Không phải vô cớ mà BlackBerry lao dốc ngay sau khi bị vượt mặt ngay trên lĩnh vực mà hãng này đã làm chủ cho đến tận 2 năm sau khi iPhone ra đời.
Trong tuần vừa qua, BlackBerry đã chính thức tuyên bố sẽ từ bỏ thị trường phần cứng smartphone. 8 năm trước, khi thành công của iPhone đã được chứng minh, vẫn chẳng có ai nghĩ BlackBerry/RIM sẽ có ngày thảm hại như thế này cả. Thực tế, năm 2008 lại là một năm rất huy hoàng của BlackBerry khi cả 2 vị CEO của RIM là Mike Lazaridis và Jim Balsillie đều được tờ báo tài chính Barron’s bầu vào danh sách 100 CEO tiêu biểu của thế giới.
Dĩ nhiên, Steve Jobs cũng nằm trong danh sách này.
Vào năm 2008, Android vẫn còn chưa trưởng thành vì Google còn đang phải gấp rút từ bỏ tầm nhìn sử dụng bàn phím vật lý ban đầu để chạy theo tầm nhìn cảm ứng toàn bộ sau thành công của iPhone. Trên thị trường smartphone Mỹ lúc này, iPhone là sản phẩm “hot” nhất với thị phần từ 0% vọt lên 17% chỉ sau một năm, nhưng BlackBerry vẫn là vua với thị phần cao gấp 2,5 lần Apple.
Cuộc chiến smartphone lúc này là của Táo và Dâu. Một bên là gã khổng lồ có kinh nghiệm chinh chiến dày dặn, nổi tiếng với các tính năng làm việc, bảo mật và thời lượng pin vượt trội. Một bên là “kẻ thách đấu” tuy mới xuất hiện nhưng đã khiến cho tất cả mọi người phải bất ngờ.
8 năm sau, cuộc đấu ấy đã ngã ngũ. Ai cũng biết rằng triết lý “công nghệ cho tất cả mọi người” của Apple đã chiến thắng. Nhưng ít người biết rằng chính tư duy về công nghệ ăn sâu vào “máu” của các nhà lãnh đạo mỗi bên mới thực sự là nguyên nhân Apple lên đỉnh cao còn BlackBerry xuống vực sâu.
“Vua cool” và “Vua công nghệ”
Giới kỹ sư phần cứng hiểu rằng Steve Jobs có thể là ông vua về phần cứng nhưng không phải là một người quá sành về công nghệ. Những công ty khác sẽ nghiên cứu linh kiện rồi mới nghĩ đến vẻ bề ngoài. Riêng Steve Jobs thì nghĩ ra một cái vỏ thật đẹp và bắt các kỹ sư của mình tìm mọi cách nhét linh kiện vào trong.
Nhà sáng lập, CEO của RIM vào thời điểm 2008 là Mike Lazaridis có thể coi là đối lập của Steve Jobs. Lazaridis mê máy móc theo cách của Steve Woz (người trực tiếp tạo ra máy Apple II) chứ không phải theo cách của Steve Jobs. Cách nhìn của Jobs và Lazaridis với các sản phẩm con cưng của mình là hoàn toàn khác biệt. Khi lên sân khấu để nói về iPhone, Jobs nói về những thú vui nhẹ nhàng đơn giản: bản đồ Paris, nhạc Bob Dylan, game di động, camera chụp ảnh… Còn Lazaridis sẽ quảng bá như sau về chiếc BlackBerry Bold ra mắt vào năm 2008:
“Kết nối 3G HSDPA ba dải tần. Edge bốn dải tần. Wi-Fi A, B và G. GPS. Vi xử lý 624MHz trang bị MMX”.
Đó không hẳn là những khái niệm xa lạ với các tín đồ công nghệ. Nhưng đối với đối tượng người dùng phổ thông sau này đã làm nên thành công của iPhone và Android, gần như toàn bộ câu nói của vị CEO BlackBerry đều là những khái niệm không đáng quan tâm.
Thất bại vì quá yêu công nghệ
Trong một buổi phát biểu trước sự kiện ra mắt Bold chỉ vài tuần, Lazaridis vẫn mải mê bày tỏ quan ngại về một thứ mà người dùng iPhone (và cả Android sau này) chẳng mảy may quan tâm: băng thông mạng. Khi được nhận giải thưởng lãnh đạo toàn cầu của Computerworld, Lazaridis khẳng định: “Chúng ta sẽ phải tiếp tục giữ vững suy nghĩ tiết kiệm băng thông trong mở rộng khai thác mạng không dây”.
Chỉ 3 tháng sau, Apple dội một gáo nước lạnh vào suy nghĩ của RIM khi ra mắt chợ ứng dụng App Store. Trong vòng 3 ngày đầu tiên, App Store đã đạt được 6 triệu lượt tải ứng dụng. Trong vòng 1 tháng, con số đó tăng lên thành 60 triệu. Người dùng AT&T (đối tác phân phối iPhone độc quyền trong những năm đầu) thậm chí còn đệ đơn kiện nhà mạng này vì dữ liệu 3G do các ứng dụng iOS tạo ra sẽ liên tục khiến mạng AT&T bị nghẽn. Đó không phải là vấn đề của Apple: iPhone đã tạo ra một trải nghiệm smartphone hoàn toàn mới, và các nhà mạng giờ có trách nhiệm gia tăng băng thông để đảm bảo cho nhu cầu của người dùng.
Dù sao, tư duy thủ cựu ấy cũng có thể hiểu được: lý do smartphone BlackBerry được ưa chuộng là nhờ có khả năng nén dữ liệu khá siêu việt của các dịch vụ do RIM cung cấp, giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể chi phí liên lạc. Nhưng điều đáng nói là lúc này RIM lẽ ra đã nên hiểu rằng Apple đã đập tan những lo ngại về băng thông ngay từ khi ra mắt iPhone vào 1 năm trước đó. Trong suốt hàng năm trời, RIM đã không dám đưa trình duyệt web đầy đủ tính năng lên smartphone BlackBerry vì sợ làm nghẽn mạng của các đối tác phân phối. Đến lúc iPhone ra mắt với Safari khá đủ tính năng thì chính RIM lại bị bất ngờ: BlackBerry tự hào về email, iPhone mang đến toàn bộ Internet.
Rõ ràng là “Edge”, “HSDPA” hay “tiết kiệm băng thông” không thuộc về phạm vi những gì Steve Jobs muốn nói với người dùng. Apple trở thành công ty đầu tiên ra mắt trình duyệt đầy đủ cho smartphone rồi tiếp tục trở thành công ty đầu tiên hoàn thiện mô hình chợ ứng dụng ăn-chia giữa nhà phát triển hệ điều hành và nhà phát triển ứng dụng. Sau này, BB10 cũng không thể bắt kịp với iOS và Android chỉ vì nguyên nhân ứng dụng mà thôi.
Chính tư duy kiểu như vậy đã giúp Steve Jobs trở thành ông vua của Thung lũng Silicon về độ “cool” còn những huyền thoại công nghệ khác phần đông là… vô danh. Mỗi lần xuất hiện của Jobs là cả một sự trau chuốt tỉ mỉ của bộ máy marketing, từng sự kiện của Apple đều là những vở kịch được sắp xếp rành mạch để đem lại niềm vui cho người xem – sau này, người ta sẽ coi các màn ra mắt iPhone là “sách giáo khoa” về nghệ thuật trình diễn. Còn Jim Balsillie, vị CEO chuyên về kinh doanh của RIM lúc đó thì lại tự hào: “Khi tôi nói, chẳng ai biết tôi sắp nói gì, kể cả tôi”.
Ngày cá tháng tư năm 2008, Balsillie được hỏi trong một chương trình truyền hình của đài CBC rằng “Đã bao giờ anh nhìn vào chiếc iPhone và tự hỏi, ‘Liệu RIM có nên mở rộng danh mục ra ngoài BlackBerry?”.
Vị CEO này cười và nói: “Không, chúng tôi có danh mục đa dạng hóa rất kém. Chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào một thứ duy nhất. Hoặc là nó bay lên mây xanh, hoặc là nó rơi xuống đất và nổ tung”.
Quả đúng là RIM sẽ ra mắt một sản phẩm quan trọng “rơi xuống đất và nổ tung”. Tháng 11/2008, RIM ra mắt chiếc Storm với màn hình full cảm ứng kết hợp cảm giác nhấn phím của BlackBerry và thất bại thảm hại. Kể từ sau thất bại của Storm, BlackBerry vẫn chưa thể đạt được thành công trên lĩnh vực smartphone cảm ứng và đến nay đã phải từ bỏ thị trường đã làm nên tên tuổi của mình.
Theo GenK