Những ngày gần đây, một đoạn video phỏng vấn ngắn đã gây xôn xao cộng đồng otaku Việt Nam và được nhiều bạn trẻ yêu thích nền văn hoá Nhật Bản liên tục chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Nội dung của video này tập hợp những ý kiến khảo sát về việc các văn hoá phẩm Nhật Bản mang tính “nhạy cảm” (gối ôm, miếng lót chuột, tranh ảnh…) được bày bán công khai và lộ liễu tại một lễ hội diễn ra ở Hà Nội. Trong video đó, phát ngôn của một cậu bé đã khiến cho sự việc trở nên dậy sóng.
Khi được phóng viên hỏi cảm nghĩ về những chiếc gối ôm in hình nhân vật manga/anime đang bày bán ở một gian hàng, cậu bé đã phát biểu “Tởm lắm ạ!” và cho rằng đó là những hình ảnh bậy bạ.
Ngay lập tức, đoạn video nhận được vô số ý kiến phản hồi trái chiều và hình ảnh những người xuất hiện trong đó đã tạo nên một trào lưu meme mới. Mọi chuyện vẫn chưa dừng tại đây, cuộc tranh cãi bùng nổ mạnh mẽ hơn khi rất nhiều bạn trẻ tự nhận là otaku vào fanpage của đài truyền hình đã thực hiện đoạn video để viết những bình luận phản bác và nhận được lời đáp trả từ admin của fanpage. Thậm chí, có những bạn trong lúc thiếu kiềm chế đã bới móc, đả kích về “thuần phong mỹ tục” tại đất nước Việt Nam mình đang sinh sống và xoáy sâu vào việc so sánh văn hoá giữa các nước. Tiếp theo sau đó là sự “thêm dầu vào lửa” của những phương tiện truyền thông, những trang báo điện tử với mục đích câu view. Mọi thứ đã khiến cho câu chuyện đi xa hơn và nghiêm trọng hoá vấn đề.
Nếu yêu thích nền văn hoá Nhật Bản hoặc đã từng tìm hiểu về phong tục đời sống của xứ sở Mặt trời mọc này, hẳn là bạn sẽ biết đến nền công nghiệp “nhạy cảm” vốn rất nổi tiếng và được thừa nhận như một nét văn hoá đặc sắc nơi đây.
Xuất hiện từ lâu đời và phát triển theo chiều dài lịch sử, nền công nghiệp “nhạy cảm” của Nhật Bản đã lớn mạnh đến bất ngờ và trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu mà ta có thể bắt gặp trong nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực của đất nước này.
Có thể nói, nguyên nhân mà những vấn đề nhạy cảm được hợp pháp hoá tại Nhật Bản là do tỷ lệ sinh sản ở đây rất thấp và tốc độ gia tăng dân số hằng năm vẫn nằm ở số âm. Việc già hóa dân số là hệ quả tất yếu của một quốc gia phát triển khi mà những áp lực khủng khiếp luôn đè nặng trên vai mỗi người dân. Thế nên, đất nước này đặc biệt xem trọng chuyện “giường chiếu” và luôn khuyến khích sinh sản nhằm mục đích trẻ hoá tháp dân số nơi đây. Họ có lối sống và tư tưởng vô cùng cởi mở, thậm chí còn “thoáng” hơn nhiều nước phương Tây nữa.
Trong thời đại hội nhập ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc và làm quen với những nền văn hoá khác nhau trên khắp thế giới. Không ngoại lệ, cộng đồng otaku hâm mộ nền văn hoá Nhật Bản cũng đã hình thành tại đất nước hình chữ S này từ khá lâu. Các bạn trẻ thuộc cộng đồng này đều rất yêu thích và sẵn sàng tiếp nhận những nét văn hoá đặc sắc của Nhật Bản, trong đó bao gồm nền công nghiệp 2D với những khái niệm như ecchi, eroge vốn rất phổ biến trên thế giới.
Tuy nhiên, sự thật là đời sống ở Việt Nam vẫn chưa thể cởi mở bằng Nhật Bản. Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn chuyển mình hội nhập nên sự khác biệt tư tưởng giữa 2 thế hệ xưa – nay vẫn rất rõ ràng. Một bên là những bậc lớn tuổi chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục ngày xưa và những phong tục tập quán lâu đời, một bên là những thanh thiếu niên trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trong thời buổi hiện đại Tây hoá. Hai thế hệ với hai quan niệm sống khác nhau nên không thể tránh khỏi những bất đồng trong suy nghĩ.
Do đó, việc các sản phẩm mang tính chất “nhạy cảm” được trưng bày lộ liễu và buôn bán công khai có thể nói sẽ khó chấp nhận với bậc phụ huynh lớn tuổi hoặc những ai vốn xa lạ với nền văn hoá Nhật Bản. Thêm một điều nữa là buổi lễ hội quay hình trong đoạn video này mở cửa tự do và không thể kiểm soát được đối tượng tham dự. Thành phần khách rất đa dạng, từ các em học sinh sinh viên còn nhỏ tuổi cho đến những người đi làm lớn tuổi, từ những người am hiểu nền văn hoá Nhật Bản cho đến những ai chỉ tò mò ham vui.
Điểm mấu chốt ở đây là, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin biến Trái Đất trở thành một “Thế giới phẳng” như hiện nay, giới truyền thông đã dễ dàng hơn trong việc kích động và “dắt mũi” dư luận. Ban đầu đây chỉ là một đoạn phóng sự ngắn và sẽ dễ dàng chìm vào quên lãng. Nhưng rồi với sự hỗ trợ tối đa của mạng internet, đoạn video được chia sẻ một cách dễ dàng và nhanh chóng lan rộng. Cũng như chính những “lời ra tiếng vào” không ngừng giữa các bên đã thổi bùng lên câu chuyện khiến nó trở thành một đề tài hấp dẫn để những kênh truyền thông thi nhau “nhảy vào” khai thác. Thiết nghĩ, việc các bạn trẻ hâm mộ nền văn hoá Nhật Bản cảm thấy bức xúc khi sở thích của mình bị xem là “phản cảm” cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nếu chúng ta cùng nhau bình tĩnh lại và có cách ứng xử chín chắn hơn thì sự việc đã không bị đẩy đi quá xa như vậy.
Nhìn chung, bất kì một thú vui hay sở thích nào cũng đều tồn tại 2 mặt tích cực và tiêu cực. Qua sự việc lần này, người viết thật sự mong rằng mỗi người chúng ta sẽ rút ra được kinh nghiệm cho riêng bản thân mình. Các gian hàng kinh doanh vật phẩm otaku sẽ kín đáo trong việc trưng bày buôn bán cũng như những nhà truyền thông sẽ có tâm hơn trong việc đưa tin về sở thích văn hoá nước bạn. Điều quan trọng nhất là hi vọng rằng cộng đồng otaku Việt Nam sẽ thể hiện tình cảm của mình một cách khéo léo hơn, dù đúng hay sai thì cũng hãy là những người hâm mộ văn minh và có kiến thức. Bởi vì, chính hành vi và lời nói của chúng ta sẽ là “hệ quy chiếu” để các bậc phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung nhìn vào mà đánh giá niềm đam mê 2D này, chứ không phải thông qua bất kì một phương tiện truyền thông nào cả.