Trang chủ » Chuyện làng game » Zootopia – thành phố vui nhộn và sáng tạo của thế giới động vật

Zootopia – thành phố vui nhộn và sáng tạo của thế giới động vật

Team XemGame | 22/02/2016 11:22

Hãy
ủng hộ bọn mình để xem nhiều clip game mới hơn nhé!

Zootopia là một phim có kịch bản chặt chẽ với câu chuyện self-esteem (thể loại về một cá nhân vượt qua các trở ngại để đạt được thành công) điển hình của Walt Disney. Zootopia là minh chứng cho việc một nội dung quen thuộc vẫn có thể vô cùng lôi cuốn, hấp dẫn và tạo ra sự đồng cảm với khán giả nếu biết khai thác đúng cách và lấp đi các điểm yếu bằng sự sáng tạo.

Tiền đề gần gũi

xemgame_zootopia_22_2_1.png (600×388)

Zootopia đặt ra một thế giới giả tưởng nơi tất cả mọi con thú có thể sống cùng nhau, làm việc cùng nhau, không có giết chóc, không có thú săn mồi và con mồi. Với một thế giới giả định, điểm khó khăn lớn nhất là làm sao có thể khiến khán giả hòa nhập vào câu chuyện, có thể thấy được mình trong nhân vật để đồng cảm và theo dõi hành trình của họ. Đó là bài toán đầu tiên mà biên kịch phải giải quyết.

Và Jared Bush-biên kịch Zootopia đã rất thông minh khi chọn kể câu chuyện từ góc nhìn của Judy Hopps, cô thỏ nhỏ bé muốn trở thành cảnh sát để thay đổi thế giới và phải đối mặt với định kiến “thỏ thì chẳng làm được gì, chỉ có thể bán cà rốt.” Đây là phép ẩn dụ cho câu chuyện về người điển hình: một con người bình thường có một ước mơ cao đẹp, cố gắng khẳng định bản thân mình khi vấp phải những thử thách từ xã hội. Từ điểm gần gũi này, khán giả dễ dàng theo dõi câu chuyện của Judy Hopps.

Kịch bản chặt chẽ

xemgame_zootopia_22_2_2.png (600×450)

Kịch bản của Zootopia không có bất kì chi tiết nào thừa, mọi chi tiết đều có tác dụng, thậm chí một số chi tiết có đến hai hoặc ba tác dụng. Mỗi nhân vật đều có một vai trò riêng trong câu chuyện và được khắc họa tính cách rõ ràng. Zootopia xác định rất rõ chủ đề của bộ phim thông qua cảnh đầu tiên tái hiện lại cuộc săn mồi giữa một con hổ và con thỏ. Thông qua lời thoại của Judy, thế giới giả tưởng của Zootopia được giới thiệu một cách nhanh chóng: đây là xã hội mà các con thú đã tiến hóa ở mức cao và mọi loại đều có thể sống trong hòa bình với nhau.

Tôi rất nể biên kịch ngay từ phân đoạn đầu tiên này vì đây là một cách giới thiệu về Zootopia quá hay: vừa giới thiệu được thế giới câu chuyện diễn ra, vừa giới thiệu được nhân vật, vừa lí thuyết mà vừa trực quan sinh động-có thể tạo ra sự hài hước từ phản ứng, tương tác giữa diễn viên kịch và khán giả xem kịch trong phim.

Tuy nhiên, phân cảnh mở đầu dạng kịch của Zootopia không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu thế giới, bộ phim còn ngầm đánh vào tiềm thức của khán giả một ý niệm khác: trong thực có giả, trong giả có thực, mọi sự việc không phải lúc nào cũng giống như thứ chúng ta thoạt tiên trông thấy hoặc giống với định kiến của ta trước đó. Quả thực, suốt chiều dài phim, ý niệm này được lặp lại lặp lại nhiều lần: một chú cáo kiếm sống bằng nghề lừa đảo có thể đã từng muốn làm người tốt, một cô cừu nhỏ bé tưởng chừng ngây thơ có thể ẩn giấu trong mình những mưu tính, ông trùm xã hội đen tưởng chừng đáng sợ nhưng cuối cùng lại giúp đỡ Judy rất nhiều… Đây cũng chính là phản đề mà biên kịch đã tạo ra nhằm làm nổi bật chủ đề của phim nằm trong câu khẩu hiệu ở Zootopia: “Where anyone can be anything.” (Nơi ai cũng có thể trở thành người mình muốn)

Ngoài ra, phân đoạn diễn kịch đầu tiên còn làm chuẩn bị cho một phân đoạn quan trọng sau đó. Như vậy, có thể thấy biên kịch đã đưa được vào phân cảnh đầu tiên cùng lúc ba nhiệm vụ quan trọng: giới thiệu qui luật thế giới, đưa ra thông điệp ngầm, tạo bối cảnh chuẩn bị cho hồi ba.

Trinh thám chỉ là hình thức

xemgame_zootopia_22_2_3.png (600×252)

Với chủ đề tư tưởng không mới, Zootopia chọn hình thức thể hiện bên ngoài giống như một câu chuyện trinh thám để thu hút khán giả. Thoạt tiên, khi phim vừa bước vào hồi hai, tôi đã thích thú chờ xem Disney sẽ làm một phim hoạt hình trinh thám như thế nào. Nhưng càng xem, tôi càng nhận ra Zootopia không phải là một phim trinh thám đúng nghĩa. Nhưng hóa ra, Zootopia không đặt trọng tâm ở vụ án (vốn rất đơn giản) mà ở sự tương tác giữa các nhân vật. Bộ phim cũng không đặt nặng vấn đề miêu tả tâm lí thủ phạm mà chủ yếu chú trọng vào tâm lí người điều tra. Đây là lựa chọn an toàn, thông minh của biên kịch vì đối tượng phim mà Disney nhắm đến là trẻ em. Sự lựa chọn này giúp bộ phim vừa có được thông điệp gần gũi, dễ hiểu; vừa có một hình thức hấp dẫn nhưng lại không quá phức tạp, rối rắm.

Thủ pháp hài đa dạng

xemgame_zootopia_22_2_4.png (650×366)

Đặt câu chuyện trong một thế giới không bị lệ thuộc vào thực tế, Zootopia tạo được nhiều mảng miếng hài từ những chi tiết nhỏ nhất như: bảng điện tử chỉ dân số ở thị trấn Bunnyburrow, chiếc điện thoại có hình dáng giống hệt iPhone của Judy nhưng đính logo cà rốt thay vì táo, hộp thức ăn nhanh chứa một củ cà rốt bên trong, bình xịt cáo… Cho đến những chi tiết gây cười lớn hơn như: Sid trong Ice Age với điệu bộ lăng xăng, hấp tấp đuổi theo hạt dẻ quen thuộc, chỉ là trong Zootopia, chú đuổi theo thứ khác; tiệm kem với những chú voi xúc kem bằng vòi, những chú chuột công sở đồng loạt ăn kem sau giờ làm… Những phân cảnh gây cười của phim chủ yếu dựa vào sự mới mẻ của thị giác khi người xem được thấy những thứ thường nhật trong đời sống hằng ngày của mình biến thể ngộ nghĩnh trong thế giới của thú tiến hóa.

Tuy nhiên, Jared Bush cũng sáng tạo thêm được những tình huống hài đặc trưng dựa trên qui luật thế giới đã thiết lập trong phim: sự khác biệt quan điểm giữa thú mặc quần áo và thú khỏa thân dẫn đến một trận cười no nê; những con lười làm việc trong công sở với động tác vô cùng chậm chạp đối nghịch với sự hấp tấp, nôn nóng của cô thỏ Judy cũng dễ dàng gây cười. Các thủ pháp hài sử dụng trong Zootopia khá đa dạng, tôi có thể liệt kê ra ở đây vài ví dụ tiêu biểu:

xemgame_zootopia_22_2_5.png (500×323)
Hài hình thể: cuộc săn đuổi của Judy với Sid.
xemgame_zootopia_22_2_6.png (500×209)
Competition: những đoạn đối thoại gây chiến đầu tiên giữa Judy và Wilde khi hai người chưa hợp tác với nhau.
xemgame_zootopia_22_2_7.png (500×208)
Mismatch expectation: phân cảnh giữa Judy và anh lười Flash khi cô muốn lấy biển số xe trong văn phòng.
xemgame_zootopia_22_2_8.png (500×219)
Irony: Judy sợ sự chậm chạp của Flash vì cô chỉ có 48 tiếng để giải quyết vụ án ông Otterton mất tích.
xemgame_zootopia_22_2_9.png (500×324)
Dramatic irony: sếp Bogo cũng sử dụng app giống như chú hổ Clawhauser trong giờ làm việc nhưng lại không dám thừa nhận khi bị chú phát hiện.

Với nhiều thủ pháp hài được sử dụng và kết hợp hài hòa như thế, Zootopia sẽ có khả năng gây cười đến đông đảo đối tượng khán giả ở những mức độ khác nhau. Xét tổng quan, Zootopia không có điểm nào khiến tôi phàn nàn. Dù không phải xuất sắc hoàn hảo, đây là một phim tròn trịa, dễ thương điển hình của Walt Disney. Nếu có chút gì đó tiếc nuối có lẽ vẫn là những điểm xuống dốc thấp nhất về mặt tâm trạng của nhân vật chưa đủ độ sâu, những nỗi buồn của nhân vật thiếu một chút gì đó sự tinh tế và sâu lắng riêng để đánh động trái tim người xem giúp Zootopia trở nên đáng nhớ hơn.

Nguồn : 35mm

GAME HOT TRONG TUẦN
GAME HOT TRONG THÁNG

Clip hot trong ngày