Theo những tựa phim chuyển thể bây giờ, không có quá nhiều những cái tên được xem là thành công. Liệu “Tấm Cám” có là một bom tấn xịt như thế không ?
Truyện cổ tích xưa nay vẫn là ‘thung lũng hoang vắng’ bị điện ảnh Việt lãng quên, bỏ phí.
Những năm gần đây, Hollywood liên tục cho ra mắt những bộ phim bom tấn dựa theo truyện cổ tích đầy hấp dẫn. Walt Disney có Maleficent (Người đẹp ngủ trong rừng), Cinderella (Cô bé Lọ Lem), Into the Woods (lấy cảm hứng từ hàng loạt truyện cổ tích); Universal có Snow White and the Huntsman; Relativity Media có Mirror Mirror, Metro-Goldwyn-Mayer có Hansel and Gretel, Warner Bros có Jack the Giant Slayer và Red Riding Hood.
Tất cả đều là những dự án phim đáng chú ý, thậm chí giới phê bình còn cho rằng chưa bao giờ nền điện ảnh thế giới đầu tư nhiều tiền của cho những dự án phim chuyển thể từ văn học dân gian như hiện nay.
Và không có gì ngạc nhiên khi nhiều tác phẩm trong số đó đạt doanh thu ngoài kỳ vọng, thậm chí vượt phạm vi “gia tài” cổ tích gắn liền với một quốc gia, dân tộc để trở nên nổi tiếng toàn cầu và được nhiều người yêu thích.
Thuở sơ khai của điện ảnh đã có phim làm từ cổ tích
Nhìn lại lịch sử điện ảnh thế giới, việc chuyển thể truyện cổ tích hay các tác phẩm văn học dân gian thành phim đã bắt đầu từ thời sơ khai của điện ảnh, khi công nghệ làm phim còn đơn giản và tất nhiên những thể loại phim như viễn tưởng, hành động chưa phổ biến như hiện nay.
Chắc hẳn nhiều người không thể quên được The Red Shoes – một trong những tác phẩm điện ảnh đầu tiên được chuyển thể từ truyện cổ tích. Phim được dựa trên câu chuyện cổ tích Đôi hài đỏ. Phim sở hữu nhiều yếu tố làm nên một tác phẩm hay: nữ chính xinh đẹp, chuyện tình bi kịch và những biến cố bất ngờ. Không chỉ được đánh giá cao về cốt truyện, phim còn được ca ngợi bởi các màn múa ballet được dàn dựng kỳ công.
Điện ảnh Việt lại có quá ít tác phẩm được làm từ văn học dân gian nói chung và truyện cổ tích nói riêng. Chúng ta chỉ mới có nhiều phim ngắn, clip mang tính kể lại câu chuyện dân gian còn tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa thì đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi, không ai có thể phủ nhận Việt Nam có nền văn hóa lúa nước lâu đời, 54 dân tộc anh em và văn học dân gian là một gia tài phong phú, đồ sộ mà không phải quốc gia, dân tộc nào trên thế giới cũng có được.
Cổ tích Việt Nam bị màn ảnh lãng quên
Cách đây 20 năm có lẻ, phim Dã Tràng xe cát Biển Đông của đạo diễn Khánh Dư ra mắt và được xem là tác phẩm điện ảnh đầu tiên chuyển thể từ truyện cổ tích của Việt Nam. Phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất đoạt giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1995 cho thể loại phim truyện nhựa.
Nội dung phim kể về vợ chồng ông lão Dã Tràng sống trong một làng ven biển vì đã làm những việc nhân nghĩa nên ông được các con vật tặng hai viên ngọc quý. Nhờ ngọc mà ông có thể hiểu tiếng chim muông và đi xuống cung vua Thủy Tề dưới biển một cách dễ dàng. Nhưng vợ ông Dã Tràng có đầu óc thực dụng và tham ăn. Bà không những muốn lấy của cải mà còn muốn làm hoàng hậu dưới thủy cung và đã phải trả cho sự bội bạc của mình khi vua Thủy Tề dùng mưu lấy mất ngọc…
Nhìn chung, tác phẩm của đạo diễn Khánh Dư, do Nguyễn Thị Hồng Ngát chuyển thể kịch bản tôn trọng tối đa nội dung của truyện cổ tích, chỉ có một điểm khác đó là người biến thành con dã tràng là bà vợ chứ không phải ông chồng như phiên bản sự tích con dã tràng được nhiều người biết đến.
Cái kết của Dã tràng xe cát Biển Đông được cho hợp lý và mang nhiều ý nghĩa hơn, khi mà người lương thiện vẫn nhận được kết hậu (được lên trời), còn kẻ tham lam bị trừng trị (biến thành con vật).
Sau Dã tràng xe cát Biển Đông, cách đây vài năm, điện ảnh Việt Nam có một bộ phim được chuyển thể từ truyện cổ tích gây chú, là phim Cuộc chiến với chằn tinh của cố đạo diễn Hải Âu. Tác phẩm ứng dụng nhiều kỹ xảo đồ họa với nội dung nói về người hùng nước Việt xưa.
Phim không chỉ ca ngợi chàng Thạch Sanh nghĩa tình mà còn khắc hoạ thêm hình ảnh vua Hùng dũng mãnh đích thân dẫn quân đánh giặc ngoại xâm và chiến đấu với Chằn tinh bảo vệ đất nước. Phim ra mắt dịp Tết 2014, nhận nhiều khen chê nhưng không đạt được hiệu quả phòng vé như mong đợi.
Không bị giới hạn cải biên nhưng phải biết chọn lựa
Ai cũng biết việc chuyển thể từ truyện cổ tích có nhiều thuận lợi với nhà làm phim như đảm bảo về lượng khán giả hay không vướng vào chuyện bản quyền tác phẩm. Khán giả trẻ em đi xem phim cổ tích chuyển thể để chờ đợi những điều kỳ diệu, còn khán giả trưởng thành đi xem để tìm lại đứa trẻ trong mình.
Các nhà làm phim cũng không phải trả tiền cho các tác giả như phim chuyển thể từ tiểu thuyết hay truyện tranh vì tác giả của truyện cổ tích là một đám đông từ xa xưa. Hơn nữa, nhà làm phim cũng không phải ký kết bất cứ một biên bản thỏa thuận nào về việc giới hạn cải biên.
Đạo diễn thích làm phim của mình thế nào cũng được, như một khán giả hài hước bình luận: “Maleficent độc ác trong Người đẹp ngủ trong rừng có thể trở thành người tốt, nàng Bạch Tuyết khéo léo đảm đang có thể là một chiến binh mình đồng da sắt”.
Nhưng cũng không thể phủ nhận, truyện cổ tích nói chung thường có cốt truyện đơn giản với cách lý giải dễ hiểu. Truyện thường kể cho thiếu nhi nên không có nhiều tình tiết gay cấn hay mâu thuẫn. Do vậy, bắt buộc đạo diễn phải làm việc với biên kịch để sáng tạo ra những tình tiết mới hoặc diễn giải sâu hơn những tình tiết có sẵn.
Bên cạnh đó, nhà làm phim cũng phải biết chọn lựa, chắt lọc cốt truyện dân gian để phù hợp với đối tượng khán giả và ngôn ngữ của thời đại như Dã tràng xe cát Biển Đông cho bà lão biến thành con dã tràng thay vì ông lão hay chuyển thể Tấm Cám không thể kể trần trụi Tấm làm mắm Cám và gửi về cho dì ghẻ ăn – một chi tiết vốn gây tranh cãi ngay cả với giới nghiên cứu văn học.
“Tấm Cám” liệu có đủ hay để phim cổ tích Việt trở thành trào lưu?
Tấm Cám: chuyện chưa kể – bộ phim chuyển thể từ truyện cổ tích nổi tiếng ra rạp trong tháng này của Ngô Thanh Vân chắc chắn đã phải cân nhắc nhiều tình tiết để vừa đảm bảo được sự chân thực của nội dung vừa phù hợp với ý nghĩa giáo dục. Phim được đầu tư với số tiền khủng và đang nhận nhiều phản hồi tích cực từ phía công chúng, từ bối cảnh, trang phục, dàn diễn viên đến cách sáng tạo.
Nội dung của Tấm Cám: chuyện chưa kể vẫn lấy nền gốc là câu chuyện cổ tích Tấm Cám quen thuộc, tuy vậy Ngô Thanh Vân đã lồng ghép những tình tiết hoàn toàn mới như vị Thừa Tướng hung ác thâm hiểm hay xoáy sâu vào tính cách của Thái Tử.
Phim đang được làm mạnh về truyền thông và sắp ra mắt vào thời điểm không có phim Việt nổi bật. Nhưng việc thành bại của phim lại không hề dễ đoán vì qua trailer, chưa ai có thể khẳng định liệu phim có đủ hấp dẫn, đủ hot để bội thu và tạo nên trào lưu hay không.
Liệu Tấm Cám: chuyện chưa kể có đủ sức làm sống dậy những tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ cổ tích Việt? Hay, Tấm Cám cũng chỉ là dã tràng xe cát đơn độc?
Theo Zing