Khi theo dõi 1 bộ anime/manga nào đó, hầu như đều sẽ xuất hiện ít nhất 1 nhân vật có tính cách lạnh lùng.
Và đa số những nhân vật lạnh lùng ấy lại rất thu hút người xem cũng như nhận về nhiều sự yêu thích của khán giả, thậm chí vượt xa các nhân vật chính nếu như nhân vật lạnh lùng đó chỉ là nhân vật phụ. Vậy tại sao lại như vậy? Cùng mình tìm hiểu lời giải đáp nhé!
Những lý do tạo nên tính cách lạnh lùng
Để có thể hiểu được lý do vì sao sự lạnh lùng lại có thể cuốn hút người khác như vậy thì trước tiên chúng ta nên hiểu rõ hơn về nó. Lạnh lùng là từ để ám chỉ những người có vẻ ngoài lạnh nhạt, luôn thờ ơ với tất cả mọi thứ xung quanh và họ luôn che giấu đi cảm xúc thật sự của mình. Tưởng chừng như đây chỉ là biểu hiện của sự “cool ngầu” được rất nhiều giới trẻ thích thú và bắt chước làm theo, tuy nhiên sự lạnh lùng ấy ở ngoài đời lại bị coi là triệu chứng cho nhiều căn bệnh tâm thần và được gọi với 1 cái tên là Apathy. Nếu như bạn có nhan sắc thì có lẽ Apathy sẽ giúp bạn thu hút được nhiều sự yêu thích, còn nếu không thì trong mắt người khác bạn giống như 1 kẻ dở hơi, khác người và bị ghét dù chính bản thân không hề làm gì sai trái hay hại tới bất cứ ai. Dù bị coi là 1 căn bệnh, nhưng khi lên anime/manga thì Apathy lại trở thành điểm hấp dẫn chính của nhiều nhân vật.
Apathy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, những người mắc bệnh lạnh lùng không có nghĩa là họ chảnh, không coi người khác ra gì, mà đơn giản là vì họ đang thiếu đi sự tự tin, tự thấy bản thân thật vô dụng, vô giá trị nên họ thường sẽ cố gắng hạn chế biểu hiện cảm xúc cũng như suy nghĩ của bản thân qua nét mặt, bởi vì họ sợ bị người khác đánh giá.
Lớp mặt nạ lạnh lùng vì thiếu tự tin còn được hình thành bởi quá khứ đầy bi thương như mất đi 1 ai đó, 1 thứ gì đó mà mình rất yêu quý, bị bạo hành ở trong quá khứ hay đơn giản hơn là bị rạn nứt trong tình cảm. Chính vì đã phải trải qua những cảm xúc đầy tiêu cực đó đã khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi xã hội, bị thiếu tự tin, ghét bỏ cuộc đời và luôn có những suy nghĩ đầy tiêu cực. Từ đó dẫn họ tới với việc khép mình lại trong 1 góc nhỏ nào đó của tâm hồn, đeo lên lớp mặt nạ lạnh lùng chỉ để có thể tránh xa ra khỏi tất cả mọi thứ, trốn tránh mọi việc như 1 cơ chế bảo vệ bản thân.
Những người như vậy thường cảm thấy rất lạc lõng và cô đơn, luôn muốn có 1 ai đó sẽ đến bên cạnh mình, an ủi và thấu hiểu họ, mong muốn cuộc sống đầy bi ai này có thể được thay đổi nhưng lại chẳng tìm được lối thoát nào cho bản thân, khiến họ căm ghét luôn chính mình, cố gắng vùng vẫy để rồi nhận lấy nhiều sự thất vọng khiến trái tim dần chai sạn, từ đó buông bỏ và tập chấp nhận cuộc sống hiện tại, cố gắng sống sót qua ngày mà không có lấy sự hy vọng hay động lực sống nào cả. Nhân vật có thể lột tả được hết về sự lạnh lùng trên có thể kể đến là Hikigaya Hachiman trong OreGairu, 1 anh chàng vì quá khứ bất hạnh mà đã tự tạo cho mình 1 vỏ bọc mang tên lạnh lùng chỉ để có thể bảo vệ lấy bản thân, tránh cho nó 1 lần nữa bị tổn thương như trong quá khứ.
Không chỉ vì thiếu đi sự tự tin do quá khứ đầy bi ai, mà việc phải gánh trên vai 1 trọng trách lớn và đầy nặng nề cũng đã vô tình tạo ra Apathy. Vì phải gánh 1 trọng trách lớn như trở thành 1 người tuyệt vời như ý nguyện của cha mẹ, hay phải cố gắng để có thể trở thành người kế nhiệm tuyệt vời cho gia tộc, đã bắt buộc con người ta phải trưởng thành nhiều hơn so với độ tuổi của mình, cố gắng nỗ lực thật nhiều, đánh mất đi tuổi thơ mà bản thân lẽ ra phải có đã khiến những người ấy trở nên cô độc, không có bạn bè và cũng không biết bày tỏ tình cảm của bản thân. Hoặc to lớn hơn là nắm trong tay vận mệnh của hàng ngàn, hàng tỷ người chỉ với 1 nhiệm vụ hay 1 hành động nào đó như bảo vệ dân tộc, bảo vệ đất nước. Điều này có thể nói nhân vật Eren trong Attack On Titan là 1 minh chứng rõ ràng nhất. Vì muốn có thể vừa bảo vệ cho dân tộc của mình, vừa bảo vệ cho những người bạn và nhân loại mà Eren đã phải vứt bỏ đi thân tính, kìm nén bản chất con người ở trong tim, nhẫn tâm tàn sát tính mạng của nhiều người vô tội, tự biến bản thân thành kẻ phản diện và trở nên cô độc hơn trên con đường mình đã chọn. Điều đó đã khiến Eren dần trở nên lãnh đạm, vô tình, thờ ơ và nhẫn tâm hơn hơn xưa.
Ngoài ra, việc quá tài giỏi, quá thông minh, quá mạnh mẽ và có được 1 cuộc sống quá đủ đầy cũng là 1 trong những lý do khiến Apathy được hình thành. Vì khi nắm trong tay quá nhiều tài năng, tiền tài, trí thức và sức mạnh giúp mọi việc trở nên quá dễ dàng hơn, không còn đối thủ để cạnh tranh khiến con người ta dần mất đi mục đích để tiến lên, niềm vui trong công việc ngày trước dần mất đi và không còn tồn tại nữa. Từ đó, những người tài giỏi và giàu có ấy trở nên dễ chán nản với cuộc sống dù cho bản thân họ không hề muốn như vậy. Những trạng thái này được thể hiện rất rõ ràng ở Saitama trong One-Punch Man, khi mà ngày xưa anh chàng luôn có hứng thú và niềm vui mỗi khi lao vào nguy hiểm chiến đấu với quái vật để cứu giúp người dân. Luôn có động lực và mục tiêu để cố gắng trở nên mạnh hơn. Nhưng rồi dần dà, niềm vui cũng như động lực ấy đã dần mất đi khi mà trên thế giới đã không còn ai có thể đối đầu được với anh, mỗi trận chiến trở nên dễ dàng hơn vì chỉ với 1 cú đấm Saitama đã giải quyết xong các mối nguy hiểm. Từ đó, Saitama đã dần mất đi hứng thú với mọi việc, khuôn mặt anh cũng chỉ còn lại 1 biểu cảm duy nhất.
Nhìn sơ qua những điều trên có thể thấy, Apathy có vẻ không mấy nguy hiểm nhưng thực chất nó lại rất nguy hiểm hơn ta nghĩ. Bởi lẽ, khi phải nhận lấy nhiều sự bi thương trong quá khứ, nhiều áp lực đè nặng lên đôi vai, mất đi niềm vui vì không còn đối thủ cạnh tranh sẽ dễ khiến họ hình thành nên sự méo mó trong nhân cách và dễ trở thành 1 tên sát nhân máu lạnh, vô nhân tính chỉ với 1 chút kích thích hay 1 sự việc đáng tiếc nào đó đã vô tình xảy ra.
Có thể bạn muốn xem thêm: Đến với cosplay Nezuko phiên bản gợi cảm, nhìn là nóng người
Điển hình như Ayanokouji Kiyotaka trong Youkoso Jitsuryoku, vì quá tài giỏi và thông minh, được huấn luyện nghiêm khắc từ nhỏ đã khiến Kiyotaka mất đi tuổi thơ và dần trở nên lạnh lùng, vô cảm. Dù mọi người xung quanh trong lớp học đều thật lòng với anh, nhưng Kiyotaka chỉ xem họ như 1 công cụ, thậm chí sẵn sàng hy sinh họ chỉ để bản thân có thể đạt được mục đích của mình. Với 1 người lãnh cảm nhưng lại rất thông minh như vậy, nếu như Kiyotaka cảm thấy kích thích và hứng thú khi sát hại 1 ai đó thì cậu chàng có khả năng cao sẽ trở thành 1 tên sát nhân hàng loạt máu lạnh khiến bao người khiếp sợ.
Lý do khiến nhiều người rất thích nhân vật lạnh lùng
Ngoại trừ vì sự cool ngầu đi đôi với sự đẹp trai, đẹp gái khiến bao người mê đắm ra thì còn rất nhiều nhân vật có vẻ ngoài tuy tầm thường nhưng vẫn thu hút được nhiều người xem bởi sự lạnh lùng đó. Điều này có thể nói là do con người luôn chú ý tới những điều mà họ cảm thấy rất thân thuộc. Ở trong 1 xã hội đầy bộn bề và áp lực, việc nhiều người bị mắc các triệu chứng của Apathy là điều rất dễ dàng, vậy nên khi trông thấy 1 nhân vật có hoàn cảnh giống như mình khiến họ cảm thấy nhân vật đó dường như chính là bản thân, giúp họ dễ đồng cảm hơn với nhân vật đó. Ngoài ra, mong muốn của những người bị mắc hội chứng Apathy là có thể được thay đổi và phát triển được bản thân, và anime/manga đã làm được điều đó.
Anime/manga đã giúp người xem có thể thấu hiểu và đồng cảm hơn với những nhân vật lạnh lùng thông qua quá khứ cũng như mong ước của họ. Sau đó giúp cho những nhân vật ấy dần trở nên thay đổi tốt hơn theo thời gian, có thêm nhiều người bạn tốt. Điều đó giống như 1 lời an ủi, động viên dành cho những người có cùng hoàn cảnh như thế với nhân vật, giúp họ có cảm giác được đồng cảm và có thêm niềm tin ở trong cuộc sống hơn. Có lẽ đây chính là điều đã khiến cho nhiều người cảm thấy thích thú và yêu mến những nhân vật lạnh lùng dù cho những nhân vật ấy có ngoại hình không được ưa nhìn.