“Tuy vẫn coi DOTA 2 là một tựa game kỳ quặc, thế nhưng đối với tôi, DOTA 2 đã trở thành một thứ không thể tách rời tự lúc nào không hay…”
Vlad Savov hiện là một biên tập viên phụ trách tại trang tin công nghệ nổi tiếng The Verge. Bên cạnh việc làm việc quanh môi trường công nghệ, thì anh cũng là một game thủ “cứng cựa” với tựa game MOBA đình đám DOTA 2. Dưới đây chúng tôi xin trích lược những chia sẻ đầy gần gũi, đời thường của anh về tựa game mà mình yêu thích:
Cuối tháng 12 năm ngoái, tôi trở thành một kẻ “ba ngơ” lần đầu tiếp xúc thế giới DOTA 2. Đến ngày hôm nay, sau chính xác… 1.399 tiếng đồng hồ in game, tôi mới đủ dũng khí để kể với các bạn về tựa game vô cùng kỳ lạ này.
DOTA 2 chẳng hề giống bất kỳ tựa game nào tôi từng chơi, cả về bối cảnh lẫn lịch sử phát triển. Nó khởi thủy từ một map đấu custom trong StarCraft. Rồi nó nổi tiếng tới mức được port sang Warcraft 3, tựa game chiến thuật mà cậu bé nào cũng từng cuồng nhiệt đam mê.
Chẳng hề có một cá nhân riêng lẻ nào dám tự nhận mình là kẻ đứng sau thành công của DOTA 2 cả. Thậm chí ngay cả cái tên Ice Frog lừng danh cho đến giờ cũng vẫn chỉ là một con người mà công chúng không hề biết mặt, biết tên. Thế nhưng ngay từ khi DotA chỉ là một bản mod của WarCraft 3, nó đã cho thấy một xu hướng thiết kế game mới sẽ bùng nổ trong tương lai gần: Những tựa game do người chơi tạo ra, phục vụ chính cộng đồng của họ, cũng như những người chơi khác…
Dĩ nhiên khi chân ướt chân ráo vào thế giới DOTA 2, tôi là một kẻ chẳng biết tẹo kiến thức gì về tựa game. Một người bạn rủ tôi chơi cùng “vì nó miễn phí”. Tất cả những thứ tôi biết ở thời điểm đó, nói các bạn đừng cười, DOTA 2 là một game nơi game thủ sẽ phải phối hợp với nhau để tiêu diệt kẻ địch, giống như những tựa game bắn súng vậy. Thế nhưng bên cạnh đó còn cả yếu tố nhập vai khi bạn có thể lên level trong mỗi trận đấu.
Nghe qua có vẻ giống công thức của một tựa game mất cân bằng. Nhưng tôi đã nhầm, sự cân bằng tới mức chính xác trong DOTA 2 khiến cho nó trở thành một tựa game cực kỳ dễ nghiện.
Về cơ bản công thức thành công của một game đấu DOTA 2 đối với tôi tương đối đơn giản: Hạ gục creeps, lấy vàng mua đồ, cùng lúc có level để khỏe hơn, lao vào combat với team địch, và dĩ nhiên là tấn công, phòng thủ một cách hợp lý những vị trí trụ trên bản đồ.
Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng khi bước chân vào một game đấu DOTA 2 thực sự, bạn sẽ thấy công việc đó cần nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn nhiều so với việc nói suông.
Việc học hỏi từ những thất bại là điều không thể thiếu trong DOTA 2. Trên thực tế, những ngày đầu tiên chơi game, tôi có một cách chơi như thế này: Pick bất cứ hero nào đã đánh bại mình trong game trước đó. Và cứ như vậy, tôi đi từ Bounty Hunter, Bloodseeker, Ursa và cả Spirit Breaker…
Luôn có những game thủ chơi giỏi hơn tôi cùng chơi game, chỉ ra những thứ tôi còn yếu kém, và dạy tôi những thứ mới mẻ hơn. Dĩ nhiên tôi coi mình là một gã khờ trong DOTA 2, vì phải chơi tới 100 tiếng đồng hồ mới kéo được chuỗi trận thắng lên 50% tổng số trận đấu đã chơi. Trong đầu tôi luôn có cảm giác mình vừa bị đánh bại bởi một cậu nhóc 14 tuổi, cả ngày chỉ có đúng ba việc: Ăn, ngủ, và đánh DOTA.
Một lần nữa cần nhớ, DOTA 2 không phải tựa game dành cho những kẻ háo thắng và không biết bình tĩnh là gì. Để chiến thắng một game đấu, mỗi người chơi cần có tư duy chiến thuật của một kỳ thủ, sự phối hợp nhịp nhàng, không có chỗ cho cái tôi như trong môn bóng rổ, và dĩ nhiên, là thần kinh thép của một người chơi poker máu lạnh. Để đạt được điều này thực không hề dễ dàng một chút nào.
Sau gần 1.400 tiếng đồng hồ chơi DOTA 2, tôi vừa có cảm giác tự hào, lại vừa có phần xấu hổ. Vì trò chơi này mà đã ba lần trong năm, hai cụ thân sinh không nhận ra tôi vì râu để dài quá. Ấy là chưa kể đến tình trạng thiếu ngủ khi chơi đêm.
Tuy đã trở thành một tựa game được phát triển độc lập, nhưng DOTA 2 vẫn mang tầm vóc của DotA thuở nào: Một cộng đồng có sự phát triển đều đặn đến mức đáng kính nể trong làng game thế giới. Thậm chí với sự ra mắt của DOTA 2, tốc độ phát triển của trò chơi này còn mạnh mẽ hơn rất nhiều với hàng loạt những nội dung ảo được chính những người chơi tạo ra và chia sẻ thông qua Steam Workshop. Đó cũng là nơi sức sáng tạo của gamer được dịp tỏa sáng.
Và rồi eSports lại khiến tựa game tiếp tục bay cao. Có lẽ sẽ là múa rìu qua mắt thợ khi tôi đề cập tới The International 4 và khoản tiền thưởng khổng lồ Valve thu được từ chính sự đóng góp của cộng đồng hâm mộ DOTA 2.
Thú thật, ban đầu tôi thấy điều đó hơi hoang phí. Thế nhưng cảm giác được cầm một món đồ mới, ví như một chiếc Shuriken mới, sáng sủa, đẹp đẽ hơn dành cho anh chàng Bounty Hunter giống như một phần thưởng cho chính bản thân mình vậy. Việc người chơi bỏ tiền ra để mua “quyền” thưởng thức những trận đấu của các giải DOTA 2, cùng lúc góp thêm những khoản tiền lớn vào giải thưởng của chính những giải đấu này thực sự là điều vô tiền khoáng hậu.
Việc đó mô tả chính tình yêu của bạn đối với game, sự đóng góp và kỳ vọng vào sự phát triển của cộng đồng đam mê tựa game chính mình cũng đang yêu thích, và đầu tư vào chính bộ môn giải trí họ đam mê.
Tuy vẫn coi DOTA 2 là một tựa game kỳ quặc, thế nhưng đối với tôi, DOTA 2 đã trở thành một thứ không thể tách rời tự lúc nào không hay…