họ thích sống cho bản thân, nghĩ về những gì quan trọng với chính mình, thay vì quan tâm đến những mối quan hệ xung quanh, và họ hạnh phúc với điều đó.
Nguyên nhân xuất phát từ quá khứ xa xôi…
Có một lý thuyết mang tên “Lý thuyết hạnh phúc trên thảo nguyên”, cho rằng con người chúng ta không chỉ là một tổ hợp gene liên kết với nhau, mà còn gồm những ký ức từ tổ tiên xa xưa. Cách sống của tổ tiên chúng ta ảnh hưởng đến con người ngày nay, trong đó có cả cách con người thấy hạnh phúc.
Tức là về cơ bản, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc trong tình huống, hoàn cảnh giống với tổ tiên đã thực hiện hàng ngàn năm trước.
Thời kỳ đó, con người chưa đông như bây giờ, và tổ tiên chúng ta đã phải dựa vào nhau, quây quần thành một cộng đồng để tồn tại.
Còn ngày nay, dù sống trong những thành phố lớn, nơi mỗi mét vuông vài người chen chân đứng, con người lại cô độc hơn. Xã hội sống vội, con người ít quan tâm đến nhau, và chúng ta thì chưa quen với điều đó.
Tuy vậy, người thông minh thì khác! IQ cao cho phép những người này thích nghi với điều kiện mới. Trong quá trình tiến hoá, bằng cách nào đó họ đã có thể lấp đầy sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại. Đó chính là lý do vì sao những người thông minh thường thích sống độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ ai, hoặc chỉ cần những mối quan hệ thân cận nhất là được.
Tóm lại, việc có quan hệ rộng đúng là một lợi thế, nhưng điều này là không bắt buộc, ít nhất là với những người thông minh.
Nguồn: Bright Side
Theo Oct / Trí Thức Trẻ