Đạo diễn James Wan chia sẻ chi tiết quá trình dùng công nghệ vi tính để “làm hồi sinh” ngôi sao bạc mệnh trong “Fast & Furious 7”.
Tháng 11/2013, Paul Walker đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, giữa lúc tập bảy của Fast & Furious đang ghi hình. Sáu tháng sau khi gián đoạn, đoàn phim làm việc trở lại với mục tiêu tái tạo Paul Walker bằng công nghệ vi tính một cách chân thực nhất.
Ngân hàng dữ liệu số về Paul Walker
Đạo diễn James Wan kể: “Đầu tiên, chúng tôi xây dựng một ngân hàng hình ảnh và âm thanh về Paul Walker”. Chuyện này không hiếm ở Hollywood. Một số bộ phim cũng chụp cắt lớp các hình ảnh ba chiều của diễn viên từ khi khởi động quá trình sản xuất. Những hình ảnh ba chiều này được xây dựng làm ngân hàng hình ảnh và âm giọng, giúp trích xuất cho những cảnh hành động mạo hiểm. Với những ngân hàng dữ liệu này, các nhà làm phim vẫn có thể tái tạo được một nhân vật như thật trên màn ảnh trong 20 năm tiếp theo, dù diễn viên còn sống hay đã chết.
James Wan nói: “Trong vài tháng đoàn phim Fast & Furious 7 ngưng sản xuất sau khi Paul Walker qua đời, việc đầu tiên của tôi là phải xem đã quay được bao nhiêu khung hình có Paul Walker. Tôi và êkíp hậu kỳ ngồi bóc từng cuộn băng gốc chứa hình Paul Walker của loạt phim từ năm 2009 – bắt đầu với Fast & Furious phần 4, 5 và 6, rồi cộng gộp vào những đúp hình ghi lại được trên trường quay Fast & Furious 7“.
“Chúng tôi cần tìm và lưu trữ những cử động hoặc sắc thái nhỏ nhất mà Paul Walker thường biểu hiện, để các chuyên gia hoạt hình nắm được. Ví dụ, khi Paul nói một lời thoại thì anh ấy sẽ trông như thế nào. Khi anh ấy hạnh phúc thì vẻ mặt anh ấy sẽ thế nào. Khi anh ấy buồn thì sẽ thể hiện ra sao. Bước này rất tỉ mẩn“.
Sau khi đã có ngân hàng dữ liệu số về Paul Walker, James Wan chuyển sang bước thứ hai, làm việc với nhà biên kịch Chris Morgan để định hình lại cốt truyện kịch bản cho phù hợp với mọi đúp quay và mọi lời thoại có Paul Walker, kế đó xác định sẽ quay những cảnh mới sao cho phù hợp.Fast & Furious 7 có những cảnh hành động hoành tráng sử dụng công nghệ vi tính, nên phim càng phải được tính toán kỹ hơn.
Diễn viên đóng thế và công nghệ CGI
Trên trường quay có bốn diễn viên đóng thế được sử dụng, gồm hai em trai của Paul Walker là Caleb và Cody cùng hai diễn viên đóng thế khác. Hai diễn viên đóng thế được chọn có chiều cao tương đương Paul Walker. Họ được dùng cho các cảnh hành động mạo hiểm như đánh nhau, nhào lộn. Những cảnh này thường được quay ở khung hình góc rộng.
Hai em trai của Paul Walker – Caleb và Cody – cần thiết cho các cảnh cận mặt. Cơ thể của Caleb và Cody cũng được dùng cho các cảnh tạo lớp cơ sở khi làm hậu kỳ. Để vào phim, Caleb và Cody Walker phải học diễn xuất cấp tốc bởi trước đó họ chưa hề có kinh nghiệm diễn trước máy quay.
Hãng phim WETA chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn dựng phim. WETA cũng là hãng từng làm hình ảnh cho nhân vật quái vật Gollum trong phimChúa Nhẫn. WETA sử dụng công nghệ vi tính CGI – công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính, để tái tạo Paul. Trong lúc dựng, các chuyên gia tẩy diện mạo và hình thể của các diễn viên đóng thế để trở nên ăn khớp với hình ảnh thật của Paul Walker. Khi cần, các chuyên gia cũng sử dụng hình ảnh trích xuất từ ngân hàng dữ liệu về Paul Walker có sẵn, kết hợp với hình ảnh mới từ các diễn viên đóng thế.
Trong mỗi đúp quay, hình ảnh Paul Walker khớp nhuần nhị với lượng ánh sáng của thước phim. Nhiều hiệu ứng phụ được tận dụng để khiến hình thể Paul Walker trở nên có chiều sâu và nổi rõ hình khối. Công nghệ CGI được chạy nhiều lần để hình ảnh của Paul thật sắc nét.
Lời thoại nhân vật của Paul Walker nhiều lúc trộn lẫn các giọng nói cũ và mới. James Wan giải thích: “Đôi khi, chúng tôi sử dụng giọng nói của em trai Paul Walker cho một số đoạn thoại, bởi chúng tôi thấy không cần thiết phải dùng hoàn toàn tiếng nói của Paul Walker trong ngân hàng dữ liệu. Một câu thoại hoàn chỉnh sẽ gộp nửa đầu là giọng của em trai Paul, nửa sau là giọng thật của Paul. Paul Walker có kiểu nói rất đặc trưng còn Cody và Caleb chỉ có hơi hướng giống Paul nhưng âm giọng khác biệt. Chúng tôi phải dùng nhiều kỹ thuật và phương pháp tỉ mỉ để khớp các giọng nói đó thành một câu nuột“.Đạo diễn kết luận: “Tôi cố gắng sử dụng tối đa các phân cảnh có Paul. Lúc đó, tôi thấy rằng, tất cả những gì tôi đã quay với Paul thực sự quý giá. Mọi thứ làm với anh ấy giống như vàng ròng mà tôi không muốn cho đi“. Quá trình áp dụng công nghệ CGI cho nhân vật của Paul Walker trong Fast & Furious 7 được các nhà làm phim học hỏi từ những trường hợp trước đó. Năm 1999, phim Gladiator dùng công nghệ này để tái tạo hình ảnh tài tử Oliver Reed – người cũng qua đời khi đang quay phim. Phim The Sopranoscũng áp dụng công nghệ này để tái tạo hình ảnh nữ diễn viên Nancy Marchand – người cũng qua đời lúc phim đang ghi dở. Đặc biệt, hãng phim The Mill từng tái tạo hình ảnh Lý Tiểu Long trong một đoạn quảng cáo công phu và chân thực năm 2013.
Cảnh cảm xúc có hình Paul Walker thật James Wan bày tỏ: “Tôi không muốn chỉ ra cảnh nào là hình Paul Walker thật, cảnh nào là hình ảnh Paul Walker được làm từ công nghệ vi tính. Tôi muốn khán giả được xem và thưởng thức phim với cảm xúc trọn vẹn và chúng tôi đã nỗ lực hết sức“. Tuy nhiên, James Wan xác nhận cảnh Brian gọi điện thoại nói chuyện với vợ – nhân vật Mia của Jordana Brewster – là Paul Walker “thật”. Lúc này, nhân vật của Paul Walker chuẩn bị đối đầu với nhóm ác nhân chính. Việc anh ta gọi điện trò chuyện với vợ giúp khắc họa tâm lý nhân vật. Nó cho thấy mối quan hệ của anh ta với người vợ, cũng cho biết cảm xúc mong manh bởi rất có thể anh ta sẽ không sống sót trở về với người vợ đang mang bầu và con nhỏ.”Cảnh này rất lãng mạn, xúc động và là cảnh yêu thích của tôi trong phim. Nhưng cảnh này rõ ràng rất khó. Chúng tôi phải thật tinh tế làm nó. Chúng tôi ý thức được rằng lúc xem cảnh tình cảm này, mọi người sẽ để ý vì nếu hình Paul Walker không chân thực thì khán giả sẽ mất cảm xúc“. James Wan cũng chia sẻ, nữ diễn viên Jordana Brewster đã diễn cảnh này rất khéo để cho cảm xúc được chân thực nhất.
Vũ Văn Việt