Trong phòng chờ của một bệnh viện tâm thần ở Hà Nội, Đặng Duy, 23 tuổi, đang ngồi cùng bố. Duy ở đây để điều trị chứng tâm thần do chơi game nhiều năm.
Đặng Duy, 23 tuổi, người Hà Nội, nhìn vô hồn, cử chỉ rụt rè, nói chậm từng câu đứt quãng. Duy kể, cậu mê game Dota 2 được 5 năm rồi.
Duy dáng mập mạp, cao khoảng 1m65, da trắng trẻo, người bủng beo theo đúng kiểu ít hoạt động thể thao. Với cử chỉ chậm chạp trong cả di chuyển lẫn hành động, Duy phải có người đỡ kèm mỗi khi đi lại.
Không còn ánh mắt tinh anh của một thanh niên đang ở độ tuổi đẹp nhất, cái nhìn của Duy mang vẻ rụt rè và đôi chút vô hồn. Duy vẫn có thể nói chuyện bình thường nhưng cậu hay hướng mặt về góc xa, nói chậm từng câu đứt quãng và không dám nhìn thẳng vào người đối diện. Trong suốt buổi gặp, những ngón tay tròn lẳn của Duy luôn run run một cách không tự chủ. Trước đây, những ngón tay này “làm việc” không mệt mỏi trên bàn phím mỗi ngày. “Em vào đây do nghiện game. Em chơi Dota 2“, Duy nói từng câu chậm chạp nhưng rõ ràng.
Là con trai duy nhất trong gia đình, Duy được bố mẹ khá chiều chuộng và thoải mái trong cách quản lý. Trong suốt 5 năm nghiện game, bố mẹ cậu đã không để ý quá nhiều mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Mỗi ngày Duy chơi khoảng 5 tiếng, ngay sau khi thức dậy khá muộn vào buổi sáng bởi thường xuyên thức đêm xem các giải đấu. Game thủ này thừa nhận việc thức đêm thời gian dài đã ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của bản thân, đặc biệt với tần suất ngày càng dày đặc của các giải đấu Dota 2 quốc tế.Nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội, sau khi học hết cấp 3, game thủ này thi vào Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội. Đó cũng là quãng thời gian cậu tiếp xúc nhiều với máy tính và bắt đầu chơi game. Sau khi tốt nghiệp, không chủ động đi tìm việc làm, Duy tiếp tục ở nhà “cày” game online. Duy chỉ chơi ở nhà một mình, cậu không giao tiếp với bạn bè hay ra quán Internet.
2 tháng trước khi vào viện, Duy đã tự bỏ được game. Tuy nhiên, bố cậu cho biết lúc nào con mình cũng “như có người điều khiển trong đầu, hay gào ầm, kêu ầm rồi nói lung tung“. Năm ngoái, gia đình từng lên viện lấy thuốc về điều trị nhưng không đỡ. Gần đây, khi biểu hiện bất ổn của Duy tái phát, bố mẹ đã phải đưa cậu lên nằm nội trú với hi vọng có thể chữa dứt điểm.
“Một phần do game, một phần do em sống quá khép kín và tự kỷ, không giao tiếp với mọi người xung quanh”, Duy nói. Tuy nhiên, cậu vẫn khẳng định bản thân không nghiện game mà chỉ “hay” xem thi đấu.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết, có tháng, nơi đây tiếp nhận cả chục bệnh nhân vào điều trị nghiện game, Internet. Đa số các trường hợp đều có dấu hiệu nặng hoặc bệnh nhân đã nghiện lâu năm, gia đình không còn biện pháp nào xử lý mới chịu đưa tới. Hầu hết bệnh nhân lúc đến đều gầy còm, ốm yếu, có người da bọc xương.
“Trước đây có một thanh niên 28 tuổi, học rất giỏi và từng được công ty nước ngoài tuyển dụng nhưng không chịu đi làm, chỉ muốn ở nhà chơi game. Tình trạng bệnh diễn biến nặng tới mức khi gia đình ngăn cấm dùng máy tính thì bệnh nhân đánh lại người nhà. Gia đình phải tới nhờ hỗ trợ và bệnh viện buộc phải tới tận nơi cưỡng ép, dùng dây trói đưa đi điều trị. Sau hơn một tuần, bệnh nhân đã tỉnh táo và có thể giao tiếp bình thường. Sau khi xuất viện cũng không thấy phải quay trở lại”, bác sĩ Thu kể.
Việc điều trị nghiện game không đơn giản là tách người bệnh khỏi tác nhân gây nghiện. Theo chia sẻ của bác sĩ, hầu hết bệnh nhân khi vào điều trị sẽ phải trải qua giai đoạn trầm cảm, do bị ngắt đi thói quen hằng ngày. Những người bệnh có phản ứng mạnh do không kiểm soát được hành vi sẽ phải dùng tới thuốc.
*Tên nhân vật đã được thay đổi./Theo vnexpress